Ngày mai, có kết quả xét nghiệm sán lợn của hơn 1.200 học sinh ở Bắc Ninh

Theo Infonet - Đến hết 16/3, đã có hơn 1.200 trẻ từ Bắc Ninh đến BV Nhiệt đới Trung ương và Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng TƯ để làm xét nghiệm xem có nhiễm sán lợn hay không.
Sputnik

Theo thống kê của Viện Sốt rét — Ký sinh trùng — Côn trùng Trung ương, ngày 15-16/3 có 550 trường hợp đến xét nghiệm sán lợn. Tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, sáng nay có 500 bé, hôm qua có 175 bé.

Dự kiến, ngày mai (17/3) Bệnh viện mới có kết quả xét nghiệm, bởi sau hôm qua nhiều trường hợp dương tính chéo với các loại ký sinh trùng khác nên hôm nay phải chạy nhiều xét nghiệm hơn.

Trước đó, ngày 15/3, hàng trăm phụ huynh có con đang theo học trường Mầm non Thanh Khương đưa con ra Hà Nội xét nghiệm. Kết quả, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương và Viện Sốt rét — Ký sinh trùng — Côn trùng Trung ương phát hiện 57 bé dương tính với sán lợn, nhiều mẫu vẫn chưa có kết quả.

Vụ các bé mầm non nhiễm sán lợn ở Bắc Ninh: Chỉ đạo nóng

Hiện chưa rõ số lượng lớn trẻ em ở xã Thanh Khương nhiễm sán lợn từ đâu, nhưng cuối tháng 2, phụ huynh phát hiện bếp ăn trường Mầm non Thanh Khương có thịt lợn nổi nhiều hạch trắng, có dấu hiệu của bệnh sán gạo.

TS. Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương khuyên phụ huynh hoàn toàn bình tĩnh vì đây là bệnh không cấp tính, không ảnh hưởng đến tính mạng, có thể diệt trứng được trong vòng 2 tuần.

Liên quan đến vấn đề này, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, bệnh sán dây/ấu trùng sán dây lợn (sán lợn) hay còn gọi là bệnh sán dải, sán dải heo, phân bố ở nhiều nơi trên thế giới, việc mắc bệnh liên quan đến tập quán ăn uống, ăn thịt lợn chưa nấu chín.

Người ăn phải trứng sán dây lợn nhiễm trong thức ăn, sau khi ăn hay nuốt phải trứng sán, trứng vào dạ dày, nở ra ấu trùng, đến ruột non, ấu trùng xuyên qua thành ống tiêu hóa vào máu và di chuyển đến ký sinh tại các cơ vân, não, mắt,…

Hơn 1200 học sinh bị nhiễm sán lợn ở Bắc Ninh: Bộ GD&ĐT nói gì?

Trong trường hợp người bệnh có sán trưởng thành trong ruột, khi đốt sán già rụng, có thể đốt sán bị trào ngược lên dạ dày do phản ứng của nhu động ruột, như vậy sẽ tương tự như ăn phải đốt sán mới, do đó số lượng ấu trùng sẽ rất lớn.

Ấu trùng sán theo máu đến các cơ, mắt hay não của người và sẽ hóa nang. Tùy thuộc vào vị trí ký sinh của nang sán mà có những biểu hiện khác nhau.

Nếu nang sán nằm trong cơ sẽ thấy có những u nhỏ, chắc, kích thước khoảng 1 — 2 cm hoặc bằng hạt đỗ, hạt lạc, di động dễ, không ngứa, không đau, nằm ở vị trí cơ vân, không ở trên đường đi của hạch bạch huyết.

Nếu nang sán nằm trong não, người bệnh có thể bị động kinh, liệt tay, chân hay liệt nửa người, nói ngọng, rối loạn trí nhớ hoặc đau đầu dữ dội. Còn nếu nang sán nằm trong mắt có thể gây tăng nhãn áp, giảm thị lực hoặc mù.

Bắc Ninh: Hơn 1.200 trẻ được xét nghiệm nhiễm sán lợn

Người bệnh ăn phải thịt lợn sống hay chưa chín có chứa các nang sán (lợn gạo), khi đến dạ dày ấu trùng sán sẽ thoát nang và bám dính vào ruột non rồi phát triển thành sán dây trưởng thành.

Sán dây trưởng thành phát triển dần bằng cách nẩy chồi, sinh đốt mới từ cổ, tạo ra hàng ngàn đốt sán mới, mỗi đốt có khoảng 50.000 trứng, kéo dài chiều dài của sán trưởng thành lên tới 2 đến 12 mét, chúng ký sinh trong ruột non nhiều năm.

Bệnh sán dây trưởng thành thường không biểu hiện triệu chứng rõ rệt như gây triệu chứng đau bụng, rối loạn tiêu hóa nhẹ. Triệu chứng chủ yếu là người bệnh thường xuyên có những cảm giác khó chịu, bứt rứt, có những đốt sán tự rụng theo phân ra ngoài, đốt sán là những đoạn nhỏ, dẹt, trắng ngà như xơ mít, đầu sán phẳng, một số trường hợp phát hiện thấy có trứng sán trong phân.

Thảo luận