Chưa thể khẳng định Hà Nội là thành phố ô nhiễm thứ 2 Đông Nam Á

Trả lời câu hỏi của phóng viên về thông tin Hà Nội là một trong hai thành phố ô nhiễm nhất ĐNA, ông Lê Tuấn Định cho biết, chưa có căn cứ chính xác để khẳng định điều này. Bởi đơn vị đánh giá dùng công nghệ và dữ liệu từ Đại sứ quán Mỹ, trong khi, Hà Nội đang sử dụng hệ thống quan trắc theo quy chuẩn LHQ, theo cpv.
Sputnik

Chiều 19/3, Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội đã thông tin về hiện trạng chất lượng không khí đầu năm 2019.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội Mai Trọng Thái, qua quan trắc chất lượng không khí tại Hà Nội 3 tháng đầu năm 2019 cho thấy, chất lượng vẫn ở mức "trung bình" là chủ yếu là do điều kiện khí tượng bất lợi, kết hợp với một số yếu tố khác.

Thông tin với báo giới về hiện trạng chất lượng không khí đầu năm 2019, ông Mai Trọng Thái cho biết, hiện nay, đơn vị đang quản lý 10 trạm quan trắc không khí tự động, liên tục (2 trạm cố định và 8 trạm cảm biến). Do vậy, chất lượng không khí của Hà Nội đã được theo dõi tự động liên tục, báo cáo UBND TP Hà Nội và công bố kết quả hàng ngày trên các phương tiện đại chúng.

"Qua theo dõi diễn biến từ năm 2017 đến đầu năm 2019, chất lượng không khí chủ yếu ở mức "trung bình". Chất lượng không khí năm 2018 có cải thiện hơn so với năm 2017, nhưng trong 3 tháng đầu năm 2019 có xu hướng giảm xuống và ở mức "trung bình" là chủ yếu. Trong giai đoạn này, nồng độ bụi PM2.5 có trong không khí cao, đặc biệt là vào cuối tháng 1 (thời điểm Tết Nguyên đán) và giữa tháng 3/2019" — ông Thái nêu.

Nguyên nhân khiến chất lượng không khí đầu năm 2019 có xu hướng giảm được Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường nêu là do điều kiện khí tượng bất lợi, kết hợp với khí thải từ giao thông, xây dựng, nguồn thải từ các khu cụm công nghiệp, làng nghề… Những yếu tố này đã làm cho không khí Hà Nội luôn bị tích tụ chất ô nhiễm, khó có thể phát thải, pha loãng.

Từ kết quả đo được và tính toán chỉ số chất lượng không khí 3 tháng đầu năm 2019 cho thấy, số ngày AQI (chỉ số chất lượng không khí) đạt mức tốt chủ yếu tập trung vào những ngày có điều kiện khí tượng thuận lợi và tuần nghỉ Tết Nguyên đán (do lượng phương tiện giao thông giảm mạnh). Số AQI chạm mức kém và xấu chủ yếu tập trung vào các tuần cuối năm và những ngày có điều kiện khí tượng bất lợi.

Sáng ngày 19/3, Thành phố Hà Nội chìm trong sương mù.

Ngoài ra, những ngày cuối tháng 1/2019 cũng là thời điểm cuối năm âm lịch, nhiều phương tiện đi lại, tình trạng đốt vàng mã và đốt rác phổ biến tại nhiều điểm, khu vực ngoại thành,… Chính điều kiện khí tượng bất lợi kết hợp với khí thải từ giao thông, xây dựng, nguồn thải từ khu cụm công nghiệp, làng nghề,… đã làm bầu không khí Hà Nội luôn bị tích tụ thêm chất ô nhiễm mà khó có thể phát thải, pha loãng, khiến chất lượng không khí trong giai đoạn này kém đi.

Làm rõ thêm về các giải pháp cải thiện chất lượng không khí của thành phố, ông Lê Tuấn Định, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, thành phố đã và đang thực hiện hàng loạt giải pháp như trồng 1 triệu cây xanh (đã vượt kế hoạch đặt ra trong năm 2018) và tiếp tục chương trình trồng cây xanh trong năm 2019; đẩy nhanh công tác đầu tư các bãi phế thải xây dựng và các nhà máy đốt rác công nghệ hiện đại… Hà Nội đã dùng chế phẩm Redoxy-3C để xử lý ô nhiễm và duy trì chất lượng nước tại 86 hồ trong nội thành; cải tạo nước hồ Hoàn Kiếm và hồ Tây, làm sạch sông Tô Lịch.

Ngoài ra, thành phố hạn chế và dần tiến tới cấm sử dụng bếp than tổ ong tại các quận nội thành và cấm đốt rơm rạ ngoài đồng ở khu vực ngoại thành. Một giải pháp quan trọng khác đang được nhiều sở, ngành phối hợp thực hiện là xây dựng đề án khuyến khích người dân sử dụng các phương tiện công cộng, hạn chế phương tiện cá nhân; đẩy mạnh đầu tư công nghệ nghiền, tái chế phế thải xây dựng… Thành phố cũng đã triển khai đồng bộ các Đề án nhằm cải thiện chất lượng không khí như: Đề án chống ồn, chống bụi; Đề án Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn 2030…

Trả lời câu hỏi của phóng viên về thông tin Hà Nội là một trong hai thành phố ô nhiễm nhất Đông Nam Á, ông Lê Tuấn Định, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, chưa có căn cứ chính xác để khẳng định điều này. Bởi đơn vị đánh giá dùng công nghệ và dữ liệu từ Đại sứ quán Mỹ, trong khi Hà Nội đang sử dụng hệ thống quan trắc theo quy chuẩn Liên hợp quốc, vì vậy, chưa có căn cứ để xác định thông tin đó đúng bao nhiêu phần trăm.

Thảo luận