Nhìn nhận tại triển lãm thương mại ngành công nghiệp dịch vụ ô tô Việt Nam phiên bản lần thứ 3 (Automechanika 2019), nhiều người vẫn chạnh lòng vì số lượng doanh nghiệp nước ngoài áp đảo doanh nghiệp Việt Nam. Các thương hiệu lớn từ Mỹ, Đức, Hàn Quốc,… vẫn hiện diện ở các khu vực trung tâm với diện tích lớn trong khi các doanh nghiệp nội địa vừa ít lại vừa nhỏ về quy mô nằm ở các gian hàng ngoài rìa.
Cũng theo nhận định của đại diện bộ Công Thương, sự đẩy mạnh đầu tư của các thương hiệu Việt Nam trong thời gian gần đây như Thaco với khu công nghiệp Dung Quất — Quảng Nam hay sự hiện diện nhanh như vũ bão của VinFast đã góp phần thúc đẩy gia tăng nội địa hóa sản xuất ô tô tại Việt Nam.
Ông Nguyễn Thanh Đàm, Chủ tịch VAST Group cho biết, đang có sự chênh lệch rất lớn giữ cung và cầu đối vối ô tô tại Việt Nam. Xét về sản lượng sản xuất năm 2018, Việt Nam chỉ có 215.000 chiếc ô tô, gần như không thể so sánh với các nước lớn như Trung Quốc (hơn 29 triệu chiếc), Mỹ (12 triệu chiếc), Nhật Bản (hơn 9,6 triệu chiếc),… Nhưng ở chiều ngược lại, Việt Nam là thị trường tiêu thụ ô tô được đánh giá rất cao, nhiều tiềm năng phát triển khi đã có 352.209 chiếc ô tô được bán ra trong năm 2018.
"Với tốc độ tiêu thụ như hiện nay, cùng với cơ cấu lao động vàng có thu nhập tốt chiếm 52% dân số, quy hoạch mở rộng các khu đô thị, Việt Nam là thị trường chiến lược cho nhiều hãng xe lớn trên thế giới. Vì thế, dư địa còn rất lớn cho các nhà sản xuất ô tô trong nước. Nếu có chính sách tốt, ô tô nội địa có thể cạnh tranh về giá so với hàng nhập khẩu", ông Nguyễn Thanh Đàm phân tích.
"Cụ thể, khi nhập khẩu 1 chiếc xe hoàn chỉnh thì mức thuế là 0. Nhưng nếu nhập từng phụ kiện để chế tạo, lắp ráp thì các mặt hàng đó vẫn còn chịu thuế. Như vậy, sản phẩm hoàn chỉnh tại Việt Nam làm sao cạnh tranh về giá với hàng nhập khẩu. Trong khi đó, thương hiệu nước ngoài có nguồn vốn mạnh để thực hiện dự án lớn, đơn hàng số lượng hàng ngàn chiếc ô tô. Mà điều này thì 90% doanh nghiệp Việt quy mô nhỏ và vừa vẫn đang chật vật", ông Tống cho hay.