Tướng Trần Văn Độ: Phải khởi tố vụ dâm ô trong thang máy

"Đây là vụ việc khiến dư luận rất bức xúc. Đủ cơ sở khởi tố để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật", trung tướng Trần Văn Độ, nguyên Phó chánh án TAND Tối cao nói với Zing.vn.
Sputnik

Sau bài viết Đã có án lệ, không để vụ dâm ô bé gái trong thang máy "chìm xuồng", đăng trên Zing.vn sáng 9/4, độc giả Ngọc Vũ lên tiếng:

Vụ ông Nguyễn Hữu Linh: Tòa Tối cao chỉ đạo phải xử nghiêm các vụ xâm hại trẻ em

"Tất cả chúng tôi đang chờ xem gã dâm ô bé gái trong thang máy sẽ bị xử lý thế nào. Pháp luật cần nhanh và ngay xử lý những tên "quỷ đội nốt người" để xã hội được bình yên.

Trung tướng Trần Văn Độ, nguyên Phó chánh án TAND Tối cao, nguyên Chánh án Toà án Quân sự Trung ương nói gì về vụ lùm xùm trên?

Hành vi dâm ô khá rõ ràng, phải khởi tố và xử lý nghiêm

Trao đổi với Zing.vn về vụ việc, PGS-TS luật, trung tướng Trần Văn Độ nói Bộ luật Hình sự 2015 có nhiều quy định rõ ràng, tiến bộ hơn.

Nêu quan điểm việc bé gái bị sàm sỡ trong tháng máy ở TP.HCM, trung tướng Độ nhấn mạnh nhiều người đánh giá vụ án còn có những "điểm mờ" nên khó xử lý, song ông khẳng định pháp luật không có gì "mờ", tất cả rất rõ ràng.

Phải khởi tố ngay cựu viện phó dâm ô
Theo nguyên Chánh án Toà án Quân sự Trung ương, hành vi tạo ra sự tiếp xúc giữa 2 vùng nhạy cảm của cơ thể để thoả mãn tình dục và trái với mong muốn của người khác để thoả mãn nhu cầu của mình, ví dụ như hôn, sờ ngực, sờ đùi… thì đó là dâm ô.

"Nhìn clip chúng ta chưa bàn đến chuyện người đàn ông đó có sờ mó bé gái ở đâu hay không nhưng rõ ràng người này đã cố hôn bé gái. Hành vi này xảy ra trái ý muốn của cháu bé, nhằm thoả mãn mục đích của người đàn ông, thì đó là dâm ô rồi", ông Độ nói và khẳng định hành vi dâm ô trong vụ việc này là tương đối rõ ràng.

PGS-TS luật chia sẻ các cơ quan chức năng cần xem xét ở nhiều khía cạnh để không làm ảnh hưởng đến cuộc đời bé gái.

Ông nói, trong thực tế nhiều gia đình muốn im lặng không phải họ đồng tình với người phạm tội mà vì họ nghĩ đến cuộc sống của con em mình. Họ lo lắng nạn nhân sẽ bị ảnh hưởng về sau.

Trung tướng Trần Văn Độ cho rằng cho dù bị hại không đề nghị nhưng cơ quan chức năng vẫn có thể khởi tố để điều tra, truy tố, xét xử.

Vụ ông Nguyễn Hữu Linh: “Độc chiêu” buộc kẻ sàm sỡ bé gái trong thang máy phải lộ diện

Với vụ ông Nguyễn Hữu Linh (cựu Viện phó VKS TP Đà Nẵng), theo tướng Độ, clip đã được công khai lan truyền rộng rãi nên việc khởi tố là cần thiết.

"Đây là vụ việc khiến dư luận rất bức xúc. Đủ cơ sở phải khởi tố để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật", ông Độ nói.

Tiếp sau việc khởi tố, ông cho rằng phải đảm bảo các quy trình tố tụng tiếp theo là quy trình kín, thân thiện vì nạn nhân là trẻ em - người cần được bảo vệ.

"Khi điều tra, phải có chuyên gia tâm lý và điều tra viên có kinh nghiệm. Không được lấy lời khai của cháu bé theo kiểu hỏi cung, bắt khai hết mọi thứ, đưa cháu bé ra lấy lời khai nhiều lần và nhiều lần yêu cầu cháu bé phải khai chi tiết đã bị làm gì, bị sờ ở đâu… Sau đó, quy trình xét xử cũng phải đảm bảo mô hình toà án thân thiện như một số nước đã làm", ông Độ phân tích và cho biết thêm trên thực tế, đã có nhiều vụ hiếp dâm, dâm ô trẻ em được xét xử kín để bảo vệ quyền lợi cho trẻ em.

Đề nghị xây dựng quy trình tố tụng đặc biệt cho các vụ dâm ô trẻ em
Trước các vụ việc xâm hại trẻ em gần đây, Ủy ban Tư pháp mới đây đã yêu cầu Bộ Công an, VKSND Tối cao, TAND Tối cao báo cáo về một số vụ việc có dấu hiệu xâm hại tình dục trẻ em gây bức xúc.

Ông Nguyễn Hữu Linh, đừng ngụy biện nữa! Không ai tin hành động của cựu viện phó là 'nựng'

Đó là các vụ Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc nội trú huyện Thanh Sơn (Phú Thọ) có hành vi dâm ô với nhiều học sinh nam của trường; vụ Nguyễn Văn Viễn (quận Hồng Bàng, TP Hải Phòng) bị khởi tố do có hành vi hiếp dâm cháu bé 3 tuổi; vụ thầy giáo chủ nhiệm lớp 5A trường Tiểu học Tiên Sơn, huyện Việt Yên (Bắc Giang) bị tố có hành vi dâm ô 13 học sinh; vụ Đỗ Mạnh Hùng có hành vi sàm sỡ nữ sinh trong thang máy tại chung cư Golden Palm (Thanh Xuân, Hà Nội); vụ ông Nguyễn Hữu Linh, nguyên Phó viện trưởng Viện KSND TP Đà Nẵng, có hành vi sàm sỡ bé gái trong thang máy chung cư ở TP.HCM...

Nói với Zing.vn, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường cho biết báo cáo này nhằm phục vụ cho cuộc họp giữa Ủy ban Tư pháp và các cơ quan nhằm đánh giá công tác đấu tranh phòng, chống tội xâm hại tình dục trẻ em và giải pháp trong thời gian tới, dự kiến diễn ra ngày 19/4 tới.

Nhắc lại vấn đề này, ông Cường cho biết vào năm 2017, Ủy ban Tư pháp đã có cuộc họp với các cơ quan. Ủy ban Tư pháp đã đưa ra các kiến nghị cụ thể, trong đó kiến nghị sửa đổi cả những bất cập trong pháp luật và cách thức tổ chức, thực hiện.

Ủy ban Tư pháp đã đề nghị cơ quan có thẩm quyền tổng kết thực tiễn, sớm ban hành văn bản để hướng dẫn áp dụng các điều của Bộ luật hình sự năm 2015, đặc biệt với tội Dâm ô với trẻ em.

Cụ thể, Ủy ban khi đó đề nghị các cơ quan như Hội đồng thẩm phán phối hợp với các cơ quan khác hướng dẫn áp dụng thống nhất các điều của Bộ luật Hình sự với các tội xâm hại tình dục trẻ em, đặc biệt với tội dâm ô trẻ em. Và sau 2 năm, Ủy ban Tư pháp yêu cầu báo cáo để đánh giá việc này được các cơ quan thực hiện thế nào.

Tôi quá xấu hổ nếu kẻ dâm ô bé gái từng là lãnh đạo kiểm sát Đà Nẵng

"Trong kỳ họp Quốc hội năm ngoái, các ĐBQH cũng đề cập vấn đề này. Vào thời điểm đó các cơ quan thông báo vẫn đang tổ chức thực hiện”, ông Cường cho hay.

Đề cập đến những kiến nghị cụ thể, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nêu quan điểm, dù chúng ta đã có quy định của pháp luật nhưng nhiều quy định còn chung chung, chưa sát thực tiễn. Trong đó, có những nội dung thuộc thẩm quyền của Quốc hội, có những nội dung thuộc thẩm quyền của các bộ, ngành nên chủ trương là những gì thuộc Quốc hội thì Quốc hội sẽ sửa đổi, cái gì thuộc trách nhiệm bộ, ngành thì yêu cầu bộ, ngành sửa đổi.

Riêng với tội Dâm ô, Ủy ban Tư pháp đề nghị Chánh án TAND Tối cao sớm có quy định cụ thể trong xét xử. Liên quan tới quy trình xử lý tội phạm, đã đề nghị Viện trưởng VKSND Tối cao phối hợp với Bộ trưởng Bộ Công an có một quy trình điều tra, truy tố đặc biệt, phù hợp với việc xử lý các vụ việc này.

Cùng với đó, đảm bảo quy trình tố tụng thân thiện, mô hình toà án gia đình để xét xử những vụ việc liên quan đến trẻ em, kể cả khi trẻ em là nạn nhân bị xâm hại hoặc khi trẻ em phạm tội.

Thảo luận