Thụ tinh trong ống nghiệm (IVF), nội soi và tim mạch là 3 chuyên ngành mà Việt Nam đang có "chỗ đứng" trên bản đồ y khoa thế giới. Nếu như vài thập niên trước, bác sĩ Việt còn phải xách cặp xuất ngoại học nghề thì nay bác sĩ của nhiều nước lại đến Việt Nam để học hỏi...
Là người đầu tiên trên thế giới phẫu thuật nội soi tuyến giáp với đường mổ từ ngực và nách, từ khoảng 10 năm trở lại đây PGS.TS Trần Ngọc Lương, hiện là giám đốc Bệnh viện Nội tiết trung ương (Hà Nội), bắt đầu đón nhận những học viên đầu tiên là các giáo sư, bác sĩ người nước ngoài.
Các đồng nghiệp quốc tế đến Việt Nam học "phương pháp Dr Lương" ngày càng đông, người nào về nước phẫu thuật cũng đều hiệu quả và gửi lời cảm ơn nhiệt liệt đến đồng nghiệp Việt Nam.
Phương pháp "made in Vietnam"
Không thể so bì với các nước phát triển khi họ sẵn sàng chi hàng chục ngàn USD để "tậu" những con robot phẫu thuật nội soi tuyến giáp. "Biết người biết ta", bác sĩ Lương sáng tạo cách phẫu thuật của riêng mình, theo đúng kiểu "made in Vietnam" giúp giảm thiểu thấp nhất chi phí cho người bệnh, mang lại hiệu quả cao.
Năm 2003, đánh dấu một cột mốc lịch sử khi ông thực hiện thành công ca phẫu thuật nội soi tuyến giáp đầu tiên. Và kỹ thuật này ngày nay được chuyển giao cho nhiều học viên là các giáo sư, bác sĩ ở Saudi Arabia, Indonesia, Ấn Độ, Hàn Quốc, Pakistan, Thái Lan, Úc, Singapore, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Bồ Đào Nha...
"Về kỹ thuật, cách phẫu thuật của mình đơn giản, dụng cụ là thiết bị nội soi ổ bụng thông thường nhưng hiệu quả rất rõ, bệnh nhân không có vết sẹo dài ở cổ, đảm bảo về thẩm mỹ, có lẽ vì thế các bạn đồng nghiệp đến học đông" - bác sĩ Lương chia sẻ. Đến nay đã có khoảng 300 bác sĩ nước ngoài đến học phương pháp phẫu thuật nội soi tuyến giáp của "Dr Lương", 1/3 trong số đó là các giáo sư, phần lớn đều là bác sĩ lành nghề.
"Phương pháp Dr Lương" "hot" thế giới là thế, nhưng chi phí học lại rất rẻ so với chi phí đào tạo ở nước ngoài. Các khóa học thường được phân ra 1 tuần, 2 tuần, 3 tuần, tùy theo học viên lựa chọn. Không chỉ học viên nước ngoài đến Việt Nam học, với danh tiếng của mình, bác sĩ Lương thường xuyên được mời đi giảng và mổ thị phạm ở nhiều nước trên thế giới.
"Tháng 5 này sẽ có buổi phẫu thuật thị phạm tại Ấn Độ, tháng 6 là chuyến đi giảng và mổ thị phạm cho các bác sĩ Thổ Nhĩ Kỳ... Tôi coi đó là những chuyến đi "gieo chữ", cũng như trước đây tôi từng được hỗ trợ để đi học phẫu thuật ở Pháp" - bác sĩ Lương chia sẻ.
Còn với PGS.TS.BS Nguyễn Hoàng Bắc - giám đốc Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM, hành trình để đưa ngành nội soi Việt Nam lên đỉnh cao mang đến cho ông nhiều cảm xúc tự hào. Từ những năm đầu thập niên 1990 Việt Nam còn phải mời các chuyên gia từ Singapore sang tập huấn mổ nội soi, nay các bác sĩ Việt hoàn toàn làm chủ được kỹ thuật và trở thành "lò" đào tạo cho các bác sĩ đến từ nhiều nước trong khu vực và thế giới.
Sở dĩ có sự "đổi chiều" này, bác sĩ Bắc cho rằng ngành nội soi Việt Nam có sự tiến bộ vượt bậc nhờ các ca mổ mang dấu ấn ở các bệnh lý vô cùng phức tạp như mổ tụy, gan, tim, não, sỏi thận, u thận, ung thư tuyến tiền liệt, bàng quang.
Đó còn là các ca phẫu thuật u nang ống mật chủ, hội chứng phình đại tràng bẩm sinh (hirschsprung) và thoát vị cơ hoành... của GS Nguyễn Thanh Liêm - nguyên giám đốc Bệnh viện Nhi trung ương.
Từ năm 2003, Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM là đơn vị đầu tiên cả nước dám đầu tư cho ra đời Trung tâm huấn luyện phẫu thuật nội soi với hệ thống nội soi mô phỏng trị giá 200.000 USD và là một trong hai nơi ở châu Á có trung tâm mổ "xác tươi" cho các bác sĩ thực hành. Đến nay, trung tâm đã giảng dạy cho hơn 1.600 phẫu thuật viên trong nước và hơn 700 phẫu thuật viên nước ngoài.
Bệnh viện Từ Dũ TP.HCM là một trong nhiều đơn vị ứng dụng mổ nội soi trong phụ khoa, bác sĩ CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi - phó giám đốc - cho biết khoảng 10 năm trở lại đây đơn vị đón nhận làn sóng bác sĩ nước ngoài như Malaysia, Indonesia, Lào, Campuchia, Myanmar, Philippines... tới học nghề.
Để được học, các bác sĩ này phải đáp ứng quy chuẩn nghiêm ngặt, đó là phải xuất trình hộ chiếu, thư giới thiệu và bắt buộc phải có giấy chứng nhận căn bản về phẫu thuật nội soi. Chi phí học khá rẻ, chỉ từ 800 - 1.000 USD với khóa học 6 - 8 tuần.
"Phương pháp của chúng tôi là cầm tay chỉ việc thông qua quan sát trực tiếp trong phòng mổ, buồng bệnh. Các kỹ thuật được đào tạo từ căn bản đến chuyên sâu như kỹ thuật vào bụng căn bản, thai ngoài tử cung, u nang buồng trứng, bóc nhân xơ, cắt tử cung... Và chỉ khoảng 3 tháng họ có thể mổ nội soi giải quyết được một số bệnh lý thai ngoài tử cung hoặc u nang buồng trứng" - bác sĩ Mỹ Nhi nói.
Theo bác sĩ Mỹ Nhi, không chỉ đào tạo ở Việt Nam, vừa rồi bệnh viện còn cử bác sĩ qua Indonesia để chuyển giao phẫu thuật bóc nhân xơ tử cung và u nang lạc nội mạc tử cung.
Từ "học nghề" đến "dạy nghề"
Khoảng 30 năm trước, nước ta chỉ phẫu thuật tim kín hẹp van hai lá, khâu ống động mạch. Từ trăn trở về số bệnh nhân tử vong do bệnh tim khá cao, cố GS.BS Dương Quang Trung (nguyên giám đốc Sở Y tế TP.HCM) tìm cách "kết nối" với giáo sư người Pháp Alain Carpentier - "cha đẻ" của những chiếc van tim sinh học, quả tim nhân tạo Carmat.
Và 50 bác sĩ đầu tiên qua Pháp học theo chương trình "dây chuyền hi vọng", bước khởi đầu cho việc tiếp cận với các kỹ thuật mổ tim hiện đại.
PGS.TS.BS Đỗ Quang Huân - giám đốc Viện Tim TP.HCM - kể rằng để vượt qua khỏi "ao làng" về mổ tim, đó là một hành trình dài mà các phẫu thuật viên, bác sĩ gây mê hồi sức, nội tim mạch và cả điều dưỡng... đều phải xách cặp qua Pháp "học nghề". Từ ca mổ tim đầu tiên có chuyên gia Pháp đứng cạnh, đến nay các bác sĩ Việt hoàn toàn làm chủ kỹ thuật, đặc biệt ở hai lĩnh vực cực khó là phẫu thuật sửa van tim hai lá và thông tim can thiệp.
"Về tim mạch can thiệp, Việt Nam làm tất cả các kỹ thuật chẩn đoán bệnh lý tim từ trong bào thai đến khi trẻ sinh ra cho đến khi lớn tuổi. Kỷ lục của Viện Tim là từng nong tim thành công cho một cụ ông gần 100 tuổi" - bác sĩ Huân nói.
Theo PGS.TS.BS Nguyễn Văn Phan - phó giám đốc Viện Tim, điểm yếu của các nước Đông Nam Á là rất khó theo dõi bệnh nhân sau khi mổ tim. Nếu thay van nhân tạo người bệnh phải uống thuốc kháng đông suốt đời, nếu quá liều hoặc ít quá rất nguy hiểm đến tính mạng.
"Sửa được van tim hai lá giúp người bệnh không phải uống thuốc kháng đông và việc họ có quay trở lại bệnh viện hay không không phải là điều quá quan trọng. Tôi ví đó như chiếc phao đảm bảo an toàn mạng sống của người bệnh ở khu vực Đông Nam Á, nơi tỉ lệ người mắc bệnh van tim hậu thấp rất cao" - bác sĩ Phan nói.
Từ phải xuất ngoại "học nghề", khoảng 12 năm nay Viện Tim trở thành "cái nôi" đào tạo phẫu thuật tim trong nước và cả quốc tế. Thay vì phải qua Pháp, ngày càng nhiều bác sĩ nước ngoài chọn qua Việt Nam để học nghề. Đến nay đơn vị đào tạo cho 270 bác sĩ đến từ khắp nơi trên thế giới gồm Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Úc, New Zealand, Đức, Ý, Sri Lanka, Bangladesh, Singapore, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines, Lào, Campuchia, Senegal, Morocco.
"Số lượng bác sĩ nước ngoài đăng ký học rất nhiều nhưng chúng tôi hạn chế, mỗi khóa chỉ đào tạo từ 6 - 8 người để đảm bảo tính hiệu quả. Ngoài việc được quan sát trực tiếp dạy mổ trên tim heo, một tuần các bác sĩ được tiếp cận với khoảng 9 ca mổ tim phức tạp. Có bao nhiêu kiến thức chúng tôi mong muốn chia sẻ hết để các bác sĩ nước ngoài có thể lĩnh hội cứu người bệnh ở nước của họ" - bác sĩ Huân chia sẻ.
Tiếng lành đồn xa, không chỉ gói gọn việc phẫu thuật, đào tạo trong nước, bác sĩ Phan cho biết bản thân ông thường được mời sang các nước có nền y khoa tiên tiến như châu Âu, Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc... trực tiếp mổ thị phạm, làm chủ tọa của rất nhiều hội thảo quốc tế về kỹ thuật sửa van tim, thông tim can thiệp.
"Khi được các nước tiên tiến về y khoa mời sang chủ tọa hội nghị hoặc để mổ tim cho họ xem đó không chỉ là vinh dự của riêng tôi, mà đó còn là niềm tự hào của dân tộc" - bác sĩ Phan xúc động nói.
Trở thành trung tâm y khoa của Đông Nam Á
Đó là ý kiến chỉ đạo ngành y tế TP.HCM của chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong tại cuộc họp triển khai kế hoạch ngành năm 2019. Với các nguồn lực hiện có như chuyên gia y tế có trình độ chuyên môn cao, cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, kỹ thuật cao đã được đầu tư..., chủ tịch UBND TP yêu cầu Sở Y tế TP cần nghiên cứu, xây dựng đề án phát triển ngành y tế TP trở thành trung tâm y khoa của khu vực Đông Nam Á. Sớm xây dựng trung tâm chẩn đoán các bệnh lý kỹ thuật cao, kiểm định y khoa kỹ thuật cao mang tầm quốc tế. Đặc biệt lưu ý khi lập dự án đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị phải thực sự hiện đại, theo tiêu chuẩn của các nước G7.
Bác sĩ Phạm Xuân Dũng - giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM - cho biết Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đang mong muốn biến bệnh viện thành trung tâm đào tạo về chăm sóc giảm nhẹ cho bệnh nhân ung thư của khu vực.
"WHO đang tiến hành khảo sát nguồn nhân lực, cơ sở vật chất mới đi đến thống nhất cuối cùng. Nếu trung tâm này đi vào hoạt động sẽ là cơ sở để cho bác sĩ Việt được đầu tư các nguồn lực đào tạo và ngược lại" - bác sĩ Dũng nói.
Ông Nguyễn Tuấn Hưng (phó vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ - Bộ Y tế):
Cần quy định về thu học phí với học viên nước ngoài
Năm 2017 tôi và một số đồng nghiệp qua Pháp học theo đề án 165 của Chính phủ. Thời gian học khoảng 15 - 20 ngày và học phí tới 2.000 - 3.000 USD.
Theo tôi, về kỹ thuật y khoa bác sĩ Việt Nam có những điểm vượt trội so với các nước cùng GDP. Do đó hiện nay có nhiều bác sĩ nước ngoài đến Việt Nam học nhưng điều bất cập là chưa có quy định về thu học phí với học viên nước ngoài như thế nào. Nếu có quy định về học phí, bệnh viện cũng nỗ lực hơn trong nâng cao uy tín để “kéo” học viên nước ngoài.
Bác sĩ CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi (phó giám đốc Bệnh viện Từ Dũ TP.HCM):
Giải quyết rào cản ngôn ngữ
Uy tín và trình độ chúng ta có. Vấn đề khó khăn lớn nhất trong đào tạo bác sĩ nước ngoài hiện nay là rào cản ngôn ngữ. Các bác sĩ nước ngoài đa phần là các chuyên gia có kinh nghiệm nên bác sĩ Việt muốn dạy ngoài giỏi chuyên môn phải giao tiếp thành thạo bằng tiếng Anh.
Mặt khác, các khóa học không chỉ cập nhật lý thuyết trong sách vở, các bác sĩ nước ngoài còn phải được tiếp cận với kỹ thuật mổ hiện đại thông qua việc quan sát ở trong phòng mổ và buồng bệnh nhiều hơn.
Hiện nay, bên cạnh việc đào tạo bác sĩ nước ngoài, bệnh viện đã thực hiện 38 khóa đào tạo nội soi phụ khoa căn bản cho rất nhiều bác sĩ và vẫn đang thực hiện sứ mệnh "xóa mù" - chuyển giao kỹ thuật cho nhiều bệnh viện cả nước.
Ông Nguyễn Ngô Quang (phó cục trưởng Cục Khoa học, công nghệ và đào tạo - Bộ Y tế):
Đã có tiếng vang và cần chuyên nghiệp hóa
Hiện nay Việt Nam đã có những kỹ thuật y khoa thực sự tiên tiến, nhiều bác sĩ Việt Nam được mời đi giảng dạy ở nước ngoài như phương pháp của GS.TS Nguyễn Thanh Liêm - nguyên giám đốc Bệnh viện Nhi trung ương, hoặc phương pháp của PGS.TS Trần Ngọc Lương - giám đốc Bệnh viện Nội tiết trung ương.
Đề án "dây rút ngược" nhằm giữ bệnh nhân ở lại các bệnh viện trong nước điều trị, đồng thời kéo bệnh nhân nước ngoài đến Việt Nam "du lịch chữa bệnh, du lịch y tế" vừa được Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến công bố. Vậy không có lý gì dịch vụ đào tạo y khoa cho bác sĩ nước ngoài lại không mau chóng chuyên nghiệp hóa.
21 năm hành trình sinh ra từ ống nghiệm
Đúng dịp này 21 năm trước (30-4-1998), ba bé sơ sinh đầu tiên ở Việt Nam cất tiếng khóc chào đời bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF). 21 năm sau ngày "lịch sử" ấy, Phạm Tường Lan Thy, Lưu Tuyết Trân và Mai Quốc Bảo đã là những cô gái, chàng trai giỏi giang, hiếu thảo.
Ngày 30-4-1998 được xem là ngày "lịch sử" bởi không chỉ mang lại niềm tin cho hàng triệu cặp vợ chồng hiếm muộn chưa có cơ hội làm cha làm mẹ, ngày này còn đánh dấu bước ngoặt lịch sử của ngành IVF ở Việt Nam và đập tan mọi hoài nghi sinh con trong ống nghiệm là quái thai lúc bấy giờ.
BS Hồ Mạnh Tường bảo rằng dự án hỗ trợ sinh sản (IVF) đầu tiên ở Việt Nam là một "chiến dịch lịch sử" của Bệnh viện Từ Dũ cả về thời gian, quy mô và số người tham dự.
Để có ngày "lịch sử" ấy là sự hi sinh thầm lặng của các thế hệ đội ngũ y bác sĩ bệnh viện, trong đó không thể không nhắc đến GS.BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng, người đặt viên gạch đầu tiên cho ngành IVF trong nước. Đó cũng là bước đi đầu tiên để có thành tựu đặc biệt cho IVF như hôm nay.
Ông Lê Quang Cường (nguyên thứ trưởng Bộ Y tế):
Cần chuẩn hóa chương trình, chuẩn hóa giảng viên, chuẩn hóa quy chế tài chính
Có một số lĩnh vực hiện nay Việt Nam khá mạnh, như tim mạch, nội soi, thụ tinh ống nghiệm. Một số bệnh viện có thế mạnh trong những lĩnh vực này đã tiến hành đào tạo khóa ngắn hạn cho học viên nước ngoài từ lâu, khi học viên nước ngoài đến Việt Nam học những lĩnh vực họ ít kinh nghiệm.
Tuy nhiên để phát triển thế mạnh này hơn nữa, tôi cho rằng cần chuẩn hóa chương trình cho các lĩnh vực VN mạnh, theo hướng xây dựng những gói đào tạo, chuẩn hóa giảng viên và chuẩn hóa về cơ chế tài chính.
Bên cạnh đó, do Việt Nam mạnh các lĩnh vực này nhưng mới mạnh ở một số chuyên gia, trình độ bác sĩ nói chung là chưa đồng đều, các gói đào tạo kể trên cũng đồng thời để hỗ trợ đào tạo thêm cho bác sĩ trong nước và qua đó thu phí. Khi đã có gói đào tạo cụ thể, chi phí rõ, các bác sĩ muốn học thêm cũng có thể lựa chọn dễ dàng, từ đó có cơ hội nâng cao tay nghề.
“Lò” đào tạo IVF
Một ngày cuối tháng 3-2019, Trung tâm đào tạo IVF của Bệnh viện Mỹ Đức (TP.HCM) đón tiếp 4 vị khách xách theo cặp lỉnh kỉnh đến từ các nước Malaysia, Indonesia, Philippines và Pakistan. Họ đều là bác sĩ, chuyên gia đầu ngành về IVF. Ít ai biết rằng để đặt chân đến Việt Nam tham gia khóa đào tạo IVF, cả 4 bác sĩ này đều phải trải qua quá trình đăng ký rồi "xếp hàng" chờ đợi gần cả năm trời.
Học viên "ưu tú" nên thầy cũng phải siêu, cứng chuyên môn và giỏi giao tiếp tiếng Anh như các bác sĩ Vương Thị Ngọc Lan, Hồ Mạnh Tường, Huỳnh Giang Như, Nguyễn Khánh Linh...
Không còn xa lạ với các kỹ thuật IVF, ấy thế khi chứng kiến bàn tay thoăn thoắt của bác sĩ Ngọc Lan thực hiện thủ thuật chọc hút trứng, các bác sĩ này không khỏi trầm trồ. Dưới bàn tay "ảo thuật" các ca chọc hút trứng chỉ tốn từ 5-10 phút nhưng vẫn rất đảm bảo độ chính xác, an toàn - điều không tưởng đối với cả 4 bác sĩ.
"Tôi không ngờ mọi thứ lại được giải quyết một cách nhanh chóng, đơn giản và hiệu quả như thế. Ở nước tôi để thực hiện được thủ thuật này các bác sĩ phải trải qua nhiều bước rất phức tạp, tốn kém nhiều về thời gian, tiền bạc" - TS.BS Yek Song Quek, chuyên gia IVF của Malaysia, nói.
Từ ca IVF đầu tiên cách đây 22 năm, bác sĩ Hồ Mạnh Tường - tổng thư ký Hội Nội tiết sinh sản và vô sinh TP.HCM, cố vấn chuyên môn của Bệnh viện Mỹ Đức - tự hào nói đến nay về quy mô và trình độ của IVF VN thuộc nhóm đi đầu thế giới. Có thể làm chủ một số kỹ thuật chuyên biệt như phác đồ kích thích buồng trứng, chuyển phôi đông lạnh, nuôi cấy phôi, quản trị chất lượng hệ thống, nghiên cứu lâm sàng...
Đến nay đơn vị tiếp nhận, đào tạo cho khoảng 150 bác sĩ đến từ các nước châu Âu, Úc, Ấn Độ, Singapore, Malaysia. Đặc biệt gần đây còn có một nhóm bác sĩ đến từ Mỹ qua học kỹ thuật IVM (một thủ thuật thụ tinh nhân tạo) và mong muốn hợp tác phát triển nghiên cứu.
Tương tự như thế, Bệnh viện Từ Dũ từ nhiều năm nay cũng trở thành điểm đến của nhiều bác sĩ Philippines, Indonesia, Malaysia... Theo bác sĩ Lê Thị Minh Châu - trưởng khoa hiếm muộn, để được đăng ký học các bác sĩ nước ngoài phải đáp ứng đủ các yêu cầu về chứng chỉ, bằng cấp và kinh nghiệm trong lĩnh vực IVF.
"Các bác sĩ này có trình độ hiểu biết IVF nên đòi hỏi việc dạy phải rất chuyên nghiệp. Cứ sau mỗi khóa học, họ đều tỏ ra rất hài lòng" - bác sĩ Châu chia sẻ.