Vụ các bé mầm non nhiễm sán lợn ở Bắc Ninh: Chỉ đạo nóng

Theo Báo Đất Việt - Ông Quỳnh yêu cầu Công an tỉnh điều tra làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân cung cấp thực phẩm không bảo đảm an toàn trong các trường học.
Sputnik

Liên quan đến thông tin xuất hiện thịt lợn nghi nhiễm sán được dùng làm thực phẩm tại Trường Mầm non Thanh Khương (xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh), ngày 15/3, ông Nguyễn Tử Quỳnh, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh đã chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương vào cuộc, sớm ổn định tình hình, bảo đảm quyền lợi cho các cháu học sinh.

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh đề nghị Sở Y tế cần căn cứ vào các mẫu xét nghiệm, báo cáo và thông tin chính thức cho các cơ quan liên quan.

Ông Quỳnh cũng đề nghị Công an tỉnh khẩn trương điều tra, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan đến việc cung cấp, phát tán thông tin không đúng sự thật gây hoang mang dư luận.

Hơn 1200 học sinh bị nhiễm sán lợn ở Bắc Ninh: Bộ GD&ĐT nói gì?

Cũng liên quan đến vấn đề này, ngày 16/3, theo thông tin trên báo Tuổi Trẻ, Vụ Giáo dục thể chất Bộ GD-ĐT yêu cầu sở GD-ĐT tỉnh Bắc Ninh kiểm tra xác định trách nhiệm của các trường có bếp ăn bán trú, báo cáo sớm về Bộ.

Ông Ngũ Duy Anh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất cho biết, Bộ GD-ĐT sẽ có văn bản gửi các Sở GD-ĐT về việc tăng cường thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm đối với các bếp ăn bán trú, kiểm soát chặt chẽ nguồn thực phẩm, quy trình giao nhận, bảo quản thực phẩm, tăng cường tuyên truyền, giáo dục học sinh về an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng chống dịch bệnh.

Nói về bệnh sán lợn, TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cho biết:

"Hiện nay, chúng tôi có rất nhiều phác đồ điều trị, có thể diệt sán trưởng thành chỉ mất một ngày, còn diệt cả ấu trùng mất khoảng nửa tháng. Phụ huynh chỉ cần lấy thuốc về cho con uống, không nhất thiết phải nhập viện. Cha mẹ nên cho con đi học bình thường, tránh ảnh hưởng học tập của trẻ. Bệnh nhiễm sán lợn hoàn toàn có thể điều trị dứt điểm".

Bắc Ninh: Hơn 1.200 trẻ được xét nghiệm nhiễm sán lợn

Trả lời về nguồn lây nhiễm sán lợn, ông Nguyễn Quang Thiều, Phó viện trưởng Viện Sốt rét, Ký sinh trùng và Côn trùng Trung ương, cho hay sau thông tin về việc cung cấp thực phẩm không sạch tại Bắc Ninh, viện đã kết nối với Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật của tỉnh Bắc Ninh.

Hiện, cơ quan này chưa cung cấp thông tin cụ thể. Tuy nhiên, những vùng có lưu hành ấu trùng sán lợn, khi người dân ăn thực phẩm không vệ sinh đều có nguy cơ mắc bệnh.

Đối với khả năng nguồn lây từ thực phẩm thịt lợn có sán, ông Thiều cho biết:

"Nếu ăn thịt lợn có sán và chưa được nấu chín, nguy cơ mắc bệnh rất cao. Tùy mỗi người có sức đề kháng khác nhau dẫn tới việc mắc bệnh hay không. Có những trường hợp chỉ ăn một lần có trứng sán lợn là có thể nhiễm bệnh".

Trước đó, phụ huynh có con học tại Trường Mầm non Thanh Khương phát hiện thịt lợn trong bếp ăn của trường có dấu hiệu nổi nhiều hạch, tật màu trắng dấu hiệu giống như bệnh sán gạo. Vì vậy, nhiều phụ huynh đã đưa con đi xét nghiệm tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương.

Được biết, tính đến sáng ngày 16/3, số trẻ mầm non ở Bắc Ninh bị nhiễm sán lợn đã tăng lên con số 62 và chưa có dấu hiệu dừng lại. Hàng trăm gia đình có con học ở Trường Mầm non Thanh Khương và các trường trên địa bàn huyện Thuận Thành  vẫn đang tiếp tục đưa con đi xét nghiệm sán lợn.

Thảo luận