Sau khi công bố có 44 thí sinh ở Sơn La, 64 ở Hòa Bình, 114 ở Hà Giang được nâng điểm tại kỳ thi THPT quốc gia 2018, mới đây Bộ GD&ĐT lại công bố: “Các thí sinh gian lận điểm trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 vẫn được đăng ký dự thi THPT quốc gia năm 2019”.
Sai phạm vẫn đi học và thi... như thường
Thông tin này khiến dư luận bức xúc, bởi theo quy chế các kỳ thi tuyển sinh trước đây, người có hành vi gian lận trong kỳ thi tuyển sinh sẽ bị tước quyền dự thi, tùy theo từng mức độ vi phạm. Dư luận cho rằng Bộ GD&ĐT xử lý thí sinh gian lận thi cử quá nhẹ nhàng, không có tác dụng răn đe.
Theo chỉ đạo của bộ về cách giải quyết hệ quả gian lận điểm thi của Sở GD&ĐT Hòa Bình và Sơn La, từng trường đại học sẽ liên hệ với 2 đơn vị này. Các trường căn cứ công văn phúc đáp để giải quyết từng trường hợp cụ thể.
Ông Nguyễn Đào Tùng, Trưởng ban Đào tạo Học viện Tài chính, Hà Nội, chia sẻ những khó khăn của đơn vị mình trong quá trình lần mò thông tin: “Theo chỉ đạo của bộ, chúng tôi gửi công văn cho Sở GD&ĐT Hòa Bình và Sơn La, nhưng hiện nay chỉ mới nhận được văn bản trả lời của Hòa Bình. Sơn La mãi không thấy hồi âm, gọi điện không ai nghe máy. Bộ nói là cứ yên tâm, thế nào Sơn La cũng sẽ chủ động cung cấp thông tin, vậy là chúng tôi lại chờ...”.
Còn ông Trần Văn Tớp, Phó hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội,cho rằng về mặt công nghệ, Bộ GD&ĐT có thể xử lý để các trường và địa phương liên thông nhau trên nền tảng dữ liệu chung, chứ không cần từng trường phải gửi công văn hỏi, sở gửi công văn trả lời từng trường như cách Bộ GD&ĐT đang yêu cầu.
Ông Tớp băn khoăn: “Tôi không hiểu tại sao bộ là nơi nắm hết dữ liệu mà phải đá quả bóng đi lung tung vậy? Một vấn đề có thể giải quyết theo cách hết sức đơn giản, tại sao lại phải làm phức tạp hóa nó lên?”.
Đến khi nhận được danh sách thí sinh gian lận, một số trường lại gặp khó khăn trong việc xử lý. Thậm chí, có thí sinh vi phạm nhưng do đủ điểm xét tuyển nên vẫn được tiếp tục đi học. Thí sinh chỉ có điểm gian lận khối bài khoa học tự nhiên, bài thi khối Khoa học xã hội không thay đổi, vẫn đi học bình thường. Hay thí sinh sau chấm thẩm định phát hiện nâng khống đến 15, thậm chí 20 điểm, chỉ bị cho thôi học, năm 2019 này vẫn tiếp tục tham gia thi…
Cụ thể, ĐH Y Hà Nội, sau khi nhận danh sách thí sinh gian lận thi cử từ Sở GD&ĐT tỉnh Hòa Bình, đã đuổi học một sinh viên có điểm chấm thẩm định thấp hơn điểm trúng tuyển. Tuy nhiên, một số còn lại đủ điểm trúng tuyển nhưng điểm thi môn khác (không phải tổ hợp xét tuyển vào trường) bị hạ 2 điểm. Trước tình huống này, nhà trường không có quy định, căn cứ nào để giải quyết nên phải xin ý kiến chỉ đạo của Bộ GD&ĐT.
Tương tự, ĐH Kinh tế Quốc dân cũng nhận được danh sách 5 thí sinh ở Hòa Bình có điểm thi bị điều chỉnh, trong đó 2 sinh viên có điểm thấp hơn điểm chuẩn nên bị xóa tên trong danh sách trúng tuyển. Ba sinh viên có điểm cao hơn điểm chuẩn vẫn học bình thường.
Giải thích về những cách xử lý cho từng trường hợp, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT, chia sẻ với báo chí, nếu thí sinh bị giảm điểm thi trong số các môn thuộc tổ hợp xét tuyển nhưng vẫn đủ điểm trúng tuyển, các trường vẫn có thể để thí sinh tiếp tục học tập.
Về ý kiến nếu đã bị giảm điểm môn trắc nghiệm thì cần hủy kết quả vì đã dính gian lận, bà Phụng cho rằng đây chỉ là quan điểm có thể chia sẻ ở góc độ suy đoán vi phạm, vì cơ quan điều tra chưa có kết luận cuối cùng về đối tượng sai phạm, mức độ sai phạm, mức độ lỗi... Vì thế, bộ sẽ tiếp tục trả lời từng trường nếu có lúng túng, thắc mắc.
TS Lê Viết Khuyến, nguyên Vụ phó Vụ Đại học, Bộ GD&ĐT, khẳng định sở dĩ thí sinh vi phạm nhưng đủ điểm vẫn được học là do bộ mới xử lý theo quy chế chấm phúc tra. Nghĩa là, nếu kết quả chấm phúc tra điểm không đạt yêu cầu mới bị buộc phải thôi học, còn nếu đủ điểm vẫn được công nhận đỗ.
Bộ chưa xử lý theo quy chế thi tuyển sinh, nghĩa là khi có chứng cứ vi phạm (như bắt quả tang tại phòng thi, mang tài liệu vào phòng...) thì sẽ bị xử lý. Cụ thể, những trường hợp gian lận trên nếu có chứng lý việc thí sinh liên quan chuyện chạy điểm sẽ xử lý được ở mức cao hơn được.
“Muốn xử lý triệt để, nghiêm minh thì phải truy xét đúng bản chất của việc nâng điểm đó. Nếu không tìm đúng bản chất không thể xử lý rốt ráo, nghiêm minh được”, TS Lê Viết Khuyến nói.
Không “bịt lỗ hổng” quy chế, vi phạm sẽ tái diễn
Dư luận cho rằng đã có hành vi gian lận thi (trực tiếp hay gián tiếp) thì đều phải bị xử lý như nhau.
Khi được đặt câu hỏi về căn cứ đưa ra cách xử lý này, Bộ GD&ĐT thừa nhận rằng việc xử lý thí sinh vi phạm được quy định ở Điều 49 trong Quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT áp dụng cho năm 2018.
Điều này không có mục nào quy định xử lý thí sinh gian lận điểm thi tại khâu chấm thi.
Đây chính là nguyên nhân dẫn đến nhiều lúng túng khiến các trường ĐH và Bộ GD&ĐT phải hỏi ý kiến qua lại trước mỗi trường hợp vi phạm.
Nhiều ý kiến cho rằng Bộ GD&ĐT cần bổ sung quy chế tuyển sinh một quy định thật đầy đủ, thống nhất và thật nghiêm khắc để xử lý đối với những trường hợp gian lận thi cử trong khâu chấm thi năm 2019 và những năm tiếp theo.