99 năm tuổi đời, nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh đã để lại những dấu ấn quan trọng. Ônglà một trong những nhà chính trị tầm cỡ, nhà quân sự lớn của Đảng và Nhà nước ta .
Là người có nhiều năm gắn bó và là người kế nhiệm, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương cho rằng: Nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh là một vị tướng toàn tài. Khi được giao nhiệm vụ chính trị, đồng chí luôn gắn chặt chẽ 2 mặt quân sự quốc phòng và chính trị xã hội. Đồng thời, là người luôn sát cánh cùng các nhà lãnh đạo khởi xướng và chỉ đạo công cuộc đổi mới đất nước.
PV. Thưa nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương, trong suốt cuộc đời, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã có nhiều cống hiến cho đất nước. Là người có nhiều năm gắn bó và là người kế nhiệm, ông đánh giá đâu là những dấu ấn nổi bật nhất của nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh?
Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương: Nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh là một cán bộ toàn tài, cả cuộc đời công tác của ông luôn gánh 2 vai: quân sự và chính trị.
Cả thời gian rất dài, đồng chí hoạt động trong lĩnh vực quân sự, làm lãnh đạo nhiều cấp khác nhau, chủ yếu là gắn bó với vùng đất quê hương Nam bộ, Quân khu 9, Quân khu 7 và cơ quan lãnh đạo toàn miền.
Khi là vị tướng, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh là một vị tướng toàn tài, năng nổ, sốc vác, lập được nhiều chiến công gắn bó với các đơn vị quân và dân ở các vùng, các đơn vị và đồng chí phụ trách.
Khi được giao nhiệm vụ chính trị là chính, như Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Chủ tịch nước, đồng chí luôn gắn chặt chẽ 2 mặt quân sự quốc phòng và chính trị xã hội. Tôi được làm việc với nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh nhiều, biết nhiều về anh là những năm đầu của thời kỳ đổi mới, đầu thập kỷ 1990, vào lúc anh được giao nhiệm vụ Chủ tịch nước. Trong nhiệm vụ của Chủ tịch nước Lê Đức Anh-người tiền nhiệm của tôi- tôi đã theo sát và có ấn tượng rất sâu sắc về những hoạt động của đồng chí.
Cũng không ngoài nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, xây dựng Tổ quốc, kết hợp chính trị và quân sự. Tôi nhớ vào đầu những năm 1990 là thời kỳ quân đội ta, sau nhiệm vụ chính trị quân tình nguyện ở Campuhica thì đã rút về nước, đó là giai đoạn Bộ Quốc phòng có tái cơ cấu tương đối lớn, dù không tuyên truyền rộng.
Giai đoạn đó ra quân rất đông, hàng chục vạn cán bộ chiến sĩ, với tư cách là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, tiếp đến Chủ tịch nước, đồng chí Lê Đức Anh hết sức quan tâm tâm đến đời sống của cán bộ chiến sĩ, những người đã lăn lộn trên các mặt trận bảo vệ Tổ quốc cũng như làm nhiệm vụ quốc tế nay trở về trong điều kiện đầy khó khăn.
Đại tướng Lê Đức Anh đã chỉ thị Bộ Quốc phòng đề xuất nhiều chính sách đối với cán bộ chiến sĩ ra quân hoặc tiếp theo là sự chăm lo của Đảng, Nhà nước đối với lực lượng vũ trang. Thời kỳ đó đã có nhiều chính sách được ban hành hoặc hỗ trợ tích cực để bớt khó khăn cho cán bộ, chiến sĩ ra quân đầu những năm 1990. Anh em được hỗ trợ về nhà ở, điều kiện đi lại, học hành, sản xuất.
PV. Trên cương vị Chủ tịch nước, một sáng kiến quan trọng của ông Lê Đức Anh khi đó được nhân dân đón nhận đó là phong tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”. Ông có thể nói rõ hơn về điều này?
Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương: Thời kỳ đầu làm Chủ tịch nước, đồng chí Lê Đức Anh cũng chỉ đạo các cơ quan quốc phòng và các cơ quan chính sách của nhà nước xem xét một cách tích cực, đề xuất chủ trương Đảng và Nhà nước ban hành quy định về danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng.
Chính trong thời kỳ đồng chí làm Chủ tịch nước, việc xem xét để tuyên dương các Bà mẹ Việt Nam anh hùng trong toàn quốc được làm rất chu đáo, kịp thời. Năm 1995, chính xác là tháng 12/1994, chúng ta đã tổ chức Lễ tuyên dương Bà mẹ Việt Nam anh hùng toàn quốc rất long trọng và xúc động lòng người.
Chính sách Bà mẹ Việt Nam anh hùng là một chính sách đầy tính nhân văn cao cả, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc ta mà cho đến hôm nay, không những thế hệ những người sinh ra trong chiến tranh mà cả thế hệ sau này đều cảm nhận được vinh dự rất to lớn đối với các bà mẹ đã hy sinh những người con thân yêu của mình cho độc lập tự do của Tổ quốc.
Nói điều đó để thấy rằng khi là tướng lĩnh cũng như cán bộ lãnh đạo cao cấp thì đồng chí Lê Đức Anh luôn luôn quan tâm đến chiến đấu và chăm lo đời sống và chính sách hậu phương quân đội đối với cán bộ chiến sỹ những gia đình có công với nước một cách chu đáo và ấn tượng.
PV. Đại tướng Lê Đức Anh còn được coi là “kiến trúc sư” của việc triển khai các biện pháp chiến lược và chiến thuật trong lộ trình bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc và Mỹ. Vậy, việc thiết lập quan hệ ngoại giao này có ý nghĩa quan trọng như thế nào, thưa nguyên Chủ tịch nước?
Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương: Tôi ghi nhớ và thán phục đồng chí Lê Đức Anh cũng như đồng chí lãnh đạo cấp cao lúc bấy giờ là giải tỏa bao vây cấm vận để đưa nước ta khỏi thế bao vây, kìm kẹp khổ sở trong thời gian dài trước đó do Mỹ và Trung Quốc phát động, chèn ép đất nước chúng ta.
Những năm đầu thập niên 90, sau khi chúng ta tuyên bố đường lối đổi mới thì cả đổi mới về chính sách đối ngoại, mục tiêu hàng đầu đối ngoại lúc bấy giờ là tháo gỡ bao vây cấm vận.
Muốn tháo gỡ bao vây cấm vận thì trước hết là từ Mỹ và Trung Quốc, rồi đến các tổ chức tài chính tiền tệ khác có liên quan. Đồng chí Lê Đức Anh là một trong những người rất tích cực đóng góp thể hiện lập trường mềm dẻo đối với Trung Quốc và Mỹ để từ thù địch chuyển dần sang trạng thái hợp tác cùng có lợi.
Các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước vào những năm đầu thế kỷ trước đã dồn công sức cho việc này rất lớn và đồng chí Lê Đức Anh là một trong những người đóng góp tích cực, kể cả trong việc cải thiện quan hệ, bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc và với Mỹ.
Điều đó chứng tỏ không chỉ là tướng tài, trong lĩnh vực chính trị, nhất là chính trị đối ngoại, đồng chí là người sâu sắc, có tầm nhìn chiến lược. Đồng chí Lê Đức Anh đã để lại trong tôi những ấn tượng vô cùng sâu sắc của người lãnh đạo quan trọng của Đảng, Nhà nước chúng ta, vị tướng tài của quân đội và nhân dân ta.
PV. Nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh là một trong những người sát cánh cùng cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh và các nhà lãnh đạo khác khởi xướng và chỉ đạo công cuộc đổi mới đất nước. Vậy ở thời điểm đó có ý nghĩa như nào đối với Việt Nam?
Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương: Đầu tiên bắt nguồn từ giải tỏa, bình thường hóa quan hệ với hai nước Trung Quốc và Mỹ. Chính Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã nói rõ “đã đóng góp phần của mình vào bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, với Mỹ như nào. Ngay từ đầu, đại hội 6, Đảng ta quyết định tiến hành đường lối đổi mới có quán triệt trên tất cả các lĩnh vực, không chỉ đổi mới kinh tế, xã hội mà đổi mới toàn diện. Không chỉ đổi mới đối nội mà còn đối ngoại.
Đảng, Nhà nước chúng ta lúc đó đã công bố tinh thần “Việt Nam muốn làm bạn của tất cả các quốc gia, dân tộc trên thế giới”, “Việt Nam muốn tham gia tích cực, chủ động vào các hoạt động liên kết quốc tế và khu vực”. Đó là đường lối chung nhất. Ngay cả hội nhập, soi lại mới thấy cả quá trình đi lên nhanh chóng.
Hội nhập, đường lối chung của Đảng phải kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, chính là sức mạnh nhờ hội nhập quốc tế trên cơ sở tôn trọng độc lập chủ quyền. Ngày hôm nay đã cho thấy rõ đấy là đường lối đúng đắn và đưa lại tác động vô cùng to lớn đối với dự nghiệp xây dựng phát triển đất nước./.
PV: Xin trân trọng cảm ơn Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương về cuộc trao đổi này!