"Có một cơ hội để thoát khỏi tình trạng này với sự giúp đỡ của các bên trung gian, nhưng tại thời điểm hiện nay thì không cấp thiết lắm, bởi vì phe đối lập đang thấy mình rất mạnh, cảm nhận được sự ủng hộ của Hoa Kỳ, cũng như hàng chục quốc gia trên thế giới đã công nhận Juan Guaido là tổng thống. Và phe đối lập hiểu rằng bây giờ đây lực lượng này hợp nhất hơn bao giờ hết, và Tổng thống Maduro thực tế bị cô lập. Các nhà lãnh đạo phe đối lập không cảm thấy cần phải thỏa hiệp", — ông Malli nói.
Theo ông, phe đối lập lo ngại rằng nếu các cuộc đàm phán bắt đầu diễn ra thông qua các trung gian, ông Maduro sẽ kéo dài thời gian và "đàm phán chỉ để đàm phán".
"Nghĩa là giờ đây nhu cầu hòa giải thông qua Nhóm tiếp xúc, hoặc thông qua Mexico với Uruguay, hoặc qua Vatican là không cao lắm. Nhưng nếu tình trạng này vẫn kéo dài trong những tuần tiếp theo, thì có lẽ sẽ có cơ hội hòa giải: bởi vì các bên có thể nhận thấy rằng tình hình không hợp ý họ", — chuyên gia lưu ý.
Đồng thời, ông bày tỏ ý kiến rằng Matxcơva và Bắc Kinh có thể đóng vai trò quan trọng trong việc dàn xếp, ví dụ như khuyến khích Tổng thống Maduro linh hoạt hơn trong cuộc đối thoại với phe đối lập.
"Tôi không nghĩ rằng Nga hay Trung Quốc có thể là trung gian. Nhưng tôi nghĩ rằng họ có thể đóng vai trò quan trọng trong trường hợp này, bởi vì họ có mối quan hệ chặt chẽ với chính quyền Venezuela và họ có đòn bẩy trong tay. Tôi nghĩ rằng nếu nhu cầu hòa giải phát sinh, thì Nga và Trung Quốc có thể đóng vai trò bằng cách tiếp xúc chặt chẽ với Caracas và khuyến khích chính quyền linh hoạt và nghiêm túc hơn trong các cuộc đàm phán", — ông Malli nói.