Chuyên gia Nga: Vũ khí chống vệ tinh chứng tỏ các tham vọng chiến lược của Ấn Độ

Việc Ấn Độ thực hiện thành công cuộc thử nghiệm phóng tên lửa phá hủy vệ tinh ở quỹ đạo thấp (khoảng 300 km) là một sự kiện quan trọng trước hết bởi vì nó chứng tỏ các tham vọng chiến lược của nước này.
Sputnik

Mặc dù trong những năm tới dự án tốn kém phát triển vũ khí chống vệ tinh không thể mang lại lợi thế quân sự rõ ràng cho Ấn Độ, nhưng, nó tạo cơ sở cho sự tiến bộ trong tương lai, chuyên gia quân sự Nga Vasily Kashin nhận xét trong bài bình luận cho Sputnik. 

Ấn Độ lập kế hoạch quốc phòng chủ yếu để chuẩn bị đối phó nếu xảy ra xung đột với hai đối thủ - Trung QuốcPakistan. Nhưng, Pakistan không có hệ thống vệ tinh mạnh mẽ của riêng mình mà chỉ sở hữu một vài vệ tinh viễn thông tương đối đơn giản và vệ tinh viễn thám có thể được sử dụng vì mục đích quân sự và dân sự. Khác với một số quốc gia, các vệ tinh của Pakistan không đóng vai trò chính trong việc cung cấp thông tin tình báo và kiểm soát quản lý lực lượng vũ trang. Ấn Độ có thể phá hủy các vệ tinh đó, nhưng, bước này sẽ không tác động mạnh đến quá trình chiến sự. 

Vụ phóng vệ tinh đầu tiên của Ấn Độ không thành công, báo chí đưa tin

Còn Trung Quốc có những kinh nghiệm phong phú hơn trong việc chế tạo vũ khí chống vệ tinh và hiện có nhiều vệ tinh trên quỹ đạo. Hơn nữa, các căn cứ tên lửa chống vệ tinh của Ấn Độ (chắc là chỉ có một vài căn cứ như vậy) sẽ là mục tiêu ưu tiên cho các tên lửa đạn đạo tầm trung của Trung Quốc - trong lĩnh vực này Bắc Kinh cũng có lợi thế lớn.

Tuy nhiên, trong tương lai xa hơn, tình hình có thể thay đổi. Hệ thống vũ khí chống vệ tinh của Ấn Độ, cũng như của các nước khác, là một sản phẩm thứ yếu so với chương trình phát triển hệ thống phòng thủ chống tên lửa. Ấn Độ dự định tạo ra một loạt các hệ thống phòng thủ tên lửa có khả năng bảo vệ khỏi các cuộc tấn công tên lửa tầm ngắn cũng như bảo vệ các thành phố lớn khỏi bị tấn công bằng tên lửa tầm trung. 

Ấn Độ lọt vào danh sách các nền kinh tế lớn phát triển nhanh nhất thế giới. Sau 10-15 năm nữa, ngành công nghiệp quốc phòng của Ấn Độ sẽ tích lũy những kinh nghiệm cần thiết trong việc tạo ra các hệ thống phòng thủ tên lửa và vũ khí chống vệ tinh, và sẽ có tiềm năng tài chính lớn hơn nhiều. Ở giai đoạn này, Ấn Độ sẽ có khả năng tạo ra các hệ thống phòng thủ tên lửa di động, và điều quan trọng hơn đối với Ấn Độ - tạo ra các hệ thống phòng thủ tên lửa và hệ thống phòng thủ chống vệ tinh trên biển. 

Chuyên gia hoài nghi tính khả thi của việc Ấn Độ chế tạo vũ khí không gian

Giống như ở các nước khác, chương trình phát triển hệ thống phòng thủ chống vệ tinh của Ấn Độ gắn liền chặt chẽ với nhiệm vụ đảm bảo sự ổn định của các lực lượng hạt nhân chiến lược. Nếu sử dụng hệ thống làm mù vệ tinh bằng chùm tia laser, cũng như các tên lửa chống vệ tinh, đối phương sẽ không có khả năng giám sát việc triển khai các hệ thống tên lửa di động và tàu ngầm hạt nhân. Có lẽ Ấn Độ cũng chú ý đến kế hoạch của Trung Quốc chế tạo hệ thống cảnh báo tấn công tên lửa có sử dụng các vệ tinh được trang bị cảm biến hồng ngoại.

Rõ ràng, ở giai đoạn này, tham vọng của Ấn Độ có thể tăng thêm. Sớm hay muộn sẽ xuất hiện nhu cầu tạo ra các hệ thống chống vệ tinh ở quỹ đạo cao hơn. Trong tương lai Ấn Độ có thể làm theo tấm gương của  Trung Quốc, cố gắng tạo ra một hệ thống tiêu diệt vệ tinh của các hệ thống định vị toàn cầu trên các quỹ đạo đồng bộ. Và các vệ tinh trong hệ thống định vị Beidou của Trung Quốc có thể trở thành mục tiêu nếu xảy ra xung đột quân sự.

Thảo luận