Vì sao tuyển Việt Nam chiến thắng còn U22 thất bại ở Đông Nam Á?

Kỳ vọng lớn nhưng quá trình chuẩn bị có nhiều bất cập, U22 Việt Nam của HLV Nguyễn Quốc Tuấn giành huy chương đồng tại giải U22 Đông Nam Á là kết quả hoàn toàn hợp lý, Zing phân tích.
Sputnik

Thất bại 0-1 trước Indonesia ở bán kết cách đây ít ngày coi như đặt dấu chấm hết cho hành trình của U22 Việt Nam tại giải U22 Đông Nam Á. Chiến thắng trước Campuchia trong trận tranh huy chương đồng vào tối 26/2 không thể khiến người hâm mộ thỏa mãn. Sau những thành công liên tiếp ở sân chơi khu vực và châu lục, thất bại của U22 Việt Nam là khó chấp nhận với các CĐV.

HLV Lê Thụy Hải: "U22 Việt Nam cần HLV tốt hơn Nguyễn Quốc Tuấn"

Tuy nhiên, đó là kết quả hoàn toàn hợp lý nếu nhìn vào quá trình chuẩn bị của thầy trò huấn luyện viên Nguyễn Quốc Tuấn.

Ông Quốc Tuấn không phải "người được chọn"

Người lẽ ra ngồi vào vị trí HLV trưởng U22 Việt Nam là HLV Hoàng Anh Tuấn. Ông Tuấn "con" chính là người đưa U20 Việt Nam tới World Cup trẻ đầu tiên trong lịch sử. Sau thành tựu ấy, ông Tuấn được "quy hoạch" để trở thành người dẫn dắt dài hạn U19 Việt Nam trong tương lai.

Chính HLV Park Hang-seo thừa nhận tài năng của HLV Hoàng Anh Tuấn khi nhờ ông Tuấn giúp tuyển quân cho U22 Việt Nam. Bản thân ông Tuấn cũng có nhiều hiểu biết về lứa cầu thủ này khi đưa U19 Việt Nam dự 2 giải châu Á liên tiếp và sở hữu kinh nghiệm đào tạo trẻ dày dạn ở PVF.

Nhưng khi Giải U22 Đông Nam Á đã tới gần, ông Tuấn bận việc gia đình nên xin thôi dẫn dắt đội tuyển. Thực tế ấy buộc VFF phải tìm một nhà cầm quân mới. Vì thời gian gấp gáp, họ phải lựa chọn ông Nguyễn Quốc Tuấn.

Nhà cầm quân tới từ HAGL vốn được biết với vai trò HLV thủ môn dưới thời Toshiya Miura. Ông Tuấn từng giữ ghế HLV trưởng HAGL trong hai mùa bóng 2016 và 2017. Hai năm ấy, HAGL lần lượt xếp hạng 12 và 10.

Thua đau U22 Indonesia, HLV U22 Việt Nam trách trọng tài thiên vị
Không có thuyền trưởng tốt nhất là thiệt thòi đầu tiên của U22 Việt Nam.

Quá trình tuyển quân gặp nhiều khó khăn

Thành công rực rỡ của lứa trẻ trong những năm vừa qua đẩy hàng loạt tài năng mới lên đội tuyển quốc gia. Trong danh sách tuyển Việt Nam dự Asian Cup 2019, HLV Park Hang-seo gọi 7 cầu thủ sinh năm 1997 trở lên.

Vì đợt tập trung Asian Cup 2019 trùng với quá trình chuẩn bị cho giải U22 Đông Nam Á, 7 cầu thủ gồm Bùi Tiến Dũng, Hồ Tấn Tài, Hà Đức Chinh, Nguyễn Quang Hải, Nguyễn Thành Chung, Nguyễn Tiến Linh, Đoàn Văn Hậu không thể gia nhập đội hình U22 Việt Nam.

Ngoài ra, Trần Đình Trọng, Đặng Văn Tới và Dương Văn Hào đang chấn thương, nên ông Nguyễn Quốc Tuấn mất gần trọn đội hình. Họ đều là những cái tên xuất sắc của lứa 1997, nhiều người thậm chí đá ở tuyển Việt Nam.

Do không thể có 10 cầu thủ trên, ông Nguyễn Quốc Tuấn buộc phải mang "đội hình hai" đi dự giải U22 Đông Nam Á. Lực lượng này có nòng cốt tới từ 3 câu lạc bộ gồm HAGL, Hà Nội B và Bình Dương. Đây là 3 đội đã vào tới bán kết giải U21 quốc gia 2018.

Thua cay đắng U22 Indonesia, U22 Việt Nam vỡ mộng vô địch U22 Đông Nam Á
Dù đều có năng lực, các cầu thủ này vẫn trẻ và chủ yếu chỉ thi đấu trong nước.

Ảnh hưởng từ Viettel và PVF

Những người tinh ý sẽ nhận ra danh sách U22 Việt Nam dự giải Đông Nam Á không có một cái tên nào trực tiếp tới từ hai lò đào tạo trẻ nổi danh Viettel và PVF.

Theo giáo trình đào tạo cũ, PVF đã kết thúc quy trình năm cầu thủ đủ 18 tuổi. Ngô Tùng Quốc (TP.HCM) hay Bùi Tiến Dụng (CLB Đà Nẵng) đều gia nhập U22 Việt Nam từ CLB chuyên nghiệp. Không còn lứa trẻ của PVF, tuyển U22 đánh mất nguồn nhân lực đáng kể.

Đội bóng cũng không có sự phục vụ của hàng loạt cái tên tới từ CLB Viettel. Đó là Nguyễn Hoàng Đức, Nguyễn Trọng Đại, Trương Tiến Anh, Nhâm Mạnh Dũng và Đinh Thanh Bình (mượn từ HAGL). Phần lớn đến từ thế hệ U20 Việt Nam dự World Cup hồi năm 2017. CLB Viettel mới thăng hạng V.League và đang có tham vọng lớn. Đội bóng đã từ chối nhả quân cho U22 Việt Nam để hướng tới mùa giải V.League đầu tiên.

Việt Nam suýt thua U22 Philippines: HLV Quốc Tuấn lên tiếng sau màn "chết hụt"
Việc Singapore, Lào và Brunei bất ngờ rút khỏi giải Đông Nam Á sau lễ bốc thăm càng khiến U22 Việt Nam khó thuyết phục các CLB nhả người. Trong lần tổ chức đầu tiên, U22 Đông Nam Á ít danh tiếng để VFF thuyết phục các đội đánh đổi. Thực tế giải đấu chứng minh nhận định trên là đúng.

Kỳ vọng quá lớn, đòi hỏi nhiều

So với các đối thủ, U22 Việt Nam không chỉ đến Campuchia để giành huy chương. Phan Thanh Hậu và đồng đội còn nhiệm vụ quan trọng không kém là chuẩn bị lực lượng cho SEA Games 2021 tổ chức trên sân nhà.

Trong nhóm 4 đội có mặt tại bán kết, U22 Việt Nam trẻ trung hơn cả. Đoàn quân của HLV Nguyễn Quốc Tuấn có 12 cầu thủ đủ tuổi dự SEA Games 2021 (sinh năm 1999 trở lên). Con số tương tự của Campuchia và Indonesia là 10 người, Thái Lan có 8 người.

Nếu U22 Việt Nam chỉ tập trung lực lượng tốt nhất, không cần trẻ hóa cho SEA Games, ông Tuấn và học trò có thể làm được nhiều hơn. Nhưng điều đó đã không diễn ra. Việc đan cài những cầu thủ trẻ vào đội lớn để hướng tới tương lai là cách làm quen thuộc, mang tính hệ thống của bóng đá Việt Nam.

Trợ lý Lee Young Jin tin Việt Nam sẽ lập kì tích tại Vòng loại World Cup 2022
Ngay trước ông Tuấn, HLV Park Hang-seo đã gọi thêm 5 cầu thủ U21 lên tuyển trong đợt tập trung trước thềm Asian Cup 2019. Ông Park muốn họ được làm quen, được hít thở không khí đỉnh cao nhằm hướng tới giải U23 châu Á 2020.

Khó khăn nữa dành cho thầy trò HLV Nguyễn Quốc Tuấn là sự kỳ vọng. Với nền bóng đá vừa vào top 8 châu Á, sở hữu đội tuyển vô địch Đông Nam Á, kỳ vọng của người hâm mộ là rất lớn.

Chuẩn bị không đủ, được kỳ vọng quá nhiều và chịu áp lực quá lớn, U22 Việt Nam thực sự phải đối diện nhiều khó khăn trong giải đấu trên đất Campuchia vừa qua.

Thảo luận