Theo tờ The Star của Malaysia, ông Abdul Fareed cho biết, Tổng Chưởng lý không có nghĩa vụ phải giải thích lý do hủy cáo buộc trong các vụ việc nhưng vì vụ việc của Đoàn Thị Hương là vụ việc gây chú ý nên sẽ tốt hơn nếu Tổng Chưởng lý công bố lý do dẫn tới quyết định của ông.
"Quyền quyết định tiếp tục truy tố hay hủy bỏ cáo buộc đối với một người thuộc thẩm quyền của Tổng Chưởng lý. Việc này đã được thực hiện trong một số vụ việc. Tuy nhiên, việc người phụ nữ Indonesia đã được hủy bỏ cáo buộc phiên tòa đã tiến đến giai đoạn truy tố và bào chữa là điều bất thường", ông Abdul Fareed nói.
Theo Straits Times, ông Abdul Fareed cũng cho rằng việc 2 người bị khởi tố về cùng một tội danh nhưng một người lại không được hủy bỏ cáo buộc còn người được hủy là không bình thường.
"Vụ án này đã thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế, vì vậy, có rất nhiều câu hỏi về lý do tại sao một người được tha bổng và các cáo buộc chống lại cô ta được rút lại trong khi người kia vẫn bị buộc tội", ông Abdul Fareed nói.
Đoàn Thị Hương và công dân Indonesia Siti Aisyah cùng bị cáo buộc đã sát hại một công dân Triều Tiên mang hộ chiếu tên Kim Chol nhưng được cho là ông Kim Jong-nam — anh trai cùng cha khác mẹ của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un — bằng chất độc thần kinh VX tại sân bay Kuala Lumpur hồi tháng 2/2017.