Ngày 23/3 tại Khu di tích K9 – Đá Chông, Ba Vì , Hà Nội, trong không khí tươi vui ngập tràn sắc màu Việt-Nga hơn 800 học sinh phổ thông Việt Nam và Nga, sinh viên, các học viên quân đội các trường Việt Nam đã sôi nổi tham gia Festival “Đa sắc màu Việt-Nga 2019” với sự đam mê và lòng nhiệt thành. Sự kiện do Phân viện Puskin tại Hà Nội phối hợp với Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức, nhằm hưởng ứng các hoạt động của Năm chéo Việt – Nga.
“Festival năm nay có nhiều đặc biệt. Vì là Năm chéo Việt – Nga, nên chúng tôi đã chọn địa điểm tổ chức ý nghĩa, mảnh đất địa linh Khu di tích lịch sử Chủ tịch Hồ Chí Minh “Đá Chông - K9”. Thứ hai, Festival năm nay tổ chức cho cả học sinh, sinh viên và các học viên quân đội. Thứ 3, năm nay số lượng người tham gia đông nhất, hơn 800 em. Tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng: lần đầu tiên có một trường Đại học Nga quan tâm đến hoạt động có tính văn hoá, giáo dục này, hiểu được tầm quan trọng của việc quảng bá văn hoá Nga và khơi gợi tình yêu với tiếng Nga ở giới trẻ Việt Nam, tạo tiền đề cho việc chọn nước Nga làm điểm đến du học. Trường Đại học Tổng hợp quốc gia Tambov đã cử đại diện sang dự Festival và tặng quà cho các em”, - Giám đốc Phân viện Puskin tại Hà Nội, trưởng Ban tổ chức Festival “Đa sắc màu Việt-Nga 2019”, bà Nguyễn Thị Thu Đạt nói với Sputnik.
Đội “Ngọn Lửa” từ trường THPT Chuyên Nguyễn Huệ, Hà Nội, đội “Sắc Màu” từ trường THPT chuyên Hà Nội – Armsterdam, đội “Cầu Vồng” đến từ trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ, Hòa Bình, đội “Búp Bê Nga” từ THPT chuyên Lê Hồng Phong, Nam Định, rồi các đội đến từ Thái Nguyên, Hải Dương, rồi các đội từ Học viện Kỹ thuật Quân sự, Học viện Khoa học quân sự, Học viện Phòng không-Không quân. Đặc biệt, đội «Cơn Lốc» của Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu, Vinh, Nghệ An đã phải vượt một quãng đường dài gần 300 km để tới với Festival “Đa sắc màu Việt-Nga”. 16 đội học sinh, sinh viên đã rất tích cực chuẩn bị cho Festival.
“Trước đó, các đội đều lo lắng, gọi điện, hỏi han: festival năm nay, trước khi khai mạc, tất cả vào dâng hương Bác Hồ, vậy phải mặc thế nào? Cần chuẩn bị nguyên liệu gì để thi nấu ăn? Thi đọc thơ có được biểu diễn và để nhạc nền phụ hoạ không? Thi “Khéo tay hay làm”, làm bưu thiếp bằng phương pháp thủ công thì có được sử dụng các vật liệu riêng của đội để làm cho đẹp không? Chúng tôi đã nhận được rất rất nhiều câu hỏi. Điều đó chứng tỏ sự quan tâm và tích cực chuẩn bị của các đội”, - Bà Nguyễn Thị Thu Đạt chia sẻ với Sputnik.
“Chúng ta luôn bên nhau”, “Giấc mơ mùa đông”, “Thời thanh niên sôi nổi”, “Kalinka” và bao tiết mục văn nghệ khác đã làm cho Festival rực rỡ hơn, sâu sắc hơn.
Điểm nhấn của Festival năm này là phần thi “Đầu bếp tài năng” và thi “Đọc thơ A.X. Puskin.
Đầu bếp người Nga trực tiếp hướng dẫn các học sinh làm món ăn Nga để dự thi “Đầu bếp tài năng”.
- Chúng ta sẽ cùng chuẩn bị món ăn của “xứ sở bạch dương”. Các bạn biết những món ăn nào của Nga?
- Súp củ cải, bánh xèo, salat Nga, ...
- Đúng rồi, vậy các bạn có biết chúng ta sẽ làm món ăn nào của Nga không?
- Món salat Nga.
“Tôi nhớ về khoảnh khắc tuyệt vời”, Gửi K***”, “Buổi sáng mùa đông”, ... Những vần thơ của đại thi hào Puskin vang lên trong không gian Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cuộc thi đọc thơ Puskin cũng hấp dẫn không kém phần thi làm món salat Nga.
“Em thấy chương trình Festival năm nay rất thú vị và bổ ích. Em và các ban đã học được nhiều điều và được giao lưu với nhiều bạn bè, cả các bạn Nga nữa”, - Em Phạm Thanh Sỹ, trường THCS Trần Đăng Ninh, TP Nam Định chia sẻ.
“Em cảm giác như đang được ở trên quê hương của mình vậy. Các bạn Việt Nam rất thân thiện và nói tiếng Nga rất tốt, - Em Andrey Sokolov, học sinh trường PT thuộc Đại sứ quán LB Nga tại Việt Nam nói.
“Festival hôm nay gây một ấn tượng thật tuyệt vời. Bao nhiêu học sinh tới đây từ xa, vượt hàng trăm cây số để tới với hoạt động này. Tôi thấy những nụ cười rạng rỡ, những ánh mắt tràn đầy nhiệt huyết, những tiết mục xuất sắc,... Tất cả rất xúc động, đặc biệt khi các em hát những bài hát Nga, đọc thơ Puskin. Festival này là một hoạt động có ý nghĩa thúc đẩy tích cực, thắt chặt hơn sự hiểu biết lẫn nhau giữa thanh thiếu nhiên hai nước chúng ta. Tôi cho rằng, những tiếp xúc trực tiếp rất quan trong. Những hoạt động như festival, các cuộc thi, những chuyến thăm quan sẽ cho các em biết nhiều hơn về đất nước của nhau, về truyền thống, văn hóa, và các em sẽ tôn trọng đất nước của nhau hơn, như thế hệ đi trước”, - Ông Vadim Bublikov, Tham tán Công sứ ĐSQ Liên bang Nga tại Việt Nam nói với Sputnik.
Festival “Đa sắc màu Việt-Nga” là hoạt động thường niên được Phân viện Puskin tổ chức để các em học sinh, sinh viên Việt Nam và Nga có cơ hội giao lưu, học hỏi, thể hiện tài năng, đồng thời giúp các em tìm hiểu thêm về văn hóa và ngôn ngữ Nga và Việt Nam. Đây cũng là một sân chơi bổ ích trong hoạt động ngoại giao nhân dân nhằm kết nối tích cực thế hệ trẻ hai nước, Việt Nam và Liên bang Nga.