Khi các nhà làm luật Việt Nam còn "lẽo đẽo" đi sau cuộc sống

Thời gian qua, đã có nhiều ví dụ cho thấy, các nhà làm luật đã đi quá chậm so với thực tế đời sống. Do đó, có nhiều vụ việc vi phạm pháp luật, khi xảy ra, gây hậu quả nghiêm trọng nhưng việc xử lý của cơ quan chức năng do dựa trên những quy định đã lạc hậu, thậm chí chưa có đã không khiến người dân tâm phục khẩu phục, - Dân Trí phản ánh.
Sputnik

Những vụ tai nạn giao thông gây chết người rất thương tâm trong thời gian gần đây, do người điều khiển phương tiện giao thông say rượu đã cho thấy quy định pháp luật xử lý dạng vi phạm này đã có. Nhưng có lẽ, các quy định này còn quá nhẹ, không đủ tính răn đe để cảnh tỉnh những người tham gia giao thông.

Việt Nam: Đến các Luật sư cũng hiểu sai luật!

Cụ thể, theo Nghị định 46/2016 của Chính phủ ban hành năm 2016, hướng dẫn Luật Giao thông đường bộ quy định xử phạt hành chính như sau: Phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng với người điều khiển xe ôtô trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/lít khí thở. Người vi phạm còn bị phạt bổ sung tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ một tháng đến 3 tháng.

Cũng theo Nghị định này, nếu trong máu của người điều khiển phương tiện hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/lít khí thở, người vi phạm sẽ bị phạt 16-18 triệu đồng, tước giấy phép lái xe từ 4 đến 6 tháng.

Những quy định trên có thể nói là khá nhẹ, không phù hợp với thực tế dẫn đến tình trạng coi thường pháp luật về giao thông.

Chính vì sự không hợp lý này, trong cuộc tọa đàm bàn về  các biện pháp ngăn chặn tài xế uống rượu bia gây tai nạn giao thông sáng 3/5, đại diện Bộ Giao thông Vận tải đã cho biết, Bộ này  sẽ trình Chính phủ nghị định 46 sửa đổi, dự kiến đề xuất tăng mức xử phạt cao nhất lên 20 - 30 triệu và tước giấy phép lái xe 24 tháng.

Việt Nam: 60 luật sư khắp Bắc -Trung-Nam đăng ký bào chữa miễn phí cho 1 bị cáo

Tuy nhiên, một số chuyên gia khác tại cuộc họp cho rằng, cần học tập kinh nghiệm xây dựng luật của nước ngoài, khi quy định xử lý rất nghiêm khắc với những trường hợp say rượu khi lái xe, có thể tịch thu phương tiện và tước giấy phép lái xe vĩnh viễn. Trường hợp gây tai nạn, sẽ bị khởi tố, phạt tù.

Với hàng loạt vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng do người lái xe say rượu như vụ chủ xe Mercedes tông chết 2 người phụ nữ trong đường hầm Kim Liên (Hà Nội), hay vụ lái xe đâm chết nữ công nhân vệ sinh trước đó hơn 1 tuần... mặc dù các vụ việc này, người gây tai nạn đã bị khởi tố, nhưng đa phần người dân thấy rằng, cần phải nâng mức xử lý với những người điều khiển phương tiện có sử dụng rượu bia, chứ không phải đến lúc có người say rượu, gây tai nạn nghiêm trọng mới xử lý mạnh.

Những kiến nghị sửa đổi, bổ sung những hình phạt nghiêm khắc hơn như trên, tuy muộn, nhưng cũng cần được các nhà làm luật tiếp thu, bổ sung nhanh để sớm áp dụng trên thực tế.

Hay các vụ việc về dâm ô, các hành vi ấu dâm vừa qua cũng cho thấy quy định luật pháp trong những sự việc này chưa đầy đủ và lỏng lẻo. Cụ thể như vụ việc một thanh niên có hành vi quấy rối tình dục trong thang máy  của một chung cư với một nữ sinh, người này đã thừa nhận hành vi vi phạm nhưng cũng chỉ bị phạt 200 ngàn đồng- một mức phạt khiến cộng đồng xã hội phẫn nộ, chế giễu trong nhiều tuần sau đó.

Thành thật xin lỗi Việt Nam: Hội Luật gia đề nghị Hàn Quốc điều tra hậu quả chiến tranh

Nhưng quả thực, đối chiếu với quy định thực tế hiện nay, hành vi quấy rối tình dục như vậy, chỉ bị phạt từ 100-300 ngàn đồng. Và người ta cũng đang lo ngại, hành vi ấu dâm của một vị nguyên là Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân TP Đà Nẵng cũng trong thang máy một chung cư ở TPHCM cũng chỉ bị phạt nhẹ, cho dù, hiện nay, cơ quan công an đã khởi tố hình sự với ông này.

Trước đó nữa là tại huyện Chương Mỹ, Hà Nội, Công an huyện này đã tạm giữ một thanh niên có hành vi bạo dâm với một trẻ em, gây hậu quả khá nghiêm trọng. Tuy nhiên, với những căn cứ cho rằng, đó chưa cấu thành tội hiếp dâm và chiểu theo Bộ luật Hình sự thì người vi phạm chưa đến mức phải tạm giam nên cơ quan công an huyện này đã thả thanh niên đó ra, gây phản ứng mạnh trong dư luận.

Mặc dù Công an Hà Nội đã rút vụ này lên điều tra, và kiểm điểm Công an huyện Chương Mỹ, nhưng có thực tế là một số đại biểu Quốc hội cũng đã thừa nhận, hiện nay, Bộ luật Hình sự còn thiếu quy định pháp luật để xử lý những trường hợp như vậy: Những hành vi dâm ô, gây hậu quả nghiêm trọng nhưng chưa phải là hành vi hiếp dâm. Và điều này trên thực tế đã khiến cơ quan công an lúng túng, không biết vận dụng, xử lý người vi phạm thế nào cho hợp lý.

Luật Đặc khu của Việt Nam sẽ là luật chung?

Với nhiều ví dụ như trên, có thể thấy, trong không ít trường hợp, hiện nay, quy định pháp luật ở nhiều Luật, Nghị định... vẫn còn chưa đầy đủ, hoặc đã có quy định nhưng chậm sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn. Điều đó dẫn đến việc không xử lý được hoặc xử lý không đến nơi, đến chốn, không đủ sức răn đe với nhiều hành vi vi phạm pháp luật trên thực tế, gây nên những hậu quả nghiêm trọng.

Cho nên, các nhà làm luật cần phải bám sát với thực tế đời sống hơn nữa, sớm xây dựng những quy định, chính sách phù hợp, thậm chí phải đi trước thực tế để cơ quan hành pháp có đầy đủ quy định, hành lang pháp luật để vận dụng, triển khai, đáp ứng nhu cầu của cuộc sống, của người dân.

Thảo luận