PVN lên tiếng về khoản 'hoa hồng' tại dự án tỉ đô ở Venezuela

Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) cho rằng 'bonus' được sử dụng trong ngành dầu khí không phải là tiền 'hoa hồng', đây thực chất là khoản tiền mà nhà thầu phải trả cho nước chủ nhà khi ký hợp đồng dầu khí, báo Tuổi Trẻ thông tin.
Sputnik

Trước những thông tin về dự án đầu tư của PVN tại Venezuela chi hàng triệu đô tiền "hoa hồng" cho dự án Junin 2, trong thông tin gửi báo chí sáng 21-3, tập đoàn này giải thích thêm về khoản tiền được gọi là "Participant Bonus" hoặc có cách gọi khác là "Signature Bonus".

3 cái lạ trong dự án dầu khí tỷ đô ở Venezuela: Có văn bản gửi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng

Đang có hiểu sai về "hoa hồng"?

PVN cho rằng nếu hiểu theo nghĩa đơn giản, chữ "bonus" nghĩa là tiền thưởng (tiền "hoa hồng") thì không đúng với bản chất của từ ngữ. Thực chất, đây là khoản tiền mà nhà thầu phải trả cho nước chủ nhà khi ký hợp đồng dầu khí.

"Khoản tiền này giống như tiền đi mua hồ sơ thầu, giá trị của khoản tiền này nhiều hay ít tùy thuộc vào giá trị tổng thể của gói hợp đồng. Có nghĩa là khi công ty dầu khí nước chủ nhà giao tài liệu thì ta phải trả tiền, khoản tiền này cũng như một loại tiền đặt cọc để buộc tham gia dự án. Đây là một thông lệ bình thường ở quốc tế" — PVN cho hay.

Theo tập đoàn này, thực tế trong khai thác dầu khí ở Việt Nam, các công ty nước ngoài đầu tư vào khai thác dầu cũng phải trả khoản tiền này. Ví dụ, BHP (Anh) đã phải trả quyền khai thác ở mỏ Đại Hùng 90 triệu USD, hoặc liên doanh với Nga khai thác dầu ở mỏ Nhenhetxky cũng phải trả phí tham gia hợp đồng gần 100 triệu USD.

PVN cho rằng do cách hiểu và cách dịch khác nhau nên cho rằng đây là tiền "lại quả", nhưng thực tế việc thanh toán khoản phí này là theo luật dầu khí của từng nước.

Chỉ "sâu chúa" mới dám và vượt mặt Quốc hội, ném chục ngàn tỷ ra ngoài như thế?
Đối với dự án Junin 2, PVN cho biết cụ thể khoản tiền phí tham gia dự án này là 584 triệu USD và phải chuyển ngay 300 triệu USD theo quy định của Venezuela.

Không thể nào có chuyện chúng ta chuyển tiền cho Venezuela rồi họ lại cắt xén, chia chác, lại quả với nhà đầu tư Việt Nam.

PVN

Có thể kéo dài dự án hoặc được lô khác tại Venezuela

PVN dẫn chứng các nhà đầu tư nước ngoài khác cũng phải chi khoản tiền này ở Venezuela, như Nga cũng phải chi cho PDVSA 1 tỉ USD tiền phí tham gia hợp đồng, Trung Quốc cũng đã chi 1 tỉ USD cho cái gọi là "hoa hồng chữ ký"…

Theo PVN, đối với dự án Junin 2 ở Venezuela, Việt Nam có được là do tình cảm đặc biệt của Tổng thống Hugo Chavez và nhân dân Venezuela dành cho Việt Nam.

Một điều nữa: sau khi ký hợp tác liên doanh giữa PVEP và PVDSA thì dự án này đã được Quốc hội Venezuela thông qua. Vì vậy, PVN cho rằng bất luận thời thế có thay đổi, dù ai lên nắm quyền thì đều phải tôn trọng và thực hiện đúng những điều Quốc hội đã quyết định.

PVN cho biết Quốc hội Venezuela quyết định nếu dự án chưa đạt hiệu quả kinh tế cao thì bất luận lý do gì, Quốc hội sẽ kéo dài thời gian thực hiện dự án cho phía Việt Nam.

Sếp lớn PVN dưới bóng ông Đinh La Thăng: Người từ chức, kẻ vướng lao lý, gặp nhau trong tù
Sau khi ông Hugo Chavez mất, Tổng thống Nicolás Maduro lên nắm quyền. Theo đó, khi sang thăm hữu nghị chính thức Việt Nam, ông cho biết chính phủ Venezuela sẵn sàng cho Việt Nam lựa chọn một lô khác nếu Việt Nam thấy thuận lợi hơn, có hiệu quả kinh tế cao hơn.

PVN đầu tư khi chưa được phê duyệt?

Trong khi đó, tại báo cáo gửi Thủ tướng vào tháng 8-2010 của Bộ Kế hoạch đầu tư về dự án đầu tư liên doanh phát triển khai thác và nâng cấp dầu khí lô Junin 2 tại Venezuela của Tổng công ty thăm dò khai thác dầu khí (PVEP) thuộc PVN, bộ này cho biết vào tháng 11-2008 đã có cuộc họp thẩm định báo cáo việc đầu tư với sự tham gia của nhiều bộ ngành và có tờ trình Thủ tướng xin phê duyệt dự án với tổng mức đầu tư hơn 1,24 tỉ USD.

Mặc dù xem xét cấp giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài cho dự án trên cơ sở "ý kiến chấp thuận đầu tư dự án của Thủ tướng", nhưng do còn vướng mắc về việc ghi vốn đầu tư khi PVN phải trả thêm khoản tiền được hiểu là "hoa hồng" là 584 triệu USD, Bộ KH-ĐT đã họp với các bộ ngành, lấy ý kiến để thống nhất ghi tổng mức đầu tư đầy đủ là 1,825 tỉ USD.

Với tổng mức đầu tư này (PVN góp vốn vượt quá 30%), thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư là của Quốc hội. Do đó, Bộ KH-ĐT đã có báo cáo Thủ tướng và kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét đặc cách với dự án để cấp giấy chứng nhận đầu tư.

PVN 'ném' nghìn tỉ tại Venezuela: Ép bộ trưởng ký, 'phớt lờ' báo cáo Quốc hội
Trả lời bằng văn bản sau đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bác đề xuất này, yêu cầu Chính phủ có tờ trình chính thức gửi Ủy ban này, làm rõ phần vốn nhà nước góp vào dự án.

Tại báo cáo tháng 5-2009 mà Chính phủ gửi cơ quan thường trực của Quốc hội về dự án Junnin 2, cơ cấu phần vốn góp nhà nước tại dự án được thay đổi. Theo đó, vốn góp từ vốn chủ sở hữu của PVN giảm từ 956 triệu USD xuống còn 547 triệu USD, tức chỉ còn 29,9% tổng chi phí vốn góp của phía Việt Nam, tức dự án không còn nằm trong diện phải báo cáo Quốc hội xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư.

Chưa kể khi dự án chưa được cấp giấy chứng nhận đầu tư thì ngày 29-6-2010, hợp đồng thành lập, quản lý Công ty liên doanh khai thác và nâng cấp dầu nặng lô Junnin 2 Venezuela (Petromacareo) đã được ký kết giữa PVEP và CPP (công ty con của Công ty Dầu khí quốc gia Venezuela).

PVEP lấy hợp đồng này để bổ sung và hoàn thiện hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận đầu tư gửi Bộ Kế hoạch đầu tư.

Trên thực tế, Bộ Kế hoạch đầu tư cùng Bộ Tài chính đã liên tiếp có các văn bản góp ý cảnh báo rủi ro, hiệu quả đầu tư của dự án này, chỉ ra những vấn đề như lạm phát, chênh lệch tỉ giá, các yêu cầu sử dụng dịch vụ nội địa, hay việc Venezuela phá giá đồng tiền khiến đồng tiền nước này bị mất giá trị…

Bộ Công an điều tra sai phạm trong dự án dầu khí tỉ USD tại Venezuela của PVEP
Các bộ này đã cảnh báo phải "hết sức thận trọng khi đầu tư bằng vốn nhà nước tại dự án".

Tuy nhiên, PVN và PVEP đã ký hợp đồng chính thức khi chưa có giấy phép đầu tư. Trong khi theo thỏa thuận phía Việt Nam phải thanh toán phí tham gia hợp đồng cho các đợt là 300 triệu và 142 triệu USD.

Nếu vi phạm, Việt Nam sẽ bị xử lý theo các cam kết đã ký, như cổ phần của PVEP tại công ty liên doanh có thể phải chuyển cho đối tác Venezuela mà Việt Nam không được thanh toán hay đền bù.

Bộ Kế hoạch đầu tư đã kiến nghị Thủ tướng có báo cáo Bộ Chính trị xin chủ trương trình Quốc hội có cơ chế đặc cách xem xét thông qua chủ trương đầu tư với dự án này. Tuy nhiên, do đầu tư không có hiệu quả nên đến năm 2013, theo quyết định của Thủ tướng, dự án đã phải dừng đầu tư.

Thảo luận