Sputnik đã nêu loạt câu hỏi như vậy với ông Armin Muller chuyên gia Đức trong lĩnh vực lái xe tự động, Giám đốc điều hành của Emm! Solutions GmbH. Cần nói thêm là tại triển lãm công nghiệp ở Hanover ông đã giới thiệu một nguyên mẫu xe điện một chỗ ngồi không người lái ILOI.
Sputnik: Thưa ông Muller, khi nào thì những chiếc xe tự lái đầu tiên sẽ xuất hiện trên đường phố nước Đức? Điều đó có dẫn đến cạnh tranh với giao thông truyền thống hay chăng?
Armin Muller: Tôi nghĩ rằng điều đó hoàn toàn có thể từ năm 2030. Nhưng sẽ không có cạnh tranh, mà là bổ sung cho lưu thông cùng với những chiếc xe ô tô truyền thống. Sẽ tạo lập các khu vực đô thị, nơi sẽ không có xe hơi truyền thống, vì chúng chiếm quá nhiều chỗ. Chiếc xe mà chúng tôi chế tạo tiêu thụ 1/2 năng lượng, chiếm 1/4 phần tư diện tích và nhẹ cân hơn 1/3 so với xe truyền thống tương tự. Xe mới có thể được sử dụng thông qua chia sẻ chung carsharing, điều khiển tự động, và nó cũng có thể kiểm soát cơ sở hạ tầng, tức là môi trường xung quanh, để tối ưu hóa chuyến đi. Đó là khái niệm về phương tiện giao thông đô thị cá nhân tương lai.
Sputnik: Một chiếc xe không người lái như vậy sẽ có giá khoảng bao nhiêu?
Armin Muller: Mục tiêu của chúng tôi là cung cấp thành phẩm xe điện tự động hoàn toàn được trang bị đồng bộ với giá xấp xỉ 25 nghìn euro (650 triệu VND). Hiện tại chúng tôi đang đàm phán với các nhà đầu tư, chúng tôi muốn giảm chi phí. Tuy nhiên, một chiếc xe như vậy được bán không như thường làm ngày nay, người ta mua nó “vì dặm đường”, “vì số km”. Xe được đặt thông qua ứng dụng, sau đó chiếc xe độc lập đón khách và tự động chở người ấy đến địa chỉ ấn định. Cũng với cách tương tự, theo yêu cầu, sẽ tổ chức chuyến khứ hồi. Xe chỉ được sử dụng khi cần thiết. Tổng số cơ động lớn hơn trong khi lượng ít xe hơn. Và đây là điểm ưu việt thực sự của phượng tiện giao thông tự động. Bởi chúng ta đã đạt đến mức trần giới hạn với những chiếc xe truyền thống. Để làm việc vượt ra ngoài ranh giới này, ta cần đến những giải pháp mới.
Sputnik: Được biết tập đoàn Siemens đã ủy quyền cho ông chế tạo xe tự động để thí nghiệm và ông bạn đã thử nghiệm ILO I - chiếc xe điện một chỗ ngồi và một chiếc xe buýt tuyến trên bãi thử ở Munich. Việc thử nghiệm vẫn đang tiếp nối hay là đã hoàn tất? Ông muốn theo đuổi gì trong quá trình thử nghiệm?
Armin Muller: Việc kiểm nghiệm được thực hiện mọi lúc, bởi không ngừng có phát triển, cải thiện, hiểu biết sâu sắc hơn. Đường đua trong khuôn viên của Siemens ở Munich cho phép mô hình hóa các tình huống đường xá khác nhau trong điều kiện thực tế. Hai loại phương tiện được nghiên cứu kết hợp với cơ sở hạ tầng trí tuệ, dọc tuyến đường lắp đặt cột tiêu với lidar (thiết bị xác định khoảng cách sử dụng chùm tia laser chiếu sáng xung quanh, đo các xung phản xạ bằng cảm biến) và camera thu thập dữ liệu về bối cảnh giao thông, cải thiện an toàn và hiệu suất của xe điện. Ví dụ, kiểm tra xem chiếc xe có tự dừng lại khi có đèn hiệu giao thông hay không, ở chỗ giao lộ xe có tuân thủ quy tắc “quyền ưu tiên” theo luật hay không, biết phát hiện tình huống nguy hiểm hay không và các chức năng hệ thống hoạt động có chính xác không. Ngoài ra, phương tiện giao thông tự động làm việc bằng cách nhận đơn đăng ký chuyến đi. Xe phải "hiểu" và “trả lời” cho đơn đặt hàng. Máy móc cũng kiểm tra xem tình trạng xe có đảm bảo thực hiện được đơn đặt hàng như vậy hay không.
Sputnik: Để sử dụng loại xe như vậy, liệu có cần một cơ sở hạ tầng “thông minh” toàn cầu không thưa ông?
Armin Muller: Có chứ, cần kiểu cơ sở hạ tầng để sử dụng xe. Như vậy sẽ an toàn hơn và linh động hơn khi càng nhiều cảm biến lắp đặt bên lề đường. Tất nhiên, điều này song hành với các chi phí bổ sung, nhưng đối với các khu vực đô thị mới, có thể tính trước khoản này. Tất cả đòi hỏi công nghệ kỹ thuật số mới và luật pháp mới. Đó là lý do vì sao việc phát triển sẽ mất một số thời gian. Bản thân chiếc xe không bao giờ có thể tự xử lý mọi tình huống phức tạp. Khả năng của xe giới hạn trong phạm vi “trường quan sát” của các bộ cảm biến. Xe không thể nhìn quanh góc nếu không kết nối với mạng và không thể lập kế hoạch lộ trình. Hiện nay chưa có hệ thống máy móc nào làm được điều này.
Sputnik: Theo ông, ai hoặc nước nào hiện đang là thủ lĩnh dẫn đầu, là “Number One” trong việc sáng chế loại xe tự động?
Armin Muller: Chẳng có “Number One” nào hết. Hoa Kỳ có những lợi thế rõ rệt, ví dụ, văn hóa khởi nghiệp tốt. Nhưng Hoa Kỳ không độc chiếm ở đây. Châu Âu và Đức cũng cực kỳ giỏi. Tôi những muốn nói rằng chúng ta không nên sợ sự cạnh tranh từ phía người Mỹ. Bởi hiện tại chưa có phương tiện giao thông nào tự động hoàn toàn.
Ở Nga, chúng ta có nhiệm vụ rất khác so với ở California. Ở Nga, cần suy nghĩ về điều kiện khí hậu, điều gì sẽ đến với mẫu xe tự động khi khắp nơi và mọi thứ đều phủ đầy tuyết và trời rất lạnh. Trong điều kiện đó, làm thế nào để nội địa hóa chiếc xe, làm gì với bộ định vị-điều hướng? Vì thế tại sao hiện naytrên thế giới có những công ty nhỏ nhưng rất tốt, kể cả ở Nga hay ở Trung Quốc, đang tập trung giải quyết những câu hỏi cụ thể này. Cuối cùng, những hạn chế luôn liên quan chỉ đến con người, khả năng của con người và những cơ hội mà họ đề xuất.