Chi phí quốc phòng năm 2019 của nước này sẽ tăng 7,5% so với năm ngoái. Trong bài bình luận cho Sputnik, chuyên gia quân sự Nga Vasily Kashin nói về những phương hướng ưu tiên trong chính sách quốc phòng của Trung Quốc.
Con số này thấp hơn mức tăng trong năm ngoái là 8,1%, và không sánh được với tốc độ tăng ngân sách quốc phòng trong giai đoạn từ cuối những năm 1990 đến đầu những năm 2010, khi đó mức tăng chi phí quốc phòng của Trung Quốc là cao hơn 10% (ví dụ, Ngân sách năm 2007 tăng 18%).
Có chú ý đến tình hình căng thẳng trong quan hệ Trung-My, tốc độ tăng ngân sách quốc phòng của Trung Quốc được giải thích theo hai cách khác nhau. Nhiều phương tiện truyền thông của phương Tây và Nhật Bản cáo buộc Trung Quốc đang "phô trương sức mạnh cơ bắp". Còn truyền thông Trung Quốc nhấn mạnh rằng, tốc độ tăng ngân sách quốc phòng đã chậm lại so với năm 2018.
Tuy nhiên, thực tế là phức tạp hơn. Kể từ nửa đầu thập niên 2000, Trung Quốc theo đuổi một chiến lược khá nhất quán liên quan đến ngân sách quốc phòng của mình. Rõ ràng, giới lãnh đạo Trung Quốc tìm cách tăng cường sức mạnh quân sự của đất nước tương xứng với sự tăng trưởng sức mạnh kinh tế, đồng thời để không bị tụt hậu và không bị căng thẳng quá mức.
Ngân sách quốc phòng chính thức của Trung Quốc đã được đưa đến mức khoảng 1,3% GDP vào năm 2001 (hồi những năm 1990, chi tiêu quốc phòng đã chiếm 1% GDP trong ba năm liền 1995-1997). Đến nay, chi phí quốc phòng của Trung Quốc vẫn chiếm khoảng từ 1,3-1,4% GDP (ví dụ, chỉ số 1,3% đã được ghi trong ngân sách năm 2018).
Con số tăng ngân sách quốc phòng Trung Quốc mỗi năm tương quan khá chặt chẽ với, thứ nhất, tốc độ tăng trưởng GDP so với năm trước, và thứ hai — với sự thay đổi giá cả. Có lẽ, đối với ngân sách quốc phòng có những chỉ số giảm phát đặc biệt có tính đến sự thay đổi giá cả của các thiết bị quân sự, nhiên liệu và dầu nhờn, v.v. Các chỉ số này khác với chỉ số giảm phát GDP và chỉ số giá sản xuất được công bố, nhưng tương quan với chúng.
Chính bởi vậy tốc độ tăng trưởng GDP hai chữ số trong bối cảnh tăng giá các sản phẩm công nghiệp và nhiên liệu dẫn đến việc tốc độ ngân sách quân sự cũng có hai chữ số. Sự chậm lại của nền kinh tế Trung Quốc và mức lạm phát thấp làm cho tốc độ tăng ngân sách quốc phòng giảm 6-7%. Có lẽ, tác động của các sự kiện chính trị đến tốc độ gia tăng chi tiêu quân sự là không đáng kể. Không nên coi số liệu ngân sách quốc phòng Trung Quốc như là một phản ứng đối với các sự kiện chính trị hoặc là tín hiệu chính trị.
Đồng thời, các chuyên gia ghi nhận xu hướng: bộ phận quân sự trong cơ cấu ngân sách nhà nước đang tăng dần, mặc dù chậm. Ví dụ, trong khi ngân sách quốc phòng của Trung Quốc tăng 7,5%, chi tiêu cho ngân sách nhà nước hợp nhất chỉ tăng 6,5%. Đồng thời, Trung Quốc còn thua xa Hoa Kỳ về gánh nặng quân sự đối với nền kinh tế. Ở Hoa Kỳ, chi tiêu quân sự thường ở mức gần 4% GDP, không bao gồm một số chi tiêu gián tiếp bổ sung. Ở Nga, chi tiêu quân sự ở mức khoảng 2,8% GDP.
Những cáo buộc của các nhà phân tích phương Tây cho rằng, trong ngân sách quốc phòng của Trung Quốc có những thành phần mà Bắc Kinh che giấu, hầu như không thay đổi tình hình. Ở Hoa Kỳ cũng có các khoản chi tiêu đáng kể liên quan đến quốc phòng lên tới 716 tỷ USD, nhưng không được bao gồm trong ngân sách Lầu Năm Góc. Ví dụ, trong năm 2019 Mỹ sẽ chi gần 200 tỷ đô la để trợ cấp cựu chiến binh. Ngoài ra còn có những khoản chi phí để hỗ trợ quân sự cho nước ngoài và các chương trình quân sự của một số cơ quan dân sự, ví dụ Bộ Năng lượng.
Như được biết, ở Trung Quốc phần lớn chi phí cho các hoạt động nghiên cứu và phát triển không được đưa vào ngân sách quốc phòng chính thức. Chi phí bảo hiểm xã hội cho các cựu quân nhân và hầu hết các chi phí đào tạo và trang bị các thành phần dự bị của lực lượng vũ trang cũng không được ghi vào ngân sách quốc phòng. Với tất cả các yếu tố này, ngân sách quốc phòng của Trung Quốc vẫn không tới 2% GDP — con số tối thiểu cho chi tiêu quân sự mà NATO khuyến nghị cho tất cả các thành viên.
Tỷ lệ chi tiêu quân sự tăng dần trong ngân sách nhà nước Trung Quốc, nhưng điều này khó có thể được coi là một sự leo thang nghiêm trọng. Trung Quốc cho rằng, tình hình hiện nay trên thế giới là đáng báo động, vì thế nước này tăng tốc độ xây dựng quân đội, nhưng, Bắc Kinh không thấy sự cần thiết phải xem xét lại các ưu tiên trong chiến lược quân sự của mình.