96% đồng thuận Luật Giáo dục sửa đổi: Ở đâu thế?

Tôi là đại biểu của đoàn Quốc hội Đồng Tháp, cũng là đại biểu chuyên trách của tỉnh nhưng cũng không biết luật lấy ý kiến lúc nào? Ở đâu? Báo Đất Việt dẫn bình luận của đbqh cho biết.
Sputnik

Sau khi Bộ GD-ĐT công bố kết quả lấy ý kiến nhân dân về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi), theo đó có tỉ lệ đồng thuận đều đạt từ 96% tới 99,5%, ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng kết quả trên không thuyết phục.

Bộ trưởng Nhạ sẽ làm gì để thay đổi giáo dục?

Ông nói rõ, tại kỳ họp Quốc hội trước ông cũng như nhiều ĐBQH đã nêu những bất cập, đề xuất sửa đổi tuy nhiên, gần như các ý kiến góp ý không được ban soạn thảo tiếp thu, chỉnh sửa.

Còn khi được yêu cầu phải lấy ý kiến, chỉnh sửa thì lại lấy ý kiến một cách hình thức, người được lấy ý kiến chủ yếu là giáo viên, cán bộ công chức, phụ huynh nhưng cứ như "diễn" theo kịch bản của luật.

Ông nhấn mạnh, Luật Giáo dục mang tính đại chúng, có tác động trực tiếp tới toàn bộ các tầng lớp nhân dân từ học sinh cho tới cha mẹ học sinh. Vì thế, việc lấy ý kiến cần phải thực hiện một cách công khai, khách quan, minh bạch, đúng đối tượng.

Như vậy, ngoài lấy ý kiến các nhóm đối tượng thuộc nhà trường, cán bộ, công chức thì việc lấy ý kiến các đối tượng ngoài nhân dân đáng ra phải giao cho các đoàn thể xã hội, Mặt trận tổ quốc… thì mới bảo đảm được tính công bằng, khách quan.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ xin lùi dự án Luật Giáo dục sửa đổi
Ông Hòa cho rằng, nếu lấy ý kiến chỉ hướng tới các đối tượng được hưởng lợi là không ổn, cần phải nghĩ tới cả lợi ích của người học nữa.

"Tôi là đại biểu của đoàn Quốc hội Đồng Tháp, cũng là đại biểu chuyên trách của tỉnh nhưng tôi cũng không biết Bộ lấy ý kiến cho luật từ khi nào? Hình thức lấy ý kiến thế nào? Ở đâu? Tôi không hề hay biết, không nghe tới.

Tôi đi tiếp xúc cử tri, tôi hỏi người dân có biết Luật Giáo dục thế nào không thì câu trả lời cũng hầu hết là không biết gì cả chưa nói tới nội dung cụ thể của luật đó như thế nào.

Vì thế, tôi cũng không biết báo cáo của Bộ Giáo dục dựa trên cơ sở nào nhưng rõ ràng khi các nội dung của luật còn nhiều vấn đề mà có một tỉ lệ đồng thuận đẹp như vậy thì càng làm dư luận, xã hội thêm nghi ngờ, thiếu tin tưởng vào năng lực, trình độ, tính khách quan của người làm luật.

Bằng chứng là ngay khi Bộ GD-ĐT báo cáo về kết quả lấy ý kiến đã lập tức bị Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng như các đại biểu phản ứng lại ngay. Đây là câu trả lời rõ ràng nhất cho kết quả lấy ý kiến vừa qua", vị đại biểu này nhấn mạnh.

Không thể đổ hết lên đầu người học

Chánh thanh tra Bộ Giáo dục chống lại chỉ đạo của Bộ trưởng
Cũng nêu quan điểm, PGS.TS Nguyễn Văn Ngãi (Đại học Hoa Sen) cho rằng với một tỉ lệ đồng thuận cao như vậy thì "lạ quá". Vị PGS cho biết, nếu lấy ý kiến về Luật Giáo dục thì phải lấy ý kiến chủ yếu của người dạy và người học.

Tuy nhiên, khi xem qua nội dung quy định về học phí, ông cho biết không ổn, chắc chắn không nhận được sự đồng thuận của người dân và xã hội.

Ông phân tích: Điều 97 của luật quy định, học phí là khoản tiền người học phải nộp để chi trả một phần hoặc toàn bộ chi phí của dịch vụ giáo dục, đào tạo. Mức thu học phí được xác định theo lộ trình tính đúng, tính đủ chi phí dịch vụ giáo dục, đào tạo do Chính phủ quy định. Đối với các cơ sở giáo dục đại học thực hiện theo quy định của Luật giáo dục đại học.

Như vậy, luật đang coi giáo dục là một loại hình dịch vụ và đi học là phải đóng đủ chi, Điều này không sai, tuy nhiên, ở Việt Nam, giáo dục vẫn được coi là một loại hình dịch vụ công, trong đó nhà nước vẫn có vai trò đầu tư, hỗ trợ về cơ sở hạ tầng cho các trường công chứ không phải là dịch vụ tư hoàn toàn như các nước. Do đó, quy định về học phí như trên chỉ phù hợp với cấp đại học, không phù hợp với cấp phổ thông.

"Đối với cấp Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Nhà nước phải có hỗ trợ, không thể đổ hết chi phí lên đầu người đi học. Nếu toàn bộ chi phí học đều đổ hết lên đầu người học thì gánh nặng tiền học phí sẽ khiến nhiều học sinh nghèo khó, vùng sâu, vùng xa không có điều kiện được đi học. Học sinh bỏ học thì không hoàn thành được mục tiêu phổ cập, gây tổn hại lớn cho cả học sinh và xã hội", PGS Nguyễn Văn Ngãi góp ý.

Chữa “bệnh thành tích” trong giáo dục Việt Nam: Hãy bỏ hết các cuộc thi
Một lãnh đạo trường Trung học phổ thông trên địa bàn Hà Nội cũng cho biết dù được mời tham gia góp ý nhưng ông vẫn có nhiều ý kiến chưa đồng thuận.

Cụ thể về mục tiêu, vị lãnh đạo trường cho biết mục đích của luật lần này đặt ra là nhằm tháo gỡ, thay đổi toàn diện ngành giáo dục nhưng vấn đề đặt ra vẫn còn mang tính hình thức, làm cho có.

Ông lấy ví dụ về triết lý giáo dục, ông cho rằng triết lý giáo dục không phải chỉ viết ra một vài dòng, vài chữ là xong mà triết lý giáo dục phải được hình thành, xuyên suốt quá trình giảng dạy, học tập của con người.

Tiếp theo, vấn đề tự chủ của các trường, việc phân cấp rõ trách nhiệm của Bộ, của địa phương và nhà trường cũng chưa được quy định rõ, chưa làm rõ được vai trò của đội ngũ cán bộ quản lý, vai trò của nhà giáo, giáo viên chủ nhiệm.

Ông cho biết, đây đều là những yếu tố rất quan trọng có tác động trực tiếp trong đánh giá năng lực, làm thay đổi hành vi, đạo đức của học sinh chính là đội ngũ giáo viên nhưng lại không có một từ ngữ nào được đề cập tới.

"Luật Giáo dục chưa thể hiện được vai trò quốc sách hàng đầu của ngành giáo dục. Đầu tư cho giáo dục chưa được kiểm soát chặt chẽ. Rồi vấn đề tiền lương, tiền học phí… tất cả chưa tháo gỡ được vướng mắc, vẫn né tránh", vị lãnh đạo trường chỉ rõ.

Thảo luận