Tiềm năng Việt Nam trở thành công xưởng thế giới
Tại Hội nghị đầu tư Invest Asia 2019 do Ngân hàng Maybank (Malaysia) tổ chức cuối tuần qua tại Singapore, các chuyên gia và nhà đầu tư liên tục nhấn mạnh khả năng Việt Nam trở thành công xưởng mới của thế giới, đặc biệt trong bối cảnh xung đột thương mại Mỹ - Trung Quốc tiếp tục diễn biến phức tạp.
Nghiên cứu gần đây của Maybank cho thấy, ít nhất 20% doanh nghiệp tại Trung Quốc đang dịch chuyển nhà máy sang Việt Nam và dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam trong quý I/2019 đã tăng đến 86% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu chảy vào ngành sản xuất. Lợi thế của Việt Nam, so với các quốc gia ASEAN khác, là dân số trẻ và đông, giá nhân công rẻ, hạ tầng cải thiện và vị trí đắc địa. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, Việt Nam chỉ có thể tận dụng được các lợi thế này trong lâu dài nếu doanh nghiệp Việt tập trung vào phát triển bền vững. Đây là điều kiện tiên quyết để doanh nghiệp trong nước tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, thu hút vốn đầu tư có chất lượng từ nước ngoài và giữ chân người tiêu dùng.
“Không thể phủ nhận tiềm năng của Việt Nam trong việc trở thành công xưởng của thế giới, khi nhiều doanh nghiệp sản xuất đang rời khỏi Trung Quốc. Điều quan trọng là, để tận dụng được lợi thế này trong lâu dài, Việt Nam cần tránh lặp lại bài học của Trung Quốc - phát triển kinh tế mạnh mẽ nhờ sản xuất, nhưng lại trả giá đắt về môi trường”, ông Nicolas de Loisy, Giám đốc Công ty tư vấn SCMO từ Hồng Kông cho biết.
Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), mỗi năm có ít nhất 1 triệu người Trung Quốc chết vì các bệnh liên quan đến ô nhiễm môi trường.
Cùng quan điểm với ông Nicolas, bà Melissa Kang, Giám đốc Quỹ đầu tư Jupiter Impact Partners cho biết, doanh nghiệp Việt còn chịu áp lực phải phát triển bền vững từ người tiêu dùng trong nước. Theo bà Melissa, các vụ scandal về môi trường gần đây, như thực phẩm bẩn hoặc ô nhiễm nguồn nước, đã khiến người tiêu dùng Việt lo ngại về chất lượng của hàng Việt. Theo báo cáo công bố trong tháng 3/2019 của Oxfam, có đến 81% người tiêu dùng Việt sẵn sàng tẩy chay hàng hóa nếu doanh nghiệp vi phạm đạo đức kinh doanh, trong đó có các tiêu chí bảo vệ môi trường.
Đầu tư theo tiêu chí ESG
Tại Hội nghị Invest Asia 2019, các nhà đầu tư cũng nhấn mạnh vai trò của ngành tài chính trong việc thúc đẩy doanh nghiệp Việt phát triển bền vững. Nỗ lực cần đến từ nhiều phía, bao gồm nhà đầu tư, các tổ chức tài chính như ngân hàng và cả cơ quan quản lý, với thông điệp chủ đạo là nếu không phát triển bền vững, doanh nghiệp Việt sẽ khó gọi vốn từ quỹ đầu tư nước ngoài, vay ngân hàng hoặc niêm yết trên sàn chứng khoán.
“Khi gặp doanh nghiệp, chúng tôi thường bỏ qua các bản báo cáo bóng bẩy, trình bày đẹp đẽ. Điều chúng tôi quan tâm là gặp gỡ lãnh đạo doanh nghiệp, kiểm tra xem ban lãnh đạo có thực sự gắn việc phát triển công ty đi kèm với các tiêu chí bền vững hay không. Phát triển bền vững cần bắt đầu từ chính ban giám đốc”, ông Munib Madni, Giám đốc Quỹ đầu tư Panarchy Partners nhấn mạnh.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Munib cho biết, ngày càng nhiều quỹ đầu tư lớn trên thế giới áp dụng các tiêu chí môi trường, xã hội và quản trị (viết tắt là ESG) khi cân nhắc bỏ vốn vào doanh nghiệp.
Theo ông Rajiv Vijendran, Giám đốc Ngân hàng Maybank Kim Eng, nhiều doanh nghiệp Việt trên sàn chứng khoán vẫn chưa đáp ứng được tiêu chuẩn ESG quốc tế, nên phần nào gây khó khăn cho quỹ ngoại khi rót vốn vào Việt Nam. Đây là tình trạng chung của các thị trường mới nổi.
“Đầu tư bền vững là xu hướng của thế giới và doanh nghiệp Việt không thể nằm ngoài xu hướng này nếu muốn thu hút dòng vốn chất lượng từ nước ngoài”, ông Rajiv nhấn mạnh.
Trong một chia sẻ gần đây với phóng viên Báo Đầu tư, lãnh đạo Dragon Capital cho biết nhiều khoản đầu tư trước kia của quỹ không thành công là do các vấn đề về môi trường, xã hội và quản trị, chứ không phải vì kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Vì vậy, Dragon Capital đã xây dựng bộ nguyên tắc đầu tư ESG và từ chối rót vốn vào các doanh nghiệp không đạt tiêu chí này.
Bà Melissa Kang cho rằng, các doanh nghiệp mới và doanh nhân trẻ sẽ dễ tiếp nhận các tiêu chí ESG hơn so với các doanh nghiệp lớn trên sàn chứng khoán. Vì vậy, theo bà Melissa, Việt Nam có thể khuyến khích doanh nghiệp nhỏ và vừa, cùng cộng đồng start-up, gắn các chỉ tiêu phát triển bền vững vào kế hoạch phát triển kinh doanh của mình.
Báo cáo Khảo sát ESG toàn cầu năm 2019 (ESG Global Survey 2019) công bố trong tháng 4/2019 cho thấy, 25% quỹ đầu tư châu Âu và 20% quỹ tại châu Á đã áp dụng các tiêu chí môi trường, xã hội và quản trị (ESG) trong ít nhất một nửa danh mục đầu tư của mình. Các quỹ châu Á tin rằng, các doanh nghiệp chú trọng phát triển bền vững sẽ có tiềm năng tăng trưởng tốt hơn trong 5 năm tới.