Độc đáo Vesak 2019 tại chùa Tam Chúc

“Đặc biệt phải nói tới Trung tâm hội nghị quốc tế chùa Tam Chúc với sức chứa 3.500 chỗ ngồi được xây dựng nổi trên mặt hồ Tam Chúc. Đây sẽ là nơi tổ chức Lễ khai mạc và Lễ bế mạc Đại hội Phật giáo Thế giới lần thứ XVI năm 2019”, - Thượng tọa Thích Minh Quang, thành viên Ban tổ chức Đại lễ Vesak 2019 nói với Sputnik.
Sputnik

Chỉ hơn ba tuần nữa, ngày 12 - 14/5/2019, Đại lễ Vesak 2019 (Ngày lễ tam hợp của Đức Phật gồm Phật đản sinh, Phật thành đạo và Đức Phật nhập niết bàn) - một lễ hội văn hoá thế giới vì hoà bình được UNESCO công nhận và tôn vinh, mang tính nhân văn tầm nhân loại sẽ diễn ra tại chùa Tam Chúc, thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Vesak 2019 sẽ quy tụ hàng vạn tăng ni phật tử, đại biểu quốc tế.

Độc đáo Vesak 2019 tại chùa Tam Chúc

Chủ đề chính của Vesak 2019 là “Cách tiếp cận của Phật giáo về sự lãnh đạo toàn cầu và trách nhiệm cùng chia sẻ vì xã hội bền vững”. Đây là lần thứ ba, Giáo hội Phật giáo Việt Nam phối hợp với Ủy ban Tổ chức Quốc tế (ICDV) đăng cai chủ trì Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc, với sự giúp đỡ và bảo trợ của chính phủ Việt Nam. 

Phóng viên Sputnik vừa có mặt tại chùa Tam Chúc để tìm hiểu về tiến trình chuẩn bị cho sự kiện tâm linh và văn hóa ý nghĩa này.

Tại khung cảnh non nước hữu tình nơi chùa Tam Chúc tọa lạc, với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, vẻ đẹp ngút ngàn của tạo hóa, phóng viên Sputnik đã được gặp và phỏng vấn Thượng tọa Thích Minh Quang, thành viên Ban tổ chức Đại lễ Vesak 2019. 

Việt Nam đăng cai tổ chức Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2019

Sputnik: Kính chào Thầy! Thưa Thầy, được đăng cai chủ trì Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc là một vinh dự rất lớn cho Việt Nam. Như vậy, chỉ hơn 3 tuần nữa là Đại lễ Vesak 2019 sẽ diễn ra, quy tụ hàng vạn tăng ni phật tử trong nước và đại biểu quốc tế. Thầy có thể cho biết công việc chuẩn bị cho Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc năm 2019 đã được chuẩn bị như thế nào cho tới thời điểm hiện nay?

Thượng tọa Thích Minh Quang: Hiện tại thì có thể nói, tất cả các bộ phận, các  khâu cho Đại lễ đang được chuẩn bị rất tốt, thuận lợi, suôn sẻ. Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ban tổ chức đang tập trung cho các công việc rất cao độ. Cơ sở hạ tầng, các mục đề án, hậu cần được chuẩn bị chu đáo, các tiểu ban phuc vụ cho Đại lễ đang ráo riết vào cuộc chuẩn bị. Chúng tôi tin chắc rằng, các hạng mục công trình sẽ hoàn thành đúng thời hạn để chào đón Vesak 2019.

Độc đáo Vesak 2019 tại chùa Tam Chúc

Sputnik: Thưa Thầy, tới thời điểm này thì đã có bao nhiêu đại biểu quốc tế đăng ký tham dự?

Thượng tọa Thích Minh Quang: Tính tới ngày 11/04 thì có đại biểu của 99 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đăng ký tham dự Vesak 2019. Dự kiến sẽ có 1500 đại biểu quốc tế và 1500 đại biểu trong nước tham dự Vesak lần này.

Sputnik: Với số lượng đại biểu và khách đông như vậy thì lực lượng hậu cần được đảm bảo như thế nào?

Thượng tọa Thích Minh Quang: Ban tổ chức huy động lực lượng tăng ni của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, các tín đồ phật tử, học sinh, sinh viên tình nguyện của tỉnh Hà Nam và các tỉnh xung quanh Hà Nội. Vì đã có kinh nghiệm hai lần tổ chức Vesak, Vesak 2008 và Vesak 2014 nên  vấn đề hậu cần khá suôn sẻ, không có trở ngại gì. Vì chương trình lần này đa dạng hơn nên công tác chuẩn bị được chuẩn bị sớm hơn, chu đáo hơn.

Về vấn đề lưu trú của gần 3000 đại biểu chính thức thì  sẽ phân ra ở 3 nơi: Hà Nội, Hà Nam và Ninh Bình. Sẽ sử dụng hết khách sạn, khu lưu trú của Hà Nam. Còn Hà Nội cách xa Hà Nam 70 km, Ninh Bình cách xa Hà Nam 50 km thì cũng không trở ngại gì.

Độc đáo Vesak 2019 tại chùa Tam Chúc

Sputnik: Thưa Thầy, Chương trình Vesak lần này so với những lần trước thì có những điểm nhấn, nét độc đáo gì ạ?

Điểm nhấn đầu tiên là đến với Vesak 2019 nhiều các nguyên thủ, lãnh đạo các nước hơn, đại biểu các nước cũng sẽ tới nhiều hơn. Các hoạt động cũng phong phú hơn những lần trước. Những hoạt động chính sẽ là: Lễ khai mạc vào ngày 12/05, sau đó có các hội thảo vào ngày 13/05, Bế mạc vào ngày 14-05. Đêm ngày 12/05 sẽ có Chương trình đặc biệt chào mừng đại lễ Vesak sẽ được truyền hình trực tiếp trên Tuyền hình Việt Nam. Sẽ có bắn pháo hoa tầm thấp. Chương trình nghệ thuật đặc biệt này sẽ thể hiện đậm nét văn hóa truyền thống đặc sắc của Việt Nam chúng ta. Đêm ngày 13/05 sẽ có Chương trình cầu nguyện hòa bình, quốc thái dân an, hoa đăng. Ngoài ra, còn có các triển lãm tranh - ảnh  và con người”, hội chợ giới thiệu văn hóa,  sản vật của các vùng miền Việt Nam.

Đặc biệt phải nói tới Trung tâm hội nghị quốc tế chùa Tam Chúc với sức chứa 3.500 chỗ ngồi được xây dựng nổi trên mặt hồ Tam Chúc. Đây sẽ là nơi tổ chức Lễ khai mạc và Lễ bế mạc Đại hội Phật giáo Thế giới lần thứ XVI năm 2019.

Phải nói rằng, trên thế giới hiếm có nước nào có một không gian thiên nhiên văn hóa hài hòa và đẹp như vậy để tổ chức Vesak.

Độc đáo Vesak 2019 tại chùa Tam Chúc

Sputnik: Thưa Thầy, tổ chức một Đại lễ với quy mô lớn như vậy thì cần nguồn kinh phí không nhỏ...

Thượng tọa Thích Minh Quang: Ban tổ chức gồm Ủy ban tổ chức quốc tế và Ủy ban tổ chức quốc gia, nhưng vai trò chủ yếu là của Ủy ban tố chức quốc gia. Ủy ban tổ chức quốc tế hỗ trợ chủ yếu cũng chỉ về nội dung, đại biểu mới, nhưng chúng ta vẫn là chính.

Kinh phí do Giáo hội Phật giáo Việt Nam chủ động từ các nguồn xã hội hóa.

Sputnik: Chân thành cảm ơn Thầy đã dành thời gian cho Sputnik.

Độc đáo Vesak 2019 tại chùa Tam Chúc

P.S. Tôi đứng trên sân Điện Tam thế nhìn xuống hồ Lục Ngạn, nơi chẳng bao lâu nữa sẽ xuất hiện 3 sân khấu nổi trên mặt nước, nơi sẽ diễn ra Lễ khai mạc và Bế mạc Đại lễ Vesak 2019. Tôi đứng trong không gian Tam Chúc – ngôi chùa lớn nhất thế giới, ngắm nhìn Điện thờ Pháp Chủ Thích Ca Mâu Ni, Điện Tam Bảo, Chùa Ngọc,  Đình Tam Chúc, không gia sơn thủy hữu tình của đất Hà Nam, và tin chắc rằng, câu nói của người xây chùa Tam Chúc - ông Nguyễn Văn Trường “Tam Chúc chắc chắn sẽ trở thành di sản văn hóa – thiên nhiên của nhân loại” sẽ thành sự thật.

Thảo luận