Hàng năm, sau dịp Tết Nguyên đán, nhiều người dân lại tìm đến các ngôi chùa, đền, phủ điện để làm lễ dâng sao giải hạn.
Tại Hà Nội, những ngôi chùa như Phúc Khánh, chùa Hà, đền Quán Thánh… dịp này có hàng chục nghìn người từ khắp nơi đổ về làm lễ. Người dân đứng hàng dài hàng trăm mét trên đường, cầu gần chùa cùng gương mặt lo âu, thấp thỏm, chen lấn để được vào làm lễ, xin lộc là cảnh tượng quen thuộc nhiều năm. Thậm chí có người sẵn sàng chi hàng trăm triệu làm lễ, mong được qua khỏi mọi vận hạn, năm mới bình an.
Trao đổi với VOV.VN về hiện tượng người dân đi cúng dâng sao giải hạn đầu năm, GS Trần Lâm Biền, Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian đã có những ý kiến thẳng thắn về vấn đề này.
PV: Mỗi dịp đầu năm, hàng ngàn người dân lại kéo về các ngôi chùa, miếu, phủ để dâng sao giải hạn, ông nghĩ sao về vấn đề này?
GS Trần Lâm Biền: Muốn giải được hạn, trước tiên con người ta phải thiện tâm. Nhờ cái thiện tâm, mà những cái ác nghiệt được hạn chế đi, tự nó sẽ hết. Đó là con đường đi đến bình an theo tinh thần của thần thánh, đạo Phật.
Nhà chùa, đền là nơi của thần thánh, để chúng sinh đến đó học tập, thực hiện những điều thiện trên nền tảng trí tuệ. Trên nền tảng ấy sẽ đi đến bản chất của thiện tâm. Phải có tuệ mới đi được vào bản chất của tâm thiện mà đi đến những điều tốt lành.
Nhưng đi xa dần khỏi trung tâm của nơi nảy sinh, đến tới các nước phương Đông, tư tưởng này dần bị sai lệch. Dâng sao giải hạn tại Việt Nam tồn tại lâu đời trong dân gian thực chất ảnh hưởng từ Trung Hoa. Theo quan niệm của Đạo giáo, trên trời có 24 ngôi sao, do 24 vị thần chủ có ảnh hưởng đến số phận con người, trong đó có 9 ngôi sao sáng nhất sẽ luân phiên chiếu mệnh các năm.
Đó là các sao La Hầu, Thổ Tú, Thủy Diệu, Thái Bạch, Thái Dương, Vân Hớn, Kế Đô, Thái Âm, Mộc Đức. 9 sao này có sao tốt và có cả sao xấu, phối trí theo các phương, sắp xếp theo 12 chi và ngũ hành. Năm nào bị sao xấu chiếu mệnh, con người sẽ gặp phải chuyện không may, tai nạn, ốm đau, bệnh tật… gọi là vận hạn, là sao chiếu mạng (nặng nhất là "Nam La Hầu, nữ Kế Đô" là loại ám hư tinh vì 2 sao này chẳng thấy được mặt trời).
Từ đó dân gian mới có tục dâng sao giải hạn để tránh những sao xấu chiếu rọi, đi vào cung chiếu của những sao tốt. Nhưng thực tế đây lại là điều không tránh được. Con người đã bịa ra những cái đó, dùng uy lực của thánh thần để dâng sao giải hạn.
Lấy ví dụ đơn giản, như vụ ném bon nguyên tử xuống 2 thành phố Hiroshima và Nagasaki tại Nhật Bản đã lấy đi sinh mạng của hàng trăm ngàn người từ người già đến cả những đứa trẻ sơ sinh. Thử hỏi có sao nào chiếu tất cả những người đó để cùng chịu nỗi bất hạnh lớn.
Dâng sao giải hạn suy cho cùng chỉ là do con người bịa ra để an ủi chính bản thân mình, rồi bị những kẻ hoạt đầu tôn giáo tín ngưỡng lợi dụng kiếm lợi riêng dựa trên sự hiểu biết chưa đầy đủ của quần chúng.
GS Trần Lâm Biền: Dâng sao giải hạn gắn với thuật phù thủy, Đạo giáo, chứ không hề có trong giáo lý nhà Phật. Đạo Phật là hệ thống triết học vô thần, từ bi thoát tục, hướng con người đến thiện tâm trên nền tảng trí tuệ.
Đức Phật Thích Ca cầm bông sen vàng giơ lên và nói với chúng sinh rằng ta là phật đã thành, chúng sinh là phật chưa thành. Do đó, khi đến chùa cốt để tìm lấy cái bản thể, cốt lõi tươi đẹp nhất của bản thân. Chùa là nơi để chúng sinh đến tìm cái bản thể của mình, làm điều thiện trên nền tảng trí tuệ, chứ không phải đi tìm sự mê tín dị đoan.
Thay vì dâng sao giải hạn, thì tốt hơn hãy ứng xử tốt với tất cả mọi người, hướng tới thiện tâm, tinh thần thanh thản, ắt mọi điều tốt sẽ đến.
Không thể có chuyện người nào đó làm điều xấu, dâng sao giải hạn để tránh thoát được luật nhân quả đã làm. Việc quan niệm chi càng nhiều tiền để giải được nhiều hạn, hạn to lại càng sai lầm. Nếu như vậy, người giàu sống lâu, có nhiều sức khỏe, còn người nghèo thì ngược lại?
PV: Xin cảm ơn ông!