Hợp đồng bán tiêm kích F-16 cho Đài Loan là tín hiệu Washington gửi tới các đồng minh

Theo Bloomberg, Chính phủ Hoa Kỳ đã chấp thuận yêu cầu của Đài Loan về việc mua 60 tiêm kích F-16. Theo tuyên bố của phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Geng Shuang, Trung Quốc kiên quyết phản đối việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan. Quan điểm này rất kiên định và chắc chắn.
Sputnik

Bắc Kinh đã nhiều lần nhấn mạnh rằng, Hoa Kỳ nên nhận ra sự nhạy cảm của vấn đề này, đây là một nhân tố tác động mạnh mẽ đến mối quan hệ Trung —Mỹ. Liệu hợp đồng này là một dấu hiệu về việc chính quyền Trump thay đổi cách tiếp cận vấn đề Đài Loan? Sau đây là bài của Sputnik về nội dung này.

Lần gần đây nhất Hoa Kỳ đã bán một lô 150 chiến đấu cơ F-16 vào năm 1992. Trong nhiều năm liền Washington không bàn giao lô máy bay chiến đấu lớn như vậy cho hòn đảo này. Vào tháng 6 năm 2017, chính quyền Trump đã phê duyệt thương vụ lớn cung cấp các thiết bị quân sự cho Đài Loan. Tính tổng cộng có 7 hợp đồng tổng trị giá khoảng 1,4 tỷ USD. Gói này bao gồm các đài radar cảnh báo sớm đòn tấn công tên lửa, hệ thống đánh chặn tên lửa, ngư lôi và các bộ phận cho tên lửa phòng không dẫn đường. Ngoài ra, vào mùa thu năm ngoái, Hoa Kỳ đã quyết định bán phụ tùng cho máy bay chiến đấu F-16, máy bay vận tải C-130, máy bay chiến đấu F-5 và tiêm kích IDF do Đài Loan sản xuất. Nhiều thiết bị khác là một phần của giao dịch tổng trị giá 330 triệu USD.

Mỹ sẵn sàng bán cho Đài Loan hơn 60 máy bay chiến đấu F-16

Việc cung cấp tiêm kích F-16 có nghĩa là Hoa Kỳ dự định tiếp tục tích cực tham gia vào việc hiện đại hóa không quân Đài Loan, và đây là một bước nghiêm túc nhằm tăng cường hợp tác quân sự giữa Washington và Đài Bắc, — nhà Trung quốc học người Nga, Phó Viện trưởng Viện các nước Á Phi của Đại học quốc gia Matxcơva Andrei Karneev bình luận với Sputnik.

Trong bối cảnh mối quan hệ lạnh nhạt giữa Bắc Kinh và chính quyền Đài Loan do bà Thái Anh Văn đứng đầu, bất kỳ tín hiệu nào thậm chí ít quan trọng hơn về việc thay đổi tính chất của mối quan hệ quân sự Mỹ-Đài Loan đều gây sự lo lắng của ban lãnh đạo Trung Quốc. Đây là lý do tại sao ngay trước khi Quốc hội Mỹ phê duyệt hợp đồng bán máy bay chiến đấu cho Đài Bắc, Bắc Kinh đã cảnh báo Washington về hậu quả của việc cung cấp vũ khí hiện đại cho Đài Loan, — chuyên gia Andrei Karneev nhận xét.

Hợp đồng bán tiêm kích F-16 cho Đài Loan là tín hiệu Washington gửi tới các đồng minh

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, Trung Quốc chỉ phản ứng bằng những tuyên bố chính trị, vì hợp đồng mới không dẫn đến sự thay đổi nghiêm trọng trong cán cân quyền lực ở eo biển Đài Loan và sẽ không đòi hỏi tăng cường đáng kể tiềm năng quân sự của Trung Quốc ở các tỉnh phía Nam.

Cần lưu ý rằng, lực lượng không quân của Đài Loan không đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực quốc phòng, và vai trò này sẽ giảm dần. Bởi vì trong những năm gần đây Trung Quốc phát triển mạnh mẽ kho vũ khí tên lửa có độ chính xác cao. Như dự kiến, trong tương lai một phương hướng ưu tiên của Đài Loan sẽ là các loại hệ thống phòng không mặt đất có khả năng sống sót bằng cách điều động quanh đảo sau các cuộc tấn công tên lửa của Trung Quốc, — chuyên gia quân sự Nga Vasily Kashin nói.

Trung Quốc sẽ không kéo dài việc thống nhất với Đài Loan vô thời hạn

Ngay cả nếu lô khí tài quân sự mà Hoa Kỳ cung cấp cho chính quyền Đài Loan không đạt được mức cao kỷ lục, điều đó vẫn có ý nghĩa biểu tượng quan trọng. Việc đưa các tàu chiến Mỹ đi qua eo biển Đài Loan cũng có logic tương tự. Hôm thứ Hai, Bộ Quốc phòng Đài Loan đã xác nhận hai tàu hải quân Mỹ đi qua eo biển Đài Loan. Kể từ đầu năm, các tàu chiến của Hải quân Hoa Kỳ ba lần vào eo biển Đài Loan và mỗi lần công bố công khai về điều đó.

 Hoa Kỳ gửi tín hiệu không chỉ tới Bắc Kinh và Đài Bắc, mà cả tới các đồng minh của Mỹ trong khu vực. Trong khuôn khổ chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương, Hoa Kỳ sẽ chú trọng hơn nữa việc duy trì quan hệ vơi  Đài Loan. Đây là một tín hiệu quan trọng gửi tới các đồng minh của Hoa Kỳ trong khu vực. Vì hiện có những nghi ngờ ngày càng tăng về khả năng của Hoa Kỳ đảm bảo an ninh khu vực, Mỹ cần phải thuyết phục các nước đồng minh về việc Washington "không bỏ người của mình". Và Đài Loan với mối quan hệ quân sự lâu đời với Hoa Kỳ là một thí dụ điển hình. Trong tương lai gần, Hoa Kỳ sẽ tiếp tục đóng vai trò người bảo đảm an ninh cho Đài Loan. Đây là một phần của chính sách kiềm chế Trung Quốc, mà chính quyền Trump vẫn không từ bỏ mặc dù đang tìm kiếm sự thỏa hiệp trong quan hệ thương mại. Washington tìm cách nhấn mạnh vai trò đặc biệt của mình trong việc đáp ứng nhu cầu quân sự của Đài Loan.

Thảo luận