'Giám định tinh trùng bắn như thế mà không xác định được tội hiếp dâm'

Đại diện Công an Hóc Môn (TP.HCM) cho biết có những vụ việc đối tượng khai xâm hại tình dục, quan hệ với trẻ em nhiều lần, nhưng do công tác giám định không đủ cơ sở xác minh tội danh hiếp dâm nên vụ việc đang tạm đình chỉ, Thanh Niên thông tin.
Sputnik

Ngày 19.4, đoàn giám sát HĐND TP.HCM giám sát tình hình triển khai thực hiện Luật trẻ em, công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em ở H.Hóc Môn.

Hé lộ thêm thông tin sốc vụ nữ sinh lớp 12 tự tử sau khi bị xâm hại trong nhà nghỉ

Báo cáo của UBND H.Hóc Môn cho biết từ năm 2017 đến qúy 1/2019, trên địa bàn huyện xảy ra 15 trường hợp trẻ bị bạo hành, xâm hại, trong đó: không khởi tố 3 vụ; chuyển cấp trên thụ lý theo thẩm quyền 5 vụ; thụ lý giải quyết 5 vụ; tiếp tục xác minh 2 vụ.

"Không ai nghĩ đứa bé bị xâm hại nhiều lần"

Bà Nguyễn Thị Thanh Trúc, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ H.Hóc Môn, cho hay khi xảy ra xâm hại trẻ em, thường sự phối hợp của các cơ quan ở địa phương còn chậm dẫn đến gia đình nạn nhân bức xúc.

Theo bà Trúc, theo quy trình, muốn tiếp nhận điều tra xâm hại, thì phải có chứng cứ, tài liệu chứng minh. Mà thường sau khi vụ việc xảy ra, thường đứa trẻ có tâm lý hoang mang lo lắng, về phần gia đình lại không muốn dựng lại hiện trường, công bố thông tin; từ đó ít nhiều ảnh hưởng đến quá trình điều tra nhanh chóng, đảm bảo hiệu quả vụ việc.

Bà Trúc cũng cho biết thêm việc tuyên truyền thời gian qua huyện thực hiện nhiều, nhưng phần lớn người dân thờ ơ khi tiếp nhận thông tin. Chỉ khi xảy ra vụ việc liên quan đến người thân, người dân mới quan tâm đến tình trạng xâm hại trẻ em.

Lời khai của bé gái bị xâm hại trong thang máy ở TP HCM

“Vừa rồi xảy ra vụ việc xâm hại trẻ em, thì người xâm hại là người chơi rất thân với cha mẹ nạn nhân. Người này thường xuyên tới nhà, qua lại nhậu nhẹt nên khi xảy ra sự việc rất ngỡ ngàng, không ai nghĩ đứa bé bị xâm hại nhiều lần. Khi xảy ra đó là một nỗi đau của gia đình”, bà Trúc nói, và đề xuất việc tuyên truyền trẻ bị xâm hại cần thay đổi về nội dung, cách thức tuyên truyền cho phù hợp.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Trân, Phó phòng Lao động - Thương binh và Xã hội H.Hóc Môn, cũng kể vừa rồi xảy ra vụ xâm hại trẻ em ở xã Đông Thạnh, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội có xuống tìm hiểu, nhưng không thể tiếp xúc với gia đình nạn nhân. Lý do nạn nhân ở trong trạng thái hoảng loạn nên gia đình không muốn người lạ tiếp xúc với bé, mà chỉ thông qua người giám hộ, và  gia đình cũng không muốn dựng lại hiện trường vụ việc.

Làm rõ điều này, bà Trần Hải Yến, Phó trưởng ban Văn hóa - xã hội HĐND TP.HCM, cho hay gia đình nạn nhân hiểu việc dựng lại hiện trường phải có nạn nhân, là không chính xác. Bởi việc dựng lại hiện trường chi thực hiện trên hình nộm. Do đó, địa phương cần nắm rõ quy trình liên quan việc dựng lại hiện trường để xử lý cho phù hợp.

Quốc hội sẽ giám sát việc xử lý tội phạm xâm hại trẻ em

Thiếu tá Lê Đức Song, đại diện Công an H.Hóc Môn, thông tin thêm vụ hiếp dâm ở xã Đông Thạnh xảy ra từ năm 2017, nhưng mới đây gia đình nạn nhân mới tố cáo nên khó khăn trong việc thu thập dấu vết chứng cứ, nhất là thu ADN.

“Do đối tượng bị tố hiếp dâm không nhân tội, nên cơ quan công an phải đưa bé tới xác nhận hiện trường. Việc giám định ADN thì cơ quan giám định xác nhận ADN có trong âm hộ của bé. Tuy nhiên cơ quan giám định cũng trả lời, là việc có dấu vết AND này cũng xảy ra khi nạn nhân dùng chung khăn và vật dụng cá nhân. Điều này gây khó cho công tác điều tra”, thiếu tá Song nói, và cho biết hiện vụ việc đã được chuyển cho Phòng Cảnh sát hình sự (PC02 Công an TP.HCM) điều tra.

Thiếu tá Song cũng cho biết trong các vụ xâm hại trẻ em, thường chỉ có đối tượng xâm hại và người bị xâm hại biết. Do đó một khó khăn mà cơ quan điều tra gặp phải chính là nhân chứng.

“Có vụ việc thầy giáo thực hiện hành vi dâm ô tới mười mấy bé, tôi trực tiếp thụ lý, điều tra vụ việc. Nhưng khi lấy lời khai, học sinh mới học lớp 3 - 4, nhưng đã có những lời khai bảo vệ thầy. Chúng tôi phải dùng nghiệp vụ mới lấy được lời khai chính xác từ các em”, thiếu tá Song nói.

Kẻ xâm hại là “con sói”, còn người bị xâm hại là “con gà”
Sau khi có đề nghị của đại biểu làm rõ thêm một số vụ việc xâm hại tình dục ở huyện, thiếu tá Song cho biết thêm những nạn nhân bị xâm hại ở huyện đều dưới 16 tuổi. Từ đó, thiếu tá Song cho hay kẻ xâm hại là “con sói”, còn người bị xâm hại là “con gà”, nên việc tuyên truyền phải có biện pháp cứng để tách, hay ngăn chặn “con sói” ra khỏi “con gà” thì mới hiệu quả.

Bộ trưởng Công an chỉ đạo biện pháp khẩn cấp ngăn ngừa xâm hại trẻ em

Thiếu tá Song dẫn chứng với vụ việc thầy giáo dâm ô học sinh ở trường học, nếu nhà trường gắn hết camera ở trường, thì thầy giáo không có “môi trường” dâm ô các em được nữa. Việc gắn camera này nhà nước có đủ chức năng, thẩm quyền và nguồn lực để làm.

Thiếu tá Song cho hay có những vụ việc dâm ô, Công an Hóc Môn chuyển hồ sơ lên cho Công an TP.HCM, nhưng sau đó Công an TP.HCM chuyển ngược về cho Công an Hóc Môn. Điển hình như vụ giám định để xác định dấu hiệu ADN của đối tượng bị tố cáo ở xã Đông Thạnh mà thiếu tá Song đã nêu ở phần trên, thì Công an TP.HCM chỉ khởi tố vụ án, xác định đây là hành vi hiếp dâm, nhưng không đủ căn cứ nên chuyển sang tội danh dâm ô trẻ em.

“Đối tượng quan hệ với trẻ em khai quan hệ nhiều lần, xuất tinh trong âm đạo nhưng khi giám định thu được dấu vết ADN trong âm đạo không đủ cơ sở giám định, nhưng dấu vết ADN ngoài âm hộ thì đủ cơ sở  giám định. So sánh và đối chiếu đối tượng lại là một người”, thiếu tá Song nói.

Thiếu tá Song cho biết hiện nay vụ việc đang tạm đình chỉ để chờ xin ý kiến của Hội đồng thẩm phán thành phố. “Mức độ vi phạm đã rất rõ ràng. Tinh trùng bắn như thế mà vẫn không xác định được tội hiếp dâm. Cơ quan giám định lại nói có thể. Những vụ đó được thành phố xem xét kỹ càng”, thiếu tá Song nói.

Thảo luận