Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: "Chúng ta lên án những hành vi phi đạo đức, kém văn hóa"

Theo VOV.VN - "Chúng ta nói là kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chứ không phải xã hội thị trường. Chúng ta lên án những việc phi đạo đức, kém văn hóa"
Sputnik

Sáng 10/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hải Phòng tiếp xúc cử tri tại huyện Kiến Thụy (Hải Phòng) trước kỳ họp thứ 7 của Quốc hội khóa XIV.

Trực tiếp trao đổi với cử tri về các vấn đề quan tâm, trong đó có tình trạng một bộ phận trong xã hội có lối sống, ứng xử lệc lạc, thiếu văn hóa, Thủ tướng cho biết, Đảng, Nhà nước đã thấy được những tồn tại này trong quản lý Nhà nước và tiếp tục có những giải pháp xử lý, đồng thời yêu cầu các cấp chính quyền cần coi trọng giữ gìn văn hóa ở từng địa phương chứ không chỉ phát triển kinh tế.

Tại cuộc tiếp xúc, bà Nguyễn Thị Nghĩa, Phó Bí thư Thường trực, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hải Phòng đã thông báo đến cử tri nội dung kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV.  

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc muốn Việt Nam phải thành nước công nghiệp thịnh vượng vào 2045

Tiếp sau đó, các cử tri phát biểu về các vấn đề quan tâm, trong đó đánh giá cao tình hình kinh tế xã hội đất nước và Thành phố Hải Phòng thời gian qua, đồng thời đặt vấn đề về giải pháp hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội năm 2019, vấn đề phát triển doanh nghiệp công nghệ của đất nước và Hải Phòng, vấn đề thực hiện Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Thành phố Hải Phòng; vấn đề thực hiện tinh giản bộ máy cán bộ, vấn đề ứng xử thiếu văn hóa của một bộ phận người dân...

Qua ý kiến của các cử tri, Thủ tướng đánh giá cao các cử tri Hải Phòng đều thể hiện lòng yêu nước, có trách nhiệm với đất nước, hiểu rõ các vấn đề của đất nước và Thành phố Hải Phòng. Thủ tướng thông báo với các cử tri Hải Phòng về tình hình đất nước thời gian qua với thành công trên nhiều lĩnh vực, mang lại niềm tin lớn với nhân dân.  

Đối với Hải Phòng, Thủ tướng đánh giá, Thành phố đã phát triển tích cực thời gian qua. Năm ngoái tăng trưởng kinh tế của Thành phố đạt trên 16%, là một trong những địa phương tăng trưởng cao nhất cả nước; quy mô nền kinh tế tăng nhanh, thu ngân sách đạt mức cao; thu nội địa đạt 24 nghìn tỷ đồng, cao hơn cả mục tiêu đạt 20 nghìn tỷ đồng vào năm 2020 mà Thành phố đề ra.

Với xu thế phát triển của Thành phố, Thủ tướng cho rằng, Hải Phòng có thể đạt thu nội địa gần 30 nghìn tỷ, thuộc nhóm địa phương thu ngân sách cao nhất cả nước.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Tăng giá điện gây tâm tư trong dân, cần thiết phải báo cáo lại

Thủ tướng cho rằng, sắp tới, khi nhà máy sản xuất ô tô tại Hải Phòng được khánh thành sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội địa phương, đất nước, phục vụ trong nước và xuất khẩu.

Với huyện Kiến Thụy, Thủ tướng cho biết, đây là vùng đất địa linh, nhân kiệt không chỉ của Hải Phòng mà là cả nước, có truyền thống lịch sử dựng nước và giữ nước. Đây cũng là nơi phát kiến để làm cơ sở xây dựng Nghị quyết 10 (khoán 10)  trong nông nghiệp.

Đánh giá cao huyện Kiến Thụy đã nỗ lực trong phát triển kinh tế xã hội thời gian qua, Thủ tướng nhấn mạnh những ưu điểm huyện Kiến Thụy cần phát huy. Đó là lao động rất dồi dào phải được chuyển đổi nghề nghiệp từ nông nghiệp sang nông nghiệp bằng cách cơ giới hóa, nâng cao tay nghề, năng suất lao động cao hơn.

Thứ hai là phải sử dụng đất đai có hiệu quả hơn. Phát triển du lịch sinh thái nghỉ dưỡng và các dịch vụ khác; phát triển hệ thống đường bộ, đường sông, đường biển. Đường ven biển sẽ qua huyện Kiến Thụy thì huyện cần đón bắt thời cơ đó để phát triển triển theo hướng được công nhận là huyện nông thôn mới thời gian tới. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Quan điểm của các quốc gia dù lớn dù nhỏ đều phải được tôn trọng

Về các ý kiến, đề xuất của cử tri đối với Đoàn đại biểu Quốc hội, Thủ tướng cho biết đoàn ghi nhận để phản ánh có trách nhiệm tại kỳ họp Quốc hội. Trả lời câu hỏi của cử tri về việc hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội đất nước năm nay, Thủ tướng cho biết, Chính phủ đang nỗ lực chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp để hoàn thành toàn diện các mục tiêu, trong đó tăng trưởng từ 6,6 đến 6,8%.

Cho biết áp lực tăng giá dầu thế giới tác động đến giá xăng trong nước và vừa qua giá điện tăng, nhưng Chính phủ cam kết kiểm soát lạm phát ở mức dưới 4% như Nghị quyết của Quốc hội đề ra để không ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân. 

Cử tri Nguyễn Văn Thơm bày tỏ vui mừng và đánh giá cao việc đầu năm nay, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 45- NQ/TW về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn 2045, đồng thời đề nghị có Nghị quyết, tạo điều kiện giúp đỡ Thành phố Hải Phòng thực hiện tốt Nghị quyết 45. Trước mắt là các dự án có tầm chiến lược như cơ sở hạ tầng chiến lược kết nối miền vùng, đường cao tốc ven biển, đường sắt tốc độ cao từ Lào Cai – Lạng Sơn - Hà Nội -Hải Phòng, nếu thành công, chắc chắn, Hải Phòng sẽ mở ra hướng mới với nền kinh tế năng động.

Trao đổi về vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng tình việc cần thiết có văn bản của Nhà nước để thực hiện Nghị quyết 45. Sau khi Nghị quyết 45, Thủ tướng đã giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ chuẩn bị một văn bản về cơ chế, chính sách, chương trình hành động thực hiện Nghị quyết này, làm cơ sở thực hiện Nghị quyết.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu hoàn thành dự án metro số 1 cuối năm 2020

"Chậm nhất trong tháng 6 sẽ ban hành một văn bản cần thiết" - Thủ tướng cho biết.

Cử tri Nguyễn Thị Hà thì quan tâm đến vấn đề thúc đẩy vai trò của các HTX tại Hải Phòng, bởi nhiều hợp tác xã hoạt động chưa hiệu quả: “Đề nghị Thủ tướng xem xét trong thời gian tới có chính sách đào tạo, nâng cao năng lực quản lý, điều hành hợp tác xã, hỗ trợ khoa học kỹ thuật, nhất là định hướng đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp trên thị trường; đồng thời, cần qua tâm đến chế độ, chính sách cho cán bộ hợp tác xã để hợp tác xã hoạt động có hiệu quả cao  đáp ứng yêu cầu và Luật hợp tác xã đi vào đời sống”.

Về vấn đề này Thủ tướng cho biết, chúng ta phát triển nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cho nên các thành phần kinh tế được phát triển mạnh mẽ, đa dạng, cả kinh tế nhà nước, tư nhân, hợp tác xã, kinh tế hộ...

Chính vì thế, các cấp, ngành tiếp tục tổ chức thực hiện tốt Luật Hợp tác xã, trong đó có chính sách giúp hợp tác xã hoạt động thuận lợi hơn về thuế, lệ phí, thuê đất, vốn tín dụng. Yêu cầu hợp tác xã kiểu mới tiếp tục chuyển đổi mạnh mẽ hơn để phục vụ các dịch vụ cho kinh tế hộ và vấn đề khác để hợp tác xã đóng vai trò ngày càng tốt hơn, nhất là ở khu vực nông thôn.  

Cử tri Phạm Văn Thơm thì đặt vấn đề về minh bạch trong xây dựng các văn bản pháp luật, tránh lợi ích nhóm khi thời gian qua, còn một số bộ ngành chưa gắn lợi ích chung, vẫn còn tình trạng lợi ích cục bộ trong xây dựng văn bản, quy định, một số nội dung cải cách chưa quyết liệt, chưa đồng bộ; thủ tục hành chính một số lĩnh vực còn rườm rà, gây khó khăn trong nhân dân.

"Đề nghị Thủ tướng tiếp tục chỉ đạo quyết liệt hơn nữa và có các giải pháp toàn diện, đồng bộ đẩy mạnh cải cách hành chính, đặc biệt là việc thực hiện có hiệu quả phương châm 12 chữ: “Kỷ cương – Liêm chính – Hành động – Sáng tạo- Bứt phá – Hiệu quả của Chính phủ” - cử tri Thơm kiến nghị.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, xây dựng pháp luật phải sát với thực tiễn, sát quy luật của sự phát triển; không để pháp luật vênh lớn đối với đời sống xã hội, ảnh hưởng đến sự phát triển.

“Tôi hoàn toàn nhất trí ý là phải chống lợi ích nhóm trong xây dựng pháp luật. Pháp luật phải phục vụ người dân và sự phát triển, quản lý xã hội tốt hơn. Điều này phải được các cấp, ngành, Quốc hội giám sát, thông qua chặt chẽ hơn. Từ khi Chính phủ nhiệm kỳ mới, chúng tôi đã đề cao công tác xã hội pháp luật, coi hoàn thiện thể chế là một nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng của Chính phủ, cho nên tất cả các phiên họp Chính phủ đều dành nhiều thời gian thảo luận các cơ chế, thể chế, chính sách pháp luật”- Thủ tướng nói.

Đối với vấn đề cử tri nêu ra về việc một bộ phận trong xã hội có lối sống, ứng xử lệch lạc, thiếu văn hóa, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Đảng, Nhà nước đã thấy được những tồn tại này trong quản lý xã hội và tiếp tục có những giải pháp tốt hơn.

“Chúng ta nói là kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chứ không phải xã hội thị trường. Chúng ta lên án những việc phi đạo đức, kém văn hóa ở một số lĩnh vực, một số biểu hiện đã phát hiện. Các cơ quan chức năng, đảng bộ, các cấp chính quyền cần coi trọng lãnh đạo, giữ gìn văn hóa ở từng địa phương chứ không chỉ phát triển kinh tế, để cuộc sống nhân dân ta ấm no, hạnh phúc thực sự cả vật vất và tinh thần. Đây là những góp ý quan trọng để góp phần giữ lại “hồn thiêng sông núi”, văn hóa của người Việt luôn được giữ gìn”.

Tại buổi tiếp xúc, Thủ tướng cũng đã trao đổi với cử tri về cơ chế, chính sách hỗ trợ khởi nghiệp, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, nhất là khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong thanh niên, trong các trường đại học./.

Thảo luận