Việt Nam sắp có "thung lũng Silicon"

Đề án thành lập Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) được trình lên bàn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đúng hẹn. Người đứng đầu Chính phủ tỏ ra khá hài lòng, song ông vẫn đầy sốt ruột về sự chính thức ra mắt của "thung lũng Silicon" ở Việt Nam, VnEconomy tiết lộ.
Sputnik

Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần nhanh chóng hoàn thiện Đề án để Thủ tướng sớm phê duyệt. Ông nhấn mạnh: "Chính phủ sẽ làm hết sức mình để ủng hộ NIC, bởi nếu không có đổi mới sáng tạo, không có khoa học công nghệ thì không thành công, không tận dụng được thời cơ của Cuộc cách mạng 4.0 đến với Việt Nam".

Thủ tướng ủng hộ Bộ KH&ĐT xây dựng ‘thung lũng Silicon’ của Việt Nam

NIC là một trong 3 bước đi cụ thể trên con đường đến với cách mạng công nghiệp 4.0. Tại Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 1/1/2019, Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ Đề án thành lập NIC trong tháng 3 năm 2019. Chưa đến tháng 3, đề án này đã có trên bàn Thủ tướng. 

Nhiều hào hứng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, được Thủ tướng giao nhiệm vụ thành lập trung tâm đổi mới sáng tạo của Việt Nam, giống các mô hình trên thế giới như Thung lũng Silicon của Mỹ, Công viên khoa học Oxford (Anh)... Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thành lập nhóm nghiên cứu xây dựng đề án, đồng thời mời Tập đoàn tư vấn Boston Consulting Group (BCG), Công ty kiến trúc ARUP tham gia hỗ trợ xây dựng đề án.

Trong quá trình xây dựng đề án này, nhóm nghiên cứu trong nước và quốc tế cùng nghiên cứu rà soát kinh nghiệm của trên 30 cơ sở hỗ trợ đổi mới sáng tạo trên thế giới, tìm hiểu các bài học thành công và thất bại của họ. 

"Thung lũng Silicon sẽ xuất hiện ở Việt Nam"

Sau một thời gian nghiên cứu, khảo sát, đồng thời nghiên cứu toàn bộ hệ thống đổi mới sáng tạo của Việt Nam và rút ra các bài học kinh nghiệm, dự thảo đề án đã được lấy ý kiến của các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền thông, Giáo dục và Đào tạo. Đến thời điểm hiện tại, đề án đã được xây dựng tương đối công phu, bài bản, chuyên nghiệp và đạt chất lượng cao.

Theo dự kiến, trung tâm này được xây dựng tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc ngay trong năm nay. Đây là nơi ứng dụng các công nghệ của cuộc cách mạng 4.0 trong doanh nghiệp và nghiên cứu, phát triển công nghệ trên nền tảng các công nghệ lõi. 

Đây cũng là nơi hỗ trợ phát triển khoa học công nghệ cấp quốc gia, là đầu mối dẫn dắt, kết nối và hỗ trợ các cơ sở đổi mới sáng tạo khác trong cả nước. Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia còn là phòng thí nghiệm về chính sách cũng như mô hình kết hợp giữa sự dẫn dắt của Nhà nước, cơ chế thị trường và sự tham gia của cả mạng lưới đổi mới sáng tạo, thu hút nhân tài của Việt Nam trên khắp thế giới và các tập đoàn công nghệ lớn.

Đề án xây dựng NIC được tiếp cận theo hướng, làm thế nào để trung tâm này gắn được với việc thay đổi mô hình kinh tế và mô hình tăng trưởng, thể hiện được tư duy, tầm nhìn. 

Bí thư Nguyễn Thiện Nhân và thung lũng silicon của Việt Nam

Đáng chú ý, đây là trung tâm đầu tiên trong hệ thống các trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, không phải là trung tâm duy nhất. Sau khi thí điểm, mô hình này sẽ được hình thành ở các vùng kinh tế, các địa phương, các bộ, ngành, doanh nghiệp khác nhau theo từng ngành, chức năng cụ thể và sẽ được kết nối vào NIC để được hỗ trợ, được hưởng lợi và bổ sung cho cho nhau.

Việc xây dựng NIC được xác định không dùng ngân sách nhà nước mà huy động từ khu vực tư nhân thông qua việc huy động nguồn lực từ các ngân hàng thương mại, các doanh nghiệp để đẩy nhanh quá trình thực hiện. 

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chia sẻ, ngay từ khi Đề án thành lập NIC mới được đưa ra lấy ý kiến công luận, rất nhiều nhà đầu tư cả trong và ngoài nước đều rất quan tâm đến dự án này. Chẳng hạn, Tập đoàn SK (Hàn Quốc) đã cam kết đầu tư khoảng 30 triệu USD cho việc xây dựng NIC. Đây là khoản vốn ban đầu rất có ý nghĩa để từ đó Bộ Kế hoạch và Đầu tư kêu gọi đầu tư xây dựng NIC. 

Việt Nam sẽ vượt Singapore trở thành Thung lũng Silicon của Đông Nam Á?

Cũng rất hăm hở với "thung lũng Silicon'" của Việt Nam, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị cần làm rất nhanh việc này. Bộ Thông tin và Truyền thông sẵn sàng hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, huy động 50 doanh nghiệp ICT vào đây để thành "mồi"...

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là cơ hội lớn của Việt Nam, mở đường cho sự phát triển đột phá làm thay đổi nền kinh tế. 3 bước đi cụ thể để đuổi kịp, đi cùng và vượt lên trong tiếp cận cuộc cách mạng này được Chính phủ xác định là Xây dựng chiến lược phát triển quốc gia về cách mạng công nghiệp 4.0; Xây dựng Đề án thành lập "Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia" (NIC); Xây dựng mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam nhằm thu hút nhân lực thực hiện Chiến lược phát triển quốc gia về cách mạng công nghiệp 4.0. 

Với bước đi đầu tiên là hình thành NIC có các thể chế, chính sách vượt trội sẽ góp phần vào quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, đưa Việt Nam trở thành nước có mức thu nhập trung bình cao, là một nước phát triển theo khát vọng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.

Thảo luận