Mối quan tâm 40 năm về cuộc chiến 30 ngày

Những ngày này chúng ta nhớ lại những sự kiện của 40 năm trước ở vùng biên giới Việt-Trung. Ngày 17 tháng 2 năm 1979, một lần nữa trong vòng hai ngàn năm, quân đội Trung Quốc xâm chiếm lãnh thổ Việt Nam. Gặp phải sự kháng cự quyết liệt, ngày 5 tháng 3 Bắc Kinh bắt đầu rút quân và đến ngày 18 tháng 3, cuộc chiến hoàn toàn chấm dứt.
Sputnik

Tại sao hôm nay việc nhớ lại những sự kiện của 40 năm trước có ý nghĩa quan trọng như vậy?

Trả lời câu hỏi này, chuyên gia phân tích chính trị của Nga, GS Viktor Sumsky Giám đốc Trung tâm ASEAN thuộc MGIMO lưu ý rằng trong bốn thập kỷ qua, cả Việt Nam và Trung Quốc đều đã có nhiều đổi thay kỳ vĩ, đạt được những thành công ấn tượng trong sự nghiệp hiện đại hóa kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, song hành với tất cả những chuyển biến thì tính chất phức tạp và khúc mắc khá mâu thuẫn trong quan hệ giữa hai nước vẫn còn đó chưa đổi khác.

Chiến sĩ pháo binh của QĐND Việt Nam đối đầu với quân xâm lược Trung Quốc dọc biên giới tỉnh Lạng Sơn giáp Trung Quốc, ngày 23/2/1979

GS Sumsky nhận xét, xung đột trên đất liền giữa hai nước vào năm 1979 đã tái phát vào năm 1988, khi xảy ra đụng độ hải quân ở khu vực quần đảo Trường Sa, đánh dấu khởi đầu bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông. Trong bối cảnh hiện nay ó chao đảo với nền tảng bình ổn chính trị quốc tế, điều quan trọng là không để nảy sinh cuộc xung đột mới, gây tác động tiêu cực rất lớn không chỉ với hai nước này và khu vực, mà còn đối với số phận của cái mà chúng ta gọi là chủ nghĩa xã hội hòa bình. Bởi cả Việt Nam và Trung Quốc đều là những điển hình nổi bật về sức sống của cơ cấu này. Nhưng xung đột chính trị đối ngoại có thể gây hậu quả chính trị đối nội nghiêm trọng, không có lợi cho cả Việt Nam, Trung Quốc và các nước láng giềng. Và cũng không có lợi gì cho Nga, vốn luôn coi trọng quan hệ đối tác với Việt Nam, Trung Quốc và đang trông đợi phát triển quan hệ này hơn nữa.

Chiến tranh biên giới phía Bắc 1979: Vì sao trung Quốc quyết “trừng phạt Việt Nam”?

Trong cuộc phỏng vấn của Sputnik, GS-TSKH Vladimir Kolotov Giám đốc Viện Hồ Chí Minh tại ĐHTH Quốc gia Saint-Peterburg nhận định rằng trong cuộc xâm lược của Trung Quốc vào tháng 2 năm 1979 không phải là không có phần  tham gia của Hoa Kỳ.

Ngay từ năm 1972, cay đắng hiểu rằng đã thua đau tại Việt Nam, Hoa Kỳ đề nghị Trung Quốc bình thường hóa quan hệ song phương trên cơ sở bài Xô, và Bắc Kinh đã thuận theo.  Sau đó, có giao kèo Mỹ-Trung về việc chuyển phần phía đông quần đảo Hoàng Sa cho Trung Quốc, còn phần phía tây của quần đảo này thì Trung Quốc đã chiếm của Việt Nam từ trước đó. Và cuối cùng, vào tháng 1 năm 1979, tại Hoa Kỳ, phái đoàn Trung Quốc đã đạt được sự im lặng làm ngơ với diễn đạt chữ nghĩa là "thái độ trung lập"  của Washington trong trường hợp Trung Quốc bắt đầu cuộc chiến tranh chống Việt Nam.

Cuộc xung đột Trung-Việt năm 1979

Những sự kiện của 40 năm trước, — theo GS  Kolotov, — chứng tỏ rằng sau khi bị Việt Nam đánh bại, Hoa Kỳ tìm cách trả thù bằng bàn tay người Trung Quốc. Và đồng thời, những sự kiện đó cho thấy rằng, y như trong những năm tháng của cuộc kháng chiến chống Mỹ ở Việt Nam, Liên Xô một lần nữa sẵn sàng trợ giúp nước Cộng hòa anh em. Nhóm chuyên gia-cố vấn quân sự Xô-viết  được phái sang Hà Nội, QĐND Việt Nam được cung cấp những loại vũ khí mới. Tổ hợp lớn các tàu chiến Xô-viết tập trung tại khu vực Biển Đông, ngăn chặn không cho hạm đội Nam của Trung Quốc tham gia cuộc xâm lược. Còn trên lãnh thổ Mông Cổ, sát gần biên giới với Trung Quốc, đã điều động triển khai 29 sư đoàn cơ giới và 2 sư đoàn không quân của Quân đội Liên Xô.

Xung đột vũ trang giữa Việt Nam và Trung Quốc ở biên giới phía bắc của CHXHCN Việt Nam từ tháng 2 đến tháng 3 năm 1979. Tỉnh Lang Son. Dân tản cư từ các tỉnh phía bắc Việt Nam.

Tướng Lê Mã Lương: Việt Nam dạy cho Trung Quốc 1 bài học trong chiến tranh biên giới 1979
GS Kolotov nhắc rằng Hoa Kỳ đã chủ tâm gieo rắc những hạt giống ngờ vực giữa Việt Nam và Trung Quốc từ lâu trước cuộc xung đột năm 1979.

"Bởi với sự phê duyệt của chính giới Washington, chính quyền Quốc dân đảng của Trung Quốc vào năm 1947 đã phát triển khái niệm tuyến đường 11 chấm, trở thành cẩm nang chỉ dẫn hành động cả cho CHND Trung Hoa. Thế nhưng bây giờ Hoa Kỳ tác giả thực thụ của khái niệm này lại lên mặt đạo đức giả, cao giọng chỉ trích Bắc Kinh về việc thực thi khái niệm, cố gắng kiếm  điểm ngoại giao với Hà Nội và lợi dụng Việt Nam như yếu tố răn đe Trung Quốc trên Biển Đông, nơi chính người Mỹ đã nhử Trung Quốc bành trướng".

Xung đột vũ trang giữa Việt Nam và Trung Quốc ở biên giới phía bắc của CHXHCN Việt Nam từ tháng 2 đến tháng 3 năm 1979. Tỉnh Lang Son. Dân tản cư từ các tỉnh phía bắc Việt Nam.

Một nhà khoa học chính trị khác của Nga, nghiên cứu viên hàng đầu tại Viện Nghiên cứu Viễn Đông (Viện Hàn lâm Khoa học LB Nga) cũng đã trả lời câu hỏi phỏng vấn của Sputnik. Ông Grigory Lokshin lưu ý rằng từ đầu thế kỷ này, quan hệ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ là cạnh tranh vượt hơn hợp tác. Trong tương quan đó, Việt Nam ở vào tình huống khó khăn và tế nhị.

"Bóp chết" Việt Nam: Tướng Trung Quốc ngông cuồng "chiếm Hà Nội trong vòng 1 tuần"

"Quan hệ thương mại và kinh tế với Trung Quốc đang phát triển nhanh, mà là với thâm hụt rất lớn cho Hà Nội. Việt Nam khó lòng thoát khỏi sự phụ thuộc thương mại vào Trung Quốc. Nhưng sự phụ thuộc này có tính tương hỗ, vì đối với Trung Quốc thì Việt Nam là thị trường khổng lồ. Trong khi đó, Hà Nội không làm gì để kích động đối kháng quan hệ với Bắc Kinh mà cố gắng giữ trong khuôn khổ hòa bình. Và đồng thời, Việt Nam kiên quyết không từ bỏ quyền lịch sử của mình đối với các đảo trên Biển Đông mà Trung Quốc vẫn tuyên bố chủ quyền.

1 / 2
Cuộc họp báo dành cho phóng viên nước ngoài tại Hà Nội. Thông báo chiến thắng của Việt Nam trong cuộc chiến đấu chống quân Trung Quốc bành trướng năm 1979.
2 / 2
Cuộc họp báo dành cho phóng viên nước ngoài tại Hà Nội. Thông báo chiến thắng của Việt Nam trong cuộc chiến đấu chống quân Trung Quốc bành trướng năm 1979.

Trong bối cảnh  đó, Việt Nam chú ý phát triển quan hệ với Hoa Kỳ, bởi Hà Nội thấy có sự trùng hợp về lợi ích với tình hình trong vùng Biển Đông. Hoa Kỳ đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam sau Trung Quốc, mà trong cặp đôi này thì thặng dư thuộc về phía Việt Nam. Việt Nam khéo léo xử lý mối quan hệ tay ba, đi theo con đường mỏng manh giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Và Việt Nam đã thành công, bởi Hà Nội tích lũy được nhiều kinh nghiệm to lớn về cách hành xử như vậy trong những năm hiện hữu mâu thuẫn Xô-Trung. Khi đó Hà Nội đã có thể đồng thời duy trì quan hệ êm đẹp với cả hai, nhận sự hỗ trợ của cả hai dành cho cuộc đấu tranh vì tự do, độc lập và thống nhất đất nước của Việt Nam", — chuyên gia khoa học chính trị Grigory Lokshin kết luận.

Thảo luận