Biển Đông

Mỹ tính xây căn cứ quân sự gần Biển Đông để tiện "theo dõi" Trung Quốc?

Tướng quân đội Mỹ cho hay, chương trình quân sự hóa trái phép của Trung Quốc ở Biển Đông là nguyên nhân khiến Mỹ tính tới phương án xây dựng loạt căn cứ quân sự gần vùng biển chiến lược, Infonet dẫn nguồn truyền thông cho biết.
Sputnik

Trong phiên điều trần trước hôm 12/2, Đô đốc Philip Davidson, Chỉ huy Bộ Tư lệnh Ấn Độ — Thái Bình Dương của Mỹ nhấn mạnh, công cuộc "quân sự hóa" của Trung Quốc ở Biển Đông khiến Mỹ tính tới phương án tái cấu trúc lực lượng và xây dựng các căn cứ quân sự ở gần khu vực.

Biển Đông 2019: Trung Quốc buộc phải "suy nghĩ lại"

"Chúng ta phải thừa nhận rằng, môi trường ở Biển Đông đang thay đổi nhanh chóng. Do đó, chúng ta cần có những phương án tiếp cận mới. Điều này khiến chúng ta nghĩ về một số địa điểm chưa có căn cứ quân sự. Chúng tôi đang thảo luận với các đối tác và đồng minh về một số cơ hội", ông Davidson phát biểu tại Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ.

Đô đốc Davidson nhấn mạnh thêm, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã không giữ lời hứa từng đưa ra hồi năm 2015 với cựu Tổng thống Barack Obama về việc không tiến hành quân sự hóa ở Biển Đông.

Theo đó, Bắc Kinh đã nhanh chóng cho cải tạo, xây dựng trái phép hàng loạt đảo nhân tạo ngay trên những khu vực đang xảy ra tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, cũng như triển khai lực lượng tên lửa chống hạm, tên lửa đất đối không và thiết bị phá sóng điện tử ra những cơ sở này.

"Giờ Trung Quốc đã có nhiều vũ khí. Trung Quốc đã nắm trong tay lực lượng quân sự nòng cốt cần thiết và từng bước tăng cường hoạt động cả trên biển, trên không với sự xuất hiện của các máy bay ném bom cùng chiến đấu cơ. Rõ ràng, những hòn đảo nhân tạo được Trung Quốc dùng để hỗ trợ chương trình quân sự hóa ở Biển Đông", Đô đốc Davidson nói.

Biển Đông nằm ở đâu?
Về phần mình, Trung Quốc đã đơn phương tuyên bố chủ quyền trên phần lớn diện tích Biển Đông, tuyến đường biển chiến lược mang lại giá trị thương mại gần 5 ngàn tỷ USD/năm.

Hải quân Mỹ cũng thường xuyên điều động tàu chiến cùng các đối tác thực hiện tuần tra nhằm đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của Trung Quốc.

Cụ thể, trong ngày 11/2, hai tàu khu trục tên lửa dẫn đường của hải quân Mỹ là USS Spruance và USS Preble đã tiến hành hoạt động tuần tra đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông và tiến lại gần bãi Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) nhưng đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép.

Sự xuất hiện của hai tàu chiến Mỹ gần bãi Vành Khăn ngay lập tức vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ từ phía Bộ Ngoại giao Trung Quốc. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đã lên tiếng yêu cầu Mỹ dừng ngay "những hành động mang tính khiêu khích" và cáo buộc tàu chiến Mỹ xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc. 

Thảo luận