Việt Nam đã tiến thêm một bước ngoạn mục trên hành trình vươn lên giành vị thế lớn hơn trong sân chơi khu vực và quốc tế.
Giới ngoại giao, báo chí và chuyên gia quốc tế đã râm ran đồn đoán lâu nay về những lý do mà Việt Nam, và Hà Nội, được lựa chọn làm địa điểm tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ hai giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong Un trong khi những người trong cuộc, từ cả hai phía, hầu như im lặng.
Những bình luận gần đây của các nhà nghiên cứu quốc tế đã nêu ra một vài lý do khả tín cho việc lựa chọn Việt Nam làm địa điểm tổ chức, dù không biết chắc chắn ai là người đưa ra đề xuất đầu tiên.
Lựa chọn hoàn hảo
Dù mỗi người có phỏng đoán khác nhau thì hầu như cộng đồng quốc tế đều đồng ý rằng Việt Nam là địa điểm tuyệt vời để hai nhà lãnh đạo của Mỹ và Triều Tiên gặp nhau.
Bởi trong vài thập kỷ gần đây, Việt Nam đã nỗ lực gây dựng hình ảnh một đất nước không chỉ như ngôi sao đang lên về kinh tế mà còn trong tư cách một thành viên tích cực, có vị thế quan trọng trong sân chơi khu vực.
Họ đã thành công trong việc bảo vệ vị thế trung lập, không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước láng giềng hay tìm cách gây ảnh hưởng lên các sự kiện toàn cầu.
Dĩ nhiên, không thể không kể đến bề dày kinh nghiệm dày dạn của Việt Nam trong việc tổ chức các sự kiện quốc tế trọng đại.
Thành công của Hội nghị Hợp tác Kinh tế châu Á — Thái Bình Dương APEC 2017tổ chức tại Đà Nẵng đã được cả khu vực ghi nhận và gây ấn tượng với Trump đến mức mà có lời đồn cho rằng Tổng thống Mỹ muốn tổ chức Thượng đỉnh Mỹ — Triều lần hai ở thành phố biển xinh đẹp này.
Nhưng cuối cùng Hà Nội đã được lựa chọn, bởi những lý do hiển nhiên: Thủ đô, nơi tập trung các cơ quan chính phủ đầu não của Việt Nam, nơi cả Triều Tiên và Mỹ đều đặt đại sứ quán và có đầy đủ các phương tiện để đảm bảo an ninh và đi lại.
Và còn nơi nào mang tính biểu tượng hơn thành phố được UNESCO mệnh danh là Thành phố vì Hòa bình để tổ chức hội nghị về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên?
Ý nghĩa biểu tượng
Mỹ và Việt Nam, hai cựu thù trong chiến tranh, cũng đã tìm được nền tảng chung để xây dựng quan hệ đối tác hai bên cùng có lợi và một con đường để cả hai cùng tiến về phía trước.
Cả Trump và các đời tổng thống Hoa Kỳ trước đó, như Obama, Bush con và Bill Clinton đều ủng hộ mối quan hệ với Việt Nam. Kim Jong-Un có thể sẽ muốn đất nước mình, vốn chia sẻ nhiều điểm tương đồng với một Việt Nam trong quá khứ, đạt được những thành tựu tương tự.
Cả Mỹ và có thể là nhà lãnh đạo Kim Jong Un đều hứng thú với Việt Nam bởi những thành công trong cải cách kinh tế của Hà Nội mang tính biểu tượng cao. Nói như cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu, Việt Nam đã thành công trong nỗ lực thoát ra khỏi Thế giới thứ Ba để gia nhập vào nhóm các quốc gia của Thế giới Thứ Nhất, được thế giới ghi nhận nhờ những thành tựu của Đổi Mới.
Tuy nhiên, ông Kim có lẽ sẽ không tìm cách đi theo con đường này của Việt Nam. Bởi Kim Jong-Un và giới lãnh đạo Triều Tiên luôn luôn khẳng định rằng CHDCND Triều Tiên là một cường quốc và không việc gì phải học hỏi từ ai cả.
Kim sẽ vẫn muốn bảo vệ bức màn thần bí đang bao phủ Triều Tiên.
Việt Nam được gì từ cuộc gặp này?
Bởi lẽ, kể từ sau chiến tranh Triều Tiên những năm 50 của thế kỷ trước, giới lãnh đạo Bắc Triều Tiên luôn duy trì quan điểm nhất quán coi vấn đề an ninh và sự tồn vong của chế độ có ý nghĩa hơn hết thảy.
Vũ khí hạt nhân, được phát triển từ thập kỷ 80 đến nay, là minh chứng rõ ràng nhất cho đường lối này. Ít ai có thể tưởng tượng Kim Jong-Un sẽ chấp nhận từ bỏ vũ khí hạt nhân cho dù có nhận được sự bảo đảm từ Mỹ, phương Tây hay thậm chí là Trung Quốc.
Kim không bao giờ quên bài học của những nhà lãnh đạo khác như Mohamad Gadahfi khi tự nguyện từ bỏ vũ khí chỉ để thấy Mỹ dội bom và lật đổ chế độ của mình. Hay như Saddam Hussein ở Iraq, bị buộc phải từ bỏ việc thử nghiệm vũ khí hạt nhân, nhưng cuối cùng bị Mỹ và đồng minh lật đổ, đưa tới giá treo cổ.
Bất kể cuộc gặp Trump — Kim có kết quả ra sao thì Việt Nam đã ở vào vị thế đáng thèm muốn của một người chiến thắng. Họ đã tiến thêm một bước ngoạn mục trên hành trình vươn lên giành vị thế lớn hơn trong sân chơi khu vực và quốc tế.
Không nghi ngờ gì nữa, giờ đây thế giới hoàn toàn có thể tin vào lời tuyên bố của Việt Nam, rằng đất nước này sẽ làm mọi điều có thể để góp phần thúc đẩy "hòa bình, an ninh và ổn định" quốc tế. Điều này sẽ tiếp tục củng cố sự tin cậy mà Việt Nam đã miệt mài gây dựng lâu nay với cộng đồng quốc tế.
Vậy thì, câu hỏi đặt ra là Việt Nam nên làm gì tiếp theo để tận dụng "ánh hào quang sân khấu" hậu Thượng đỉnh Trump — Kim?
Giữa vô vàn lựa chọn khác nhau, điều chắc chắn mà Việt Nam nên làm là củng cố vị thế đã giành được trên trường quốc tế. Việt Nam đã đóng vai trò rất tích cực trong các hội nghị APEC và ASEAN.
Không có lý do gì để ngăn cản Việt Nam phát huy vai trò lớn hơn trong các tổ chức và định chế khu vực khác, như Ngân hàng Phát triển Châu Á chẳng hạn, một tổ chức thúc đẩy phát triển kinh tế trong khu vực.
Mặt khác, Việt Nam đang có những "cơ hội vàng" để hiện diện tích cực hơn ở các diễn đàn đầu tư quốc tế, kêu gọi thu hút vốn đầu tư nước ngoài, cũng như thu hút du khách quốc tế.
Việt Nam có thể xây dựng một số trung tâm xuất sắc, tập trung nghiên cứu một vài lĩnh vực quốc tế mà họ muốn gây ảnh hưởng, trong đó có việc tổ chức các hội thảo, hội nghị cũng như đưa các đại diện Việt Nam ra thế giới.
Giáo sư, Tiến sĩ Terry Buss là một chuyên gia quốc tế uy tín. Ông từng là giám đốc chương trình nghiên cứu quốc tế, an ninh và quốc phòng của Học viện Hành chính Quốc gia Hoa Kỳ, tác giả của 12 cuốn sách và hàng trăm bài báo về các vấn đề chính sách khác nhau. Ông cũng đảm nhận vai trò Giám đốc trường Chính sách Công, Đại học Canergie Mellon tại Australia trong nhiều năm.