Hầu hết các nhà khoa học nghiên cứu về khí hậu Trái đất không nghi ngờ về sự nóng lên toàn cầu và nó sẽ thay đổi hoàn toàn bộ mặt của hành tinh nếu nhiệt độ tăng không kiểm soát khoảng 1,5 độ C. Kết quả này được đo đạc từ hàng chục vệ tinh, hàng ngàn trạm khí tượng, phao trên biển và hàng trăm máy tính về khí hậu.
Nhiệt độ tăng, mực nước biển tăng và các quá trình khác sẽ buộc nhiều động vật và thực vật trở thành "kẻ tị nạn khí hậu", di chuyển chỗ sinh sống đến phía bắc hoặc vùng núi, vốn là những nơi lạnh và ổn định hơn.
Những loài thực vật và động vật không có khả năng di cư sẽ đơn giản biến mất khỏi bề mặt Trái đất hoặc chỉ sống sót trong các khu bảo tồn, nơi con người vận chuyển chúng đến.
Nạn nhân đầu tiên, theo trang web của Bộ Sinh thái và Năng lượng Úc, là loài gặm nhấm quý hiếm — loài chuột rạn san hô (Melomys rubicola), sống trên hòn đảo cát nhỏ ngoài khơi bờ biển phía bắc Australia.
Lần cuối cùng những con chuột được ngư dân nhìn thấy vào năm 2009. Sau đó, cả những nhà hoạt động môi trường lẫn người dân địa phương không thể tìm thấy dấu vết của chúng nữa. Do vậy, vào ngày 18 tháng 2, các quan chức đã chính thức chuyển loài chuột rạn san hô từ danh sách các loài bị đe dọa sang loài tuyệt chủng.
Tại sao sự biến mất của những con chuột này trở thành sự kiện lớn? Thực tế là các nhà môi trường từ Đại học Queensland hai năm trước cho thấy sự biến mất của Melomys rubicola có liên quan đến sự nóng lên toàn cầu và mực nước biển dâng cao.
Bão thường xuyên và mực nước cao ở eo biển Torres, như các nhà khoa học khi đó chỉ ra, đã làm thu hẹp không gian sống của chuột Bramble Cay, và cuối cùng giết chết loài gặm nhấm.
Hai năm quan sát vùng đất này và các khu vực lân cận của Úc và New Guinea đã thuyết phục các nhà môi trường rằng Melomys rubicola đã biến mất hoàn toàn. Điều này buộc các quan chức phải công nhận chuột rạn san hô là nạn nhân đầu tiên của biến đổi khí hậu và liệt một số loài động vật có vú khác vào danh sách những loài bị đe dọa tuyệt chủng vì lý do tương tự.