QUYỀN LỰC VÀ THA HÓA QUYỀN LỰC
Quyền lực "là quyền hành và thế lực mạnh, đủ để quyết định các công việc: nắm quyền lực trong tay — dùng quyền lực ép người ta phải nghe theo, làm theo"[1], hiểu khái quát đó là quyền định đoạt mọi công việc quan trọng về mặt chính trị và sức mạnh để bảo đảm việc thực hiện quyền ấy. Còn tha hóa là "1. Trở nên khác đi, biến thành cái khác…2. Trở thành người mất phẩm chất đạo đức, một cán bộ bị tha hóa"[2]. Hiểu theo nghĩa chung nhất, đó chính là cái ban đầu được biểu hiện là cái khác, là hiện tượng làm biến tướng bản chất hoặc mục đích của sự vật, hiện tượng. Tha hóa quyền lực là căn bệnh của những người có chức, có quyền, vì thế cần phải phòng và chống sự tha hóa quyền lực bằng cách: "1. Kiểm tra, xem xét, nhằm ngăn ngừa những sai phạm các quy định… 2. Đặt trong phạm vi quyền hành và trách nhiệm"[3].
Tiếp cận từ góc độ "phạm vi quyền hành và trách nhiệm", có thể nhận dạng sự tha hóa quyền lực ở một số biểu hiện cơ bản như sau: 1) Lạm quyền: chủ thể nắm quyền tự cho mình thêm những quyền mà họ không có được khi được trao quyền. Sự "tạo thêm" này là "dạng vượt quá giới hạn", làm biến dạng quyền lực. 2) Lộng quyền: là sự liều của chủ thể của quyền lực khi "làm" mà không cần biết hậu quả xảy ra thế nào và cũng không sợ trách nhiệm mình phải gánh chịu. 3) Trục lợi từ quyền: hình thành dần trong quá trình thực thi quyền lực, do các chủ thể quyền lực có thể "tranh thủ" chi phối đối tượng để đòi hỏi các lợi ích vật chất và tinh thần cho mình. 4) Độc đoán, chuyên quyền: người được xã hội trao quyền muốn thâu tóm, khống chế quyền lực bằng một cơ chế tập trung quyền lực cao độ về mình; trấn áp tất cả các thế lực chống đối để tuyệt đối hóa quyền lực của mình. 5) Quan liêu: biểu hiện người nắm quyền không bám sát thực tế, không dựa trên những cơ sở thực tế để thực thi quyền lực công mà chỉ nhằm bảo vệ lợi ích ích kỷ của mình, nhóm mình, địa phương mình,v.v.. 6) Tuỳ tiện: người nắm quyền hoặc không biết rõ quyền lực của mình đến đâu hoặc cẩu thả trong thực thi quyền được trao mà không ý thức được hậu quả mình gây ra. 7) Tiếm quyền: là biểu hiện người nhận được quyền lực một cách không hợp pháp mà là sự "đoạt được" địa vị của người có quyền lực hợp pháp. 8) Vô trách nhiệm: là thờ ơ hoặc buông xuôi trước trước yêu cầu của việc thực thi quyền lực được trao; thường gây thiệt hại cho xã hội và cho chính người trao quyền. 9) Bất lực: thể hiện trong việc người nắm quyền lực dần mất đi thực quyền hoặc kém khả năng quyết đoán; chỉ có danh mà không có sức mạnh để thực thi ý chí của mình; thường bị thao túng bởi một thế lực nào đó. 10) Tham quyền cố vị: là biểu hiện người có quyền lực bằng mọi cách giữ lại địa vị vốn có mà không từ một thủ đoạn nào để loại trừ đối thủ. 11) Phân tán quyền lực: là sự biến tướng dưới dạng cục bộ địa phương, lợi ích cá nhân, chia bè kéo cánh; làm mất đi tính thống nhất về quyền lực nhà nước cũng như lợi ích của quốc gia, dân tộc,v.v..
Với một chính đảng đã cầm quyền, việc thực thi quyền lực và yêu cầu phải phòng, chống sự tha hóa quyền lực đối với tổ chức đảng, nhất là với các cán bộ, đảng viên được trao quyền giữ các chức vụ trọng yếu trong Đảng, các cơ quan công quyền, các tổ chức chính trị xã hội là nhằm đảm bảo cho hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành được vận hành hiệu lực, hiệu quả; đồng thời, ngăn ngừa và phòng, chống các biểu hiện suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ. Đảng cầm quyền ở đây hiểu theo nghĩa là Đảng lãnh đạo Nhà nước và "lãnh đạo" thông qua đội ngũ cán bộ, đảng viên giữ những trọng trách trong tổ chức Đảng, các cơ quan Nhà nước, hệ thống chính trị. Do có quyền lực, người được trao quyền lực dễ bị tha hóa bởi tự coi mình trở thành "hiện thân" của quyền lực — đặt mình lên trên các nguyên tắc tổ chức của Đảng, dẫn đến từng bước vô hiệu hóa vai trò của tổ chức, làm mất đi tính tiên phong của Đảng cách mạng. Theo đó, người được trao quyền đã dùng quyền lực để chiếm đoạt các giá trị vật chất, tinh thần của xã hội, xâm phạm tới lợi ích của các thành viên khác để mưu cầu cho cho mình, người thân,v.v.. Tha hóa quyền lực biểu hiện ở nhiều sự việc: từ sự nhũng nhiễu, hạch sách, vòi vĩnh để "tham nhũng vặt" người dân; quan liêu, thờ ơ trước yêu cầu, bức xúc của nhân dân, chậm giải quyết các thủ tục hằng ngày cho người dân ở địa bàn cơ sở,v.v.. đến việc lợi dụng, lạm dụng quyền lực công vụ để mưu lợi ích, tham ô, "tham nhũng lớn" cho cá nhân, nhóm lợi ích… Ở chiều cạnh này, sự tha hóa quyền lực của đội ngũ cán bộ, đảng viên không chỉ phản ánh sự suy thoái về phẩm chất và năng lực của người cán bộ, đảng viên mà còn phản ánh thực chất mức độ sự suy thoái quyền lực nhà nước mà đảng đang cầm quyền. Đặc biệt quan tâm vấn xây dựng Đảng, Hồ Chí Minh căn dặn trong Di chúc: "Đảng là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng. Phải thật sự cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân"[4].
PHÒNG VÀ CHỐNG THA HÓA QUYỀN LỰC
Thực tế cho thấy, chủ thể của sự tha hoá quyền lực là một bộ phận những người có chức, có quyền, nên không phải ngẫu nhiên trong di sản để lại, Hồ Chí Minh đã không ít lần cảnh báo những biểu hiện tha hóa quyền lực của đội ngũ cán bộ, đảng viên có chức quyền trong các tác phẩm: Chính phủ là công bộc của dân (19/9/1945); Thư gửi các đồng chí tỉnh nhà (17/9/1945); Sao cho được lòng dân (12/10/1945); Bỏ cách làm tiền ấy đi (17/10/1945); Thư gửi Ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng (17/10/1945); Tự phê bình (28/1/1946); Thư gửi các đồng chí Bắc Bộ (1/3/1947); Thư gửi các đồng chí Trung bộ (1947); Sửa đổi lối làm việc (10/1947); Chủ nghĩa cá nhân (15/10/1948); Bệnh tự kiêu, tự ái (15/11/1948); Tự phê bình (20/5/1951); Tự phê bình và phê bình (14/2/1952); Chống quan liêu, tham ô, lãng phí (31/7/1952); Bài nói chuyện trong buổi khai mạc lớp chỉnh huấn cán bộ đảng, dân, chính ở các cơ quan Trung ương (6/2/1953); Bài nói chuyện ở lớp chỉnh Đảng Trung ương khóa 3 (10/4/1953); Thật thà tự phê bình (9/2/1955); Người cán bộ cách mạng (3/3/1955); Đạo đức cách mạng (6/6/1955); Phải xem trọng ý kiến của quần chúng (21/8/1956); Đạo đức cách mạng (12/1958); Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân (3/2/1969); Di chúc (1965-1969),v.v..
Trong đó, Hồ Chí Minh chỉ rõ sự lộng quyền, tùy tiện sử dụng quyền, tiếm quyền, lạm dụng quyền, trục lợi từ quyền, độc đoán, chuyên quyền… của những cán bộ, đảng viên được trao quyền/cán bộ lãnh đạo, quản lý đảm nhiệm các vị trí "có quyền" tại các cơ quan công quyền. Cụ thể những biểu hiện đó là trái phép, cậy thế, hủ hóa, tư túng, chia rẽ, kiêu ngạo, địa phương chủ nghĩa, óc bè phái, óc quan phiệt quan liêu, óc hẹp hòi, vô kỷ luật, kỷ luật không nghiêm, tham lam, hiếu danh, thiếu kỷ luật, óc lãnh tụ, kéo bè kéo cánh, bệnh "cá nhân", hưởng lạc, lãng phí của công, tự tư tự lợi… Những biểu hiện này, ở những nơi khác nhau, những thời điểm khác nhau có mức độ biểu hiện khác nhau, song tựu trung lại thì đó chính là sự tha hóa quyền lực. Sự tha hóa này chính là "căn bệnh" không chỉ làm mất đi tính tiền phong, gương mẫu của mỗi cán bộ, đảng viên mà còn làm cho quần chúng nhân dân bức xúc, không tin, không phục, không yêu, dẫn đến rạn nứt mối quan hệ mật thiết giữa Đảng và nhân dân. Bởi vậy, Người từng cảnh báo: "Những người trong các công sở đều có nhiều hoặc ít quyền hành. Nếu không giữ đúng Cần, Kiệm, Liêm, Chính thì dễ trở nên hủ bại, biến thành sâu mọt của dân"[5]; "Những người ở các công sở, từ làng cho đến Chính phủ trung ương, đều dễ tìm dịp phát tài, hoặc xoay tiền của Chính phủ, hoặc đục khoét nhân dân…Vì vậy, những người trong công sở phải lấy chữ Liêm làm đầu… Mình là người làm việc công, phải có công tâm, công đức. Chớ đem của công dùng vào việc tư. Chớ đem người tư làm việc công. Việc gì cũng phải công bình, chính trực, không nên vì tư ân, tư huệ, hoặc tư thù, tư oán. Mình có quyền dùng người thì phải dùng những người tài năng, làm được việc… Chớ lên mặt làm quan cách mệnh"[6].
Hồ Chí Minh đã khẳng định tư cách của một Đảng chân chính cách mạng gồm 12 điều; trong đó có: "Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài"; "vô luận lúc nào, vô luận việc gì, đảng viên và cán bộ phải đặt lợi ích của Đảng ra trước, lợi ích của cá nhân lại sau. Đó là nguyên tắc cao nhất của Đảng. Đó là "tính Đảng" và "Đảng không che giấu khuyết điểm của mình, không sợ phê bình. Đảng phải nhận khuyết điểm của mình mà tự sửa chữa, để tiến bộ và để dạy bảo cán bộ và đảng viên"; "Đảng phải luôn luôn tẩy bỏ những phần tử hủ hóa ra ngoài"; "phải giữ kỷ luật rất nghiêm từ trên xuống dưới",v.v.. Đồng thời, Người cũng khẳng định: "Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế mới là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính"[7]. Ở đây, theo Hồ Chí Minh sự "giấu giếm khuyết điểm của mình" cũng chính là một trong những biểu hiện sự tha hóa quyền lực của tổ chức Đảng và những người có chức quyền trong Đảng và muốn Đảng trong sạch, vững mạnh thì phải biết chỉ ra khuyết điểm và tìm cách sửa chữa.
Để phòng và chống tha hóa quyền lực, làm cho Đảng mạnh khỏe, chắc chắn, Hồ Chí Minh yêu cầu mỗi tổ chức Đảng, mỗi cán bộ, đảng viên phải thực hiện nghiêm các nguyên tắc xây dựng Đảng: Tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; tự phê bình và phê bình; kỷ luật nghiêm minh, tự giác; đoàn kết thống nhất trong Đảng; gắn bó mật thiết với nhân dân,v.v.. Trong bài viết "Cách làm việc tập thể lãnh đạo cá nhân phụ trách", đăng trên báo Sự Thật, số 100 (23/9/1948), Hồ Chí Minh nêu rõ: "Tập thể lãnh đạo và cá nhân phụ trách cần phải luôn luôn đi đôi với nhau" và đây là một trong những nguyên tắc lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Ở nhiều bài viết, bài nói khác, người cũng nhấn mạnh yêu cầu phải thường xuyên, nghiêm túc thực hiện tự phê bình và phê bình gắn với công tác kiểm tra và giám sát, để "huy động được tinh thần tích cực và lực lượng to tát của nhân dân, mới biết rõ năng lực và khuyết điểm của cán bộ, mới sửa chữa và giúp đỡ kịp thời"[8].
Theo Người, mỗi cán bộ, đảng viên nói chung, người lãnh đạo, quản lý, đứng đầu mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị nói riêng phải công tâm, kỷ luật, tự giác, thẳng thắn, triệt để trong thực thi quyền lực, trong tự phê bình và phê bình theo đúng chức năng, nhiệm vụ của mình; "hằng ngày phải tự kiểm điểm, tự phê bình, tự sửa chữa như mỗi ngày phải rửa mặt. Được như thế thì trong Đảng sẽ không có bệnh mà Đảng sẽ mạnh khỏe vô cùng"[9]. Trên tinh thần, đối với mình thì phải "cả quyết sửa lỗi", đối với người thì "có lòng bày vẽ", trong tự phê bình và phê bình, "phải xem trọng những phê bình và những đề nghị của quần chúng. Những cán bộ (hoặc cơ quan, đoàn thể) được phê bình cần phải thật thà và công khai tự phê bình, ra sức sửa chữa… cần luôn luôn hoan nghênh quần chúng phê bình"[10], để một mặt phát huy ưu điểm, mặt khác khắc phục những sai lầm, khuyết điểm để giúp nhau cùng tiến bộ.
Đồng thời, phải hết sức chú trọng công tác kiểm tra, giám sát; phải coi kiểm tra và giám sát là điểm xuất phát, là khâu trung tâm trong phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và toàn xã hội. Thực tế cho thấy, "chín phần mười khuyết điểm trong công việc của chúng ta là vì thiếu sự kiểm tra"[11], nên càng phải thông qua công tác này để một mặt, kiểm tra tính đúng đắn, phù hợp của chủ trương, đường lối của Đảng so với thực tiễn, phát huy ưu điểm, phát hiện cái mới, cái tốt hơn nhằm điều chỉnh, đề ra phương thức lãnh đạo sát hợp hơn; mặt khác, ngăn ngừa, khắc phục những biểu hiện tha hóa quyền lực của tổ chức Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên có chức vụ như lạm quyền, lộng quyền, trục lợi từ chức quyền, vô hiệu hóa quyền, độc đoán, chuyên quyền,v.v..
Vì tự phê bình và phê bình và phê bình cùng với công tác kiểm tra, giám sát có vai trò quan trọng và là mấu chốt để việc thực thi quyền lực được đúng và trúng, cho nên, mỗi cán bộ, đảng viên nói chung, cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu nói riêng phải làm gương trong tự phê bình và phê bình; phải thường xuyên kiểm tra và giám sát mọi lĩnh vực công tác của tổ chức, đơn vị mình. Trong đó, phải học tập và thấm nhuần đường lối, quan điểm của Đảng, phải luôn luôn chú ý nâng cao khả năng chuyên môn, phải cố gắng công tác, phải trau dồi đạo đức cách mạng; "đặc biệt là phải nâng cao ý thức tổ chức và kỷ luật, phải thật thà phê bình và tự phê bình để làm gương mẫu trong việc chấp hành kỷ luật. Phải chí công vô tư, không thiên vị, không thành kiến. Như thế thì mới làm tốt được công tác kiểm tra"[12]. Thông qua tự phê bình và phê bình, công tác kiểm tra và giám sát để từng bước ngăn ngừa những tên "quan quyền", "cường quyền" hách dịch, cửa quyền, lạm quyền, lộng quyền, tiếm quyền, quan liêu, tham ô, tham nhũng, tiêu cực, lấn át chính quyền,v.v.. đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ.
Trong phòng và chống sự tha hóa quyền lực, Hồ Chí Minh nhấn mạnh vai trò quan trọng của nhân dân đối với việc giám sát và kiểm tra, tự phê bình và phê bình các tổ chức Đảng, cơ quan quan công quyền và cán bộ, đảng viên đảm nhiệm vị trí lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu. Vì thế, Người yêu cầu phải có sự phối hợp, kết hợp trong kiểm tra và giám sát giữa các tổ chức Đảng, cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị — xã hội, để "kịp thời thấy rõ những khuyết điểm và những khó khăn, để sửa đổi các khuyết điểm và tìm cách giúp đỡ để vượt qua mọi sự khó khăn"[13]. Điều này không chỉ thể hiện đầy đủ, sâu sắc tính dân chủ, khách quan, nhân văn trong công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng mà còn cho thấy vai trò và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị trong quyền soát quyền lực.
TIẾP TỤC PHÒNG VÀ CHỐNG THA HÓA QUYỀN LỰC
Đảng Cộng sản Việt Nam là "đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc" (Điều 4, Hiến pháp năm 2013). Đảng Cộng sản Việt Nam thực thi quyền lực chính trị của mình bằng cách lãnh đạo Nhà nước, thông qua Nhà nước và bằng Nhà nước để hiện thực hóa quyền, lợi ích, ý chí của nhân dân mà Đảng là đại diện và được ủy quyền. Đội ngũ cán bộ, đảng viên thực thi quyền lực thông qua công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành các quyết định, chính sách của nhà nước tùy theo chức năng, nhiệm vụ của mình. Vì vậy, việc nhận diện đúng về quyền lực, tha hóa quyền lực để có biện pháp ngăn chặn, phòng và chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, với những biểu hiện tính chất, mức độ khác nhau, diễn ra trong đội ngũ cán bộ, đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý các cấp là yêu cầu bức thiết.
Trong những năm qua, nhất là trong hai nhiệm kỳ gần đây, nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật về thực trạng một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên có chức quyền bị tha hóa bởi quyền lực, văn kiện Đại hội XI, XII của Đảng, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, đặc biệt Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về "Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ" đã nêu rõ vấn nạn này. Nghị quyết nhấn mạnh: "Nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có người đứng đầu chưa thể hiện tính tiên phong, gương mẫu; còn biểu hiện quan liêu, cửa quyền, chưa thực sự sâu sát thực tế, cơ sở. Công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật đảng chưa đủ sức răn đe, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái…Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn; tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, tập trung vào số đảng viên có chức vụ trong bộ máy nhà nước". Đồng thời, Nghị quyết cũng chỉ ra 27 biểu hiện suy thoái, bao gồm: 9 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị; 9 biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống; 9 biểu hiện về "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ. Theo đó, sự tha hóa dẫn đến suy thoái ở bộ phận cán bộ, đảng viên có chức, có quyền này là sự độc đoán, chuyên quyền, đặc quyền, đặc lợi, ngày càng quan liêu, xa dân, vô cảm trước khó khăn, bức xúc của nhân dân; lạm dụng chức vụ, quyền hạn để tham ô, tham nhũng, mưu cầu cho lợi ích nhóm; trục lợi từ chức quyền để chạy tuổi, chạy quy hoạch, chạy chức cho mình và người thân; coi thường kỷ luật, nguyên tắc lãnh đạo của Đảng; không thực hiện đúng các nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt Đảng; coi thường nguyên tắc "tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách"…\
Từ chỉ dẫn của Hồ Chí Minh, để phòng, chống và ngăn chặn sự tha hóa quyền lực, bên cạnh việc phải xây dựng và hoàn thiện cơ chế để kiểm soát quyền lực, là việc cấp ủy Đảng, chính quyền và ban, ngành chức năng các cấp cần tập trung thực hiện những giải pháp sau:
Một là, tiếp tục đẩy mạnh xây dựng và chỉnh đốn Đảng, gắn thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII với Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh", với các quy định về những điều đảng viên không được làm…Theo đó, nghiêm túc thực hiện các nguyên tắc xây dựng Đảng, từ đó, kịp thời nhận diện rõ những biểu hiện tha hóa, lạm dụng, trục lợi từ quyền lực để tham ô, tham nhũng… của những "con sâu mọt" thoái hóa, biến chất. Đấu tranh quyết liệt, có hiệu quả, không có vùng cấm với các việc làm sai trái và đưa ra khỏi Đảng những cán bộ, đảng viên vi phạm pháp luật, bất kể là ai, ở vị trí công tác nào, đã nghỉ hưu hay còn đương nhiệm.
Hai là, tiếp tục thực hiện tự phê bình và phê bình đi liền với tăng cường giám sát và kiểm tra, thực hiện kỷ luật trong Đảng nghiêm túc theo phương châm "trên trước, dưới sau", "từ trong ra, từ ngoài vào", "từ trên xuống, từ dưới lên"; bảo đảm dân chủ, khách quan, trung thực, đầy đủ, có chất lượng gắn với khen thưởng và kỷ luật nghiêm minh, để góp phần củng cố và tăng cường khối đoàn kết thống nhất trong mỗi tổ chức, cơ quan, địa phương, đơn vị. Triển khai đồng bộ, hiệu quả các biện pháp tự phê bình và phê bình, kiểm tra, giám sát theo nguyên tắc kết hợp chặt chẽ giữa "xây và chống, lấy xây là chính" gắn với giám sát mở rộng và kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ trong nhiệm kỳ và hằng năm. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong công tác lãnh đạo, quản lý nói chung và kiểm tra, kiểm soát đội ngũ cán bộ, đảng viên có chức, có quyền nói riêng theo định kỳ và đột xuất, bảo đảm dân chủ, minh bạch gắn liền với công tác quản lý, giám sát cán bộ, đảng viên
Ba là, phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị trong việc tăng cường cơ chế tự kiểm soát quyền lực gắn liền với việc nâng cao đạo đức cách mạng, thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; phòng và chống chủ nghĩa cá nhân của mỗi cán bộ, đảng viên thông qua các sinh hoạt Đảng, tự phê bình và phê bình, qua hoạt động kiểm tra, giám sát, chất vấn, giải trình từ các tổ chức cơ sở Đảng đến Ban Chấp hành Trung ương. Tăng cường giám sát việc thực hiện quyền lực của các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị — xã hội; tạo cơ chế để các tổ chức trong hệ thống chính trị giám sát trở lại việc thực hiện quyền lực trong Đảng, đảm bảo đồng bộ, phối hợp chặt chẽ.
Bốn là, dựa vào nhân dân, nâng cao vai trò sự giám sát của nhân dân và đảng viên ở nơi công tác và địa bàn cư trú để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những hành vi lạm dụng, trục lợi từ quyền lực của những cán bộ, đảng viên được trao quyền. Trên tinh thần "muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước", phát huy vai trò nêu gương của cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu các cơ quan, địa phương, đơn vị theo Quy định số 08-QĐi/TW của Ban Chấp hành Trung ương về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương.
Năm là, phát huy vai trò của các cơ quan truyền thông trong việc lan tỏa, nhân rộng những tấm gương người tốt việc tốt để lấy cái đẹp dẹp cái xấu, lấy cái tích cực đẩy lùi cái tiêu cực. "Lấy gương người tốt, việc tốt để hằng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới" như Hồ Chí Minh đã căn dặn để tạo hiệu ứng tích cực trong xã hội. Đi liền cùng đó là kịp thời thông tin về những biểu hiện tha hóa quyền lực, những vụ án tham ô, tham nhũng,v.v.. trục lợi từ quyền lực của cán bộ, đảng viên đã và đang bị xử lý theo pháp luật để không chỉ có tác dụng răn đe, cảnh tỉnh, ngăn ngừa mà còn góp phần nâng cao tinh thần trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên nói chung, cán bộ, đảng viên được trao quyền nói riêng trong thực hiện nhiệm vụ (trên ba mối quan hệ cơ bản: với mình, với người và với việc).
TS. Văn Thị Thanh Mai