Vào ngày 23 tháng Tư, gần ba trăm quân nhân, cũng như bốn xe tăng và hai mươi xe chiến đấu bộ binh của Pháp sẽ đến Estonia, theo dịch vụ báo chí của Đại sứ quán Pháp tại Tallinn.
Cần lưu ý rằng, việc triển khai này là sự đóng góp của Pháp vào sự hiện diện gia tăng của NATO tại các quốc gia Baltic và Ba Lan (FRA-EFP LYNX). Đơn vị gồm 300 quân nhân bao gồm các binh sĩ của lữ đoàn thứ hai của quân đội Pháp và lính đánh thuê từ Binh đoàn Lê dương Pháp. Kỹ thuật quân sự sẽ được vận chuyển đến Estonia bằng đường sắt.
Cơ quan ngoại giao đã làm rõ rằng, quân đội sẽ ở lại nước cộng hòa Baltic này cho đến cuối tháng 8 năm nay.
Trong cuộc phỏng vấn của Sputnik, Phó Giáo sư Nikolai Topornin, Ban Luật pháp châu Âu trường MGIMO Bộ Ngoại giao Nga, bình luận về nội dung này.
“Tất nhiên, đơn vị này không thể thay đổi cán cân lực lượng về mặt chiến lược. Rõ ràng, điều này được thực hiện chủ yếu để tăng cường sự đoàn kết của các thành viên NATO ở phía đông. Tất nhiên, đây là một yếu tố khó chịu - vài năm trước ở Estonia không có đơn vị nào của NATO, lực lượng vũ trang của Estonia đã bảo vệ đường biên giới. Nhưng, như chúng ta biết, quan hệ giữa Nga và liên minh phương Tây bắt đầu xấu đi kể từ năm 2014", - ông Nikolai Topornin nói.
Đồng thời, ông lưu ý rằng, chuyến thăm Matxcơva của Tổng thống Estonia Kersti Kaljulaid là một dấu hiệu tốt.
"Tôi lạc quan về chuyến thăm của Tổng thống Estonia và cuộc gặp của bà với Vladimir Putin, bởi vì đây là cuộc họp đầy đủ giá trị đầu tiên trong 10 năm qua. Nước láng giềng của chúng tôi - Estonia là thành viên của EU và NATO. Về cơ bản chúng tôi đã không có liên hệ chính trị nào với nước này. Vì vậy, theo tôi, chuyến thăm này mang tính biểu tượng. Mặc dù Estonia là một nước cộng hòa nghị viện, nhưng, với một chính phủ liên minh, vai trò của tổng thống, đặc biệt là trong chính sách đối ngoại, đang gia tăng. Sau cuộc gặp với Tổng thống Putin, bà Kaljulaid đã tuyên bố rằng, hai nước chúng ta có khả năng để cải thiện mối quan hệ. Sau khi bà trở về Tallinn, rõ ràng ý nghĩ này sẽ là một động lực để suy nghĩ lại về mối quan hệ với Nga", - ông Topornin nhận xét.
Trong những năm gần đây, Nga thường xuyên cảnh báo về hoạt động tích cực chưa từng có của NATO gần biên giới phía tây. NATO đang mở rộng các sáng kiến và gọi đây là "để ngăn chặn sự xâm lược của Nga". Matxcơva đã nhiều lần bày tỏ quan ngại về việc NATO đang tăng cường lực lượng ở châu Âu. Trước đây Điện Kremlin đã tuyên bố rằng, Nga không gây ra mối đe dọa cho bất kỳ ai, nhưng sẽ không bỏ qua các hành động có khả năng gây nguy hiểm cho lợi ích của Matxcơva. Cuộc đàm phán giữa Tổng thống Nga và Tổng thống Estonia đã diễn ra vào ngày thứ Năm. Cụ thể, ông Vladimir Putin và bà Kersti Kaljulaid đã thảo luận về các mối quan ngại của Tallinn trong lĩnh vực an ninh. Theo thư ký báo chí của Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov, trong cuộc hội đàm, phiá Nga đã lưu ý rằng, những quan ngại như vậy là vô căn cứ, và được giải thích bởi việc NATO khéo léo thổi phồng “mối đe dọa từ phía Đông”.