Việt Nam "đề xuất huy động lực lượng vũ trang chống dịch tả lợn châu Phi"

Lãnh đạo ngành nông nghiệp cho rằng, nếu không ngăn chặn tốt dịch tả lợn châu Phi, hậu quả sẽ "vô cùng tàn khốc", VnExpress cho biết.
Sputnik

Sáng 13/5, phát biểu tại hội nghị trực tuyến phòng chống dịch tả lợn châu Phi, thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho hay, đến ngày 12/5, số lợn bệnh buộc phải tiêu huỷ đã lên tới hơn 1,2 triệu con (chiếm khoảng hơn 4% tổng đàn lợn của cả nước).

Thái Nguyên: Kiểm soát dịch tả lợn đi cùng với điều tiết thị trường

"Hôm qua tôi đi kiểm tra điểm giáp ranh giữa huyện Hiệp Hoà (Bắc Giang) và huyện Phú Bình (Thái Nguyên), thấy xác lợn chết trôi từ kênh mương trên địa bàn Thái Nguyên về phía Bắc Giang. Điều đó cho thấy một số địa phương chưa làm tốt công tác chống dịch", ông Tiến nói.

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, nếu không ngăn chặn tốt, dịch sẽ phát triển theo ba hướng: Tái xuất hiện ổ dịch mới ở nơi đã khống chế được; lan rộng sang các vùng chưa bị; phát sinh dịch ở những đàn lợn lớn.

Ông Cường nói, trường hợp kịch bản trên xảy ra sẽ "vô cùng thảm khốc", gây thiệt hại không chỉ về kinh tế mà còn đe doạ một ngành hàng lớn, thậm chí liên quan đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI).

"Thủ tướng đã nói là dập dịch như đánh giặc, nếu nơi nào để dịch tả lợn châu Phi lây lan trên diện rộng mà không phòng, chống chủ động, kịp thời thì người đứng đầu tỉnh phải chịu trách nhiệm. Đây là bệnh vô cùng nguy hiểm, không thể cho phép nguồn dịch bệnh lây lan ra môi trường trên diện rộng. Để công tác tiêu huỷ đảm bảo đúng kỹ thuật thì quân đội, công an phải là lực lượng nòng cốt, vì tính kỷ luật cao", Bộ trưởng Cường đề nghị.

FAO khuyến nghị Việt Nam ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch tả lợn?
Cho rằng vừa rồi có một số chỗ kiểm soát còn lơi lỏng, như ở sông Cầu, lợn chết trôi xuống Bắc Giang, Bắc Ninh, ông Cường nhấn mạnh, "lơi lỏng sẽ rất nguy hiểm, chúng tôi đã đề xuất Chính phủ đưa lực lượng vũ trang vào kiểm tra tình hình chống dịch".

Về tình hình địa phương, ông Nguyễn Văn Sửu - Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội cho hay, thành phố có đàn lợn lớn thứ hai cả nước (1,9 triệu con) nên đã chủ động các giải pháp ứng phó dịch nhưng nhiều quận, huyện vẫn có lợn mắc bệnh. Thành phố đã tiêu huỷ hơn 100.000 con lợn với kinh phí đền bù khoảng 200 tỷ đồng. 

Lãnh đạo Hà Nội đề xuất tăng mức hỗ trợ cán bộ tham gia chống dịch vì theo quy định hiện nay chỉ được 100.000 đồng mỗi ngày; trong khi lao động tự do thu nhập 250.000 đến 300.000 đồng mỗi ngày.

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Phạm Văn Xuyên, tỉnh này có số lợn bệnh phải tiêu huỷ lớn nhất nước với 300.000 con (gần 15.000 tấn). Số tiền dự kiến hỗ trợ người chăn nuôi là 470 tỷ đồng, trong khi ngân sách dự phòng chỉ trên 100 tỷ đồng nên tỉnh đề nghị Trung ương sớm cân đối ngân sách hỗ trợ.

Dịch tả lợn châu Phi lan ra 7 tỉnh

Không nêu số tiền thiệt hại, nhưng ông Nguyễn Đức Quyền, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết tỉnh đã tạm thời ứng trước tiền ngân sách để hỗ trợ người dân với số lợn phải tiêu huỷ hơn 5.400 con.

Tại Đồng Nai, địa phương có tổng đàn lợn lớn nhất nước với khoảng 2,5 triệu con, ngày 24/4, lực lượng chức năng đã phát hiện ổ dịch tại huyện Trảng Bom.

"Đến nay trên địa bàn tỉnh đã có 5 xã của 3 huyện phát sinh dịch, lượng heo phải tiêu huỷ trên 800 con", Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Chánh thông tin.

Ông Lê Thanh Liêm, Phó chủ tịch UBND TP HCM cho biết, sau khi dịch xuất hiện ở Đồng Nai, thành phố đã tăng tần suất hoạt động của các đoàn kiểm tra liên ngành; lập thêm 3 chốt ở vùng giáp ranh Bình Dương, Đồng Nai và một số đầu mối giao thông. Sở Công Thương thành phố đã làm việc với Long An, Đồng Nai để thống nhất không nhập heo từ vùng dịch, đồng thời ghi rõ thông tin hộ chăn nuôi được bán vào thành phố.

Bệnh dịch tả lợn châu Phi xuất hiện tại VN
Thứ trưởng Công Thương Đặng Hoàng An cho rằng, Việt Nam là nước có tổng đàn lợn đứng thứ 7 thế giới, sản lượng thịt lợn thứ 6 thế giới và ngành chăn nuôi đóng góp 5% GDP nên nếu dịch còn kéo dài, số lượng lợn tiêu huỷ tăng cao thì cần thiết kế lại khâu phòng chống dịch sao cho "vừa phòng chống, vừa phát triển". Ông cũng cho hay, Bộ đã yêu cầu các Sở Công Thương kiểm soát giá, cung, cầu thịt lợn.

Kết luận cuộc họp, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng nêu rõ, từ thực tế diễn biến cho thấy dịch tả lợn châu Phi đang rất nghiêm trọng, các biện pháp phòng chống chưa hiệu quả, bố trí kinh phí còn chậm. Ông cho rằng việc hỗ trợ người dân chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra, nên chưa khuyến khích người dân tích cực phòng chống dịch.

Việt Nam "đề xuất huy động lực lượng vũ trang chống dịch tả lợn châu Phi"

Trước thông tin về tình trạng xác lợn chết trôi trên kênh hay có địa phương không còn chỗ chôn lợn bệnh, Phó thủ tướng yêu cầu các tỉnh, thành kiểm tra và xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân để xảy ra tình trạng này.

"Bộ Công Thương chủ trì xây dựng cơ chế hỗ trợ và tổ chức thực hiện việc thu mua, giết mổ lợn ngay khi đến lứa, giảm nguy cơ mắc bệnh và cấp trữ đông, cân đối nguồn thịt lợn các tháng cuối năm. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các địa phương, doanh nghiệp, người dân quyết liệt hơn nữa trong phòng, chống dịch", Phó thủ tướng nói.

Sa Pa: Thịt lợn nổi hạch, tồn dư kháng sinh vẫn được lăn dấu kiểm dịch thú y

Bệnh dịch tả lợn Châu Phi lần đầu tiên xuất hiện tại Kenya vào năm 1921, từ đó đến nay bệnh đã xuất hiện tại nhiều nước châu Phi, châu Âu, châu Á và châu Mỹ. Theo Tổ chức Thú y thế giới (OIE), từ năm 1996 - 2019, bệnh đã xảy ra tại hơn 60 quốc gia và đến nay, chưa có quốc gia nào được OIE công nhận an toàn đối với bệnh dịch tả lợn châu Phi. 

Ổ dịch tại Việt Nam được phát hiện ngày 1/2 tại Hưng Yên, sau đó lan nhanh ra các tỉnh, thành. Tính đến ngày 12/5, dịch đang xảy ra tại gần 2.300 xã của hơn 200 huyện tại 29 tỉnh, thành phố. 

Thảo luận