Cựu giám sát Đặng Quang Dương, từng là người của ngành công an và là một trong số ít quan chức thể thao được xem tất cả hồ sơ các vụ tiêu cực, dàn xếp tỷ số từ cuối thập niên 1990 liên quan đến 5 - 6 đội bóng, trong đó có đội Công an TP.HCM, tuyển U.23 Việt Nam (VN) bán độ tại Bacolod (Philippines) hay đại án trọng tài 2005.
“Tất cả vụ ấy xem thì các cầu thủ, thậm chí HLV dính dáng rất nhiều. Ai cũng nói đó là quá khứ rồi, hãy khép lại nhìn vào tương lai. Nhưng một số cầu thủ vẫn không bước qua được những điều đó. Khi kinh tế thị trường càng phát triển liên quan tiền bạc quá lớn trong khi đạo đức nghề nghiệp của một bộ phận cầu thủ bị suy đồi thì nó vẫn diễn ra âm thầm, có khi chục năm sau người trong cuộc mới bộc lộ ra”, ông Đặng Quang Dương nhấn mạnh.
Là người làm ngành an ninh ra, ông Dương hiểu rõ bắt tay điều tra những án tiêu cực bóng đá đòi hỏi rất công phu. Ông Dương kể chính ông cầm tận tay tài liệu các vụ án liên quan các đội bóng công an. Nhưng thường các vụ lớn, cầu thủ bán độ cấp đội tuyển quốc gia bị coi là phản bội Tổ quốc mới gây bức xúc mạnh. Ở cấp CLB thì ít được coi trọng nên hay dễ dãi cho qua.
Điều này cộng thêm sự bao che, thiếu quyết liệt từ chính CLB và nhiều lúc “im lặng” hay xử một cách “giơ cao đánh khẽ” của VFF khiến lực lượng an ninh không thể làm tốt công tác phòng chống tiêu cực.
“Tôi biết các tài liệu chỉ rất rõ tất cả các cầu thủ nhúng chàm. Nhưng tôi đã hứa với anh Tư Bốn (tướng Nguyễn Việt Thành - PV) sống để bụng, chết mang theo nên không kể ra ở đây. Có khi phải vài chục năm sau, có ai đó sám hối kể lại thì chúng ta sẽ rõ. Đó là lý do vì sao phải là lứa cầu thủ hiện tại tôi mới gọi họ là “Thế hệ vàng” thật chứ không phải vàng... mã. Vì họ cống hiến hết mình, chiến đấu và giành được thắng lợi.
Các thế hệ trước đây và mới đây thôi (trước lứa Công Phượng, Quang Hải) không phải vậy. Một trong những lý do để bóng ma tiêu cực vẫn tồn tại là quy định kỷ luật của VFF quá lỏng lẻo, kỷ luật quá nhẹ, nhất là từ các CLB nên lâu ngày đã trở thành ung nhọt, chỉ chờ cơ hội để vỡ ra”.
Về trường hợp đá vào lưới nhà của cầu thủ Văn Quân (Cần Thơ), ông Dương cho rằng:
“Tôi ủng hộ phải cứng rắn, những cầu thủ như thế cần phải xử lý kiên quyết từ CLB cho đến VFF. Văn Quân có thể không bán độ. Cái này phải điều tra mới kết luận được. Mình nói không đúng lại hồ đồ. Nhưng trong sân bóng có 2 cầu môn, cầu thủ chỉ tấn công vào cầu môn đối phương. Không ai đá vào cầu môn mình cả. Đó là đạo đức nghề nghiệp. Không thể nói Văn Quân bán độ hay không. Văn Quân còn có vợ và con nhỏ đang đi học ở trường. Nếu không giữ được đạo đức thì hậu quả sẽ khôn lường. Cầu thủ đá bóng trên dưới chục năm nhưng vết nhơ thì cả đời không rửa sạch. Nhưng cách giải quyết của các CLB vẫn không ổn. Không phải cứ phạt vài trận là xong mà phải tìm hiểu, giải quyết các nguyên nhân sâu xa bên trong mới trị tận gốc được”.