Cựu Thượng tá quân đội Út 'trọc' trúng thầu nhiều dự án kiểu "tay không bắt giặc"

Không đủ năng lực tài chính, kinh nghiệm, thiết bị... nhưng Công ty Thái Sơn bộ Q.P lại được Bộ GTVT lựa chọn làm nhà đầu tư tại hàng loạt dự án BOT và BT, báo Pháp luật TP.HCM cho hay.
Sputnik

Như đã đưa tin, Thanh tra Chính phủ (TTCP) vừa ban hành thông báo kết luận thanh tra về việc chấp hành quy định pháp luật đối với một số dự án đầu tư, xây dựng có liên quan đến Công ty CP Phát triển Đầu tư Thái Sơn, Bộ Quốc phòng (gọi tắt là Công ty Thái Sơn) – nơi cựu thượng tá quân đội Đinh Ngọc Hệ, tức Út “trọc”, làm chủ tịch HĐQT.

Đại tá Phùng Danh Thắm rất buồn vì quân nhân “Út trọc” Đinh Ngọc Hệ

Đáng chú ý, TTCP đã chỉ ra hàng loạt sự “ưu ái” bất thường của Bộ GTVT khi đồng ý cho công ty của Út “trọc” tham gia vào nhiều dự án BOT và BT, dù công ty này hoàn toàn không đủ điều kiện.

TTCP cho biết hầu hết các báo cáo tài chính từ khi thành lập năm 2009 đến năm 2017 của Thái Sơn được sử dụng để kê khai quyết toán thuế hằng năm đều không được kiểm toán.

Tuy nhiên, trong các hồ sơ xin vay vốn, tham gia liên danh nhà đầu tư hoặc dự thầu, công ty này lại cung cấp các báo cáo tài chính có đóng dấu, ký xác nhận của một số đơn vị kiểm toán. Thực tế, không hề có việc kiểm toán như đã nêu ở trên.

Bên cạnh đó, khi làm hồ sơ vay vốn và dự thầu, Thái Sơn đều đưa ra các báo cáo tài chính cho thấy mình đủ năng lực; thế nhưng các con số từ cơ quan thuế lại cho thấy tình hình tài chính của công ty này rất yếu kém, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu luôn âm, lỗ.

Những sự thật khủng khiếp về 'trùm' BOT Út 'trọc'

TTCP cho rằng công ty của Út “trọc” đã có dấu hiệu giả mạo hồ sơ, số liệu báo cáo tài chính.

Cũng theo TTCP, tài sản cố định đủ hồ sơ chứng minh đến thời điểm năm 2017 của Công ty Thái Sơn có tổng giá trị theo nguyên giá khoảng 120 tỉ đồng. Số này bao gồm một bồn chứa dầu, 10-40 xe ô tô du lịch, không có máy móc, thiết bị phục vụ thi công, xây lắp các công trình được giao nhận thầu.

Đặc biệt, theo sổ sách, kế toán tiền lương từ khi thành lập đến tháng 12-2014, công ty có rất ít lực lượng nhân công, chủ yếu chỉ có nhân viên phòng hành chính, lái xe, kế toán, thủ quỹ… và một số rất ít cán bộ kỹ thuật xây dựng (các năm 2009, 2010, 2011, 2013 chỉ có một người, năm 2012 không có, đến 12-2014 mới có 4 người thuộc Phòng dự án).

Ngoài ra, tại một số dự án với vai trò là thành viên liên danh và nhà thầu xây lắp, Thái Sơn Bộ tự nhận có kinh nghiệm từng tham gia một số dự án trước đó. Tuy nhiên trên thực tế, công ty này chỉ đứng tên, chưa trực tiếp thực hiện gói thầu, dự án nào tương tự. Khi trúng thầu, Thái Sơn Bộ đã chuyển nhượng lại cho các đơn vị khác thực hiện.

Nhiều Đại tá quân đội bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương thi hành kỷ luật

“Thực chất, Công ty Thái Sơn không có đủ năng lực về máy móc, thiết bị, nhân công và kinh nghiệm để đáp ứng yêu cầu thực hiện các dự án, gói thầu” – TTCP nhấn mạnh.

Mặc dù không hề có năng lực nhưng công ty Thái Sơn lại được Bộ GTVT “ưu ái” một cách bất thường tại nhiều dự án BOT và BT với tư cách nhà đầu tư.

Điển hình là dự án đầu tư xây dựng cầu Việt Trì theo hình thức hợp đồng BOT. Bộ GTVT quyết định lựa chọn nhà đầu tư là liên danh Cienco 1 – Thái Sơn - Yên Khánh,  với tổng vốn đầu tư hơn 1.700 tỉ đồng.

Kết quả kiểm toán năm 2016 của Kiểm toán Nhà nước cho thấy tại thời điểm nộp hồ sơ tham gia dự thầu, Cienco 1 là doanh nghiệp 100% vốn của Nhà nước chưa được Bộ GTVT chấp thuận cho phép tham gia dự thầu, nguồn vốn chủ sở hữu của Cienco 1 không đạt yêu cầu phải lớn hơn 20% vốn điều lệ. Tương tự, Thái Sơn là thành viên liên danh cũng không đủ năng lực về tài chính và kinh nghiệm…

Đáng chú ý, dù nhà đầu tư đề xuất và được Bộ GTVT chấp thuận "mức thu phí từ năm 2016 bằng 3,5 lần mức thu phí đường bộ được đầu tư bằng vốn ngân sách Nhà nước" nhưng vẫn được đánh giá “Đạt”, vi phạm quy định tại thông tư 90/2004 của Bộ Tài chính.

Thế lực nào đứng sau sai phạm đất của Út “trọc”, Vũ “nhôm"?

Hay như tại dự án khôi phục cải tạo Quốc lộ 20 đoạn Km123+105,17 đến Km268+000 theo hình thức BOT kết hợp BT. Bộ GTVT quyết định chỉ định nhà đầu tư là liên  danh Tổng công ty 319 - Bộ Quốc phòng, Công ty Thái Sơn và Công ty Yên Khánh, tổng vốn đầu tư là 4.110 tỉ đồng.

Kết quả thanh tra, kiểm toán cho thấy cả ba nhà đầu tư đều không đạt yêu cầu về vốn chủ sở hữu nhưng vẫn được Bộ GTVT phê duyệt.

Cùng với đó, nhà đầu tư đề xuất "mức thu phí từ năm 2016 bằng 3,5 lần mức thu phí đường bộ đầu tư bằng vốn ngân sách Nhà nước quy định" là không đúng theo thông tư số 90/2004 của Bộ Tài chính, nhưng vẫn được Ban Quản lý dự án 7 đánh giá đạt để Bộ GTVT lựa chọn.

Chưa dừng lại, năm 2016, Bộ GTVT còn chấp thuận giao cho Thái Sơn thực hiện thi công Gói thầu số 23, sau đó, đã chuyển nhượng toàn bộ khối lượng công việc này cho Công ty TNHH MTV Vạn Tường thực hiện.

TTCP cũng cho biết nhiều sai phạm về quản lý đầu tư xây dựng công trình tại dự án này từng được cơ quan chức năng phát hiện, kiến nghị nhưng chưa được Bộ GTVT làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm để xử lý theo quy định.

Rà soát toàn bộ dự án liên quan đến Út “trọc”

Có hay không việc ông Mai Tuấn Anh và “Út trọc” “thâu tóm” trạm dừng nghỉ trên cao tốc?
TTCP kiến nghị Bộ GTVT thực hiện và chỉ đạo thực hiện kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với các đơn vị, cá nhân thuộc thẩm quyền có liên quan đến các khuyết điểm, vi phạm đã nêu.

Kiểm tra, rà soát, xử lý đối với giá trị quyền thu phí Trạm thu phí Bảo Lộc khi quyết toán Dự án sửa chữa và nâng cấp mở rộng một số đoạn qua thị trấn trên QL20 (đoạn từ Km76-Km206) đảm bảo đúng quy định của pháp luật.

Chấn chỉnh công tác quản lý đối với các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư, trong đó, cần có quy định chế tài cụ thể, chặt chẽ hơn đối với công tác thẩm định, xác minh tính chính xác của hồ sơ dự thầu, đề xuất của nhà đầu tư.

Đặc biệt, TTCP kiến nghị Bộ này cần kiểm tra, rà soát, xử lý các vi phạm (nếu có) đối với các dự án khác có liên quan đến cựu thượng tá Đinh Ngọc Hệ và Công ty Thái Sơn. Kết quả thực hiện và kiến nghị báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đồng thời, gửi TTCP để theo dõi, phối hợp.

Thảo luận