Có lẽ là thông tin rằng ở đất nước Đông Nam Á này là điểm đến du lịch thú vị, có thể thoải mái mua sắm hàng giá rẻ và rằng người Việt Nam đã chiến đấu anh dũng thành công chống ngoại xâm Pháp, Mỹ và Trung Quốc trong thế kỷ 20? Thế nhưng nền văn hóa cổ xưa của Việt Nam là vùng hoàn toàn trắng gần như chưa hề biết tới đối với công chúng Nga. Triển lãm “Kho báu của sông Hồng. Bộ sưu tập khảo cổ từ các Bảo tàng Việt Nam” khai trương chiều tối 18 tháng 5 tại cơ sở Bảo tàng lớn nhất nổi tiếng thế giới của Nga là Viện Bảo tàng Hermitage ở Saint-Peterburg sẽ giúp khắc phục thiếu sót này.
Triển lãm bố trí ở tầng một của tòa nhà Hermitage lộng lẫy vốn là Cung điện Mùa đông của các Sa hoàng Nga, bên cạnh khu trưng bày Ai Cập, từ đó du khách bắt đầu làm quen với bộ sưu tập khổng lồ của Viện Bảo tàng chính của nước Nga. Trong khuôn viên nội thất trang hoàng màu đỏ-đen với dàn ánh sáng được chiếu chuyên nghiệp, có 299 hiện vật mang từ Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam và Bảo tàng Hải Phòng sang Nga.
Đó là những cổ vật độc đáo của bốn nền văn hóa cổ đại Bắc, Trung và Nam Việt Nam: Đông Sơn, Sa Huỳnh, Đồng Nai và Óc Eo với chiều dài niên đại từ thế kỷ VI trc.CN đến thế kỷ III.
Những cỗ trống đồng Đông Sơn lừng danh, trong đó có cả chiếc trống đồng lớn nhất tìm được trên lãnh thổ Việt Nam là trống Sao Vàng, vũ khí và đồ tùy táng, nông ngư cụ và vật gia dụng, bát đĩa và đồ trang sức của phụ nữ chế tác từ đồng, đá, gốm sứ, khảm ngọc quý.
"Triển lãm tạo ấn tượng rất mạnh. Nội dung trưng bày được chuẩn bị chu đáo có hình thức tốt cả về mặt khoa học và nghệ thuật. Có cảm tưởng rằng cỗ máy thời gian vô hình đưa ta ngược về khung cảnh 2,5 nghìn năm trước trên lãnh thổ ngày nay của Việt Nam và cho ta có dịp làm quen với cách sinh hoạt của cộng đồng cư dân ở thời điểm xa xưa đó", - GS-TSKH Vladimir Kolotov Trưởng Bộ môn Lịch sử Viễn Đông, GĐ Viện Hồ Chí Minh thuộc ĐHTH Quốc gia Saint-Peterburg nói.
"Triển lãm khơi dậy mối quan tâm lớn, tại buổi khai mạc đã thu hút số lượng người dự đông đảo gồm các đại diện cộng đồng khoa học và văn hóa của thành phố thủ đô phương Bắc Nga, các sinh viên, nhiều đại diện cộng đồng người Việt ở Saint-Peterburg. Sau đó, có thêm các du khách Việt Nam và những khách tham quan Hermitage đơn thuần cũng ghé vào và chăm chú xem kỹ. Tôi cho rằng đây là sự kiện khoa học và văn hóa nổi bật đầy ý nghĩa. Mỗi năm Viện Bảo tàng Hermitage đón tiếp khoảng 5 triệu người đến thăm. “Triển lãm Việt Nam” sẽ kéo dài 4 tháng, cho đến ngày 22 tháng 9. Thời gian mùa hè là đỉnh cao mùa du lịch ở Saint-Peterburg, có nghĩa là hàng triệu người Nga và khách du lịch nước ngoài được thấy phần trưng bày này và chắc là không ai bỏ qua mà sẽ ghé xem. Công dân và các vị khách của thành phố chúng tôi nên biết: Việt Nam, đất nước mà LB Nga duy trì quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, là một quốc gia có nền văn hóa cổ xưa đặc sắc, và mỗi người đều có dịp nhìn thấy những hiện vật lịch sử-văn hóa đó tại cuộc triển lãm lớn do các nhóm chuyên gia của Hermitage và Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam chuẩn bị công phu”, - ông Kolotov nhận định.
Cá nhân GS-TSKH Vladimir Kolotov và Viện Hồ Chí Minh có liên quan trực tiếp đến việc tổ chức sự kiện này.
“Viện Hồ Chí Minh là đề án chung đồ sộ của ĐHTH Quốc gia Saint-Peterburg và Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, đã hiện hữu 9 năm nay và làm việc với nhiều dự án trong các lĩnh vực khác nhau”, - GS Kolotov cho biết.
“Ba năm trước trong một hội thảo khoa học, chúng tôi cùng với Phó GĐ Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đã gặp Viện sĩ Boris Piotrovsky, Trưởng khoa Phương Đông của ĐHTH Quốc gia Saint-Peterburg đồng thời là Giám đốc Viện Bảo tàng Hermitage. Trong cuộc mạn đàm mới rõ là hóa ra trong Hermitage vắng bóng các hiện vật văn hóa Việt Nam, từ đó đi tới quyết định là Học viện Hồ Chí Minh sẽ chuyển tới Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam đề nghị tổ chức cuộc triển lãm chuyên đề về văn hóa cổ đại của Việt Nam tại Hermitage. Đã quyết định sau 3 năm nữa sẽ mở triển lãm, trước thềm kỷ niệm sinh nhật lãnh tụ Việt Nam Hồ Chí Minh. Hồi đó, còn chưa ai nói gì đến chuyện tiến hành giao lưu chéo - Năm Nga ở Việt Nam và Năm Việt Nam ở Nga, nhưng chúng tôi rất vui mừng là Triển lãm này đã trở thành một trong những sự kiện trung tâm trong thành phần văn hóa của Năm giao lưu chéo."
"Ba năm qua làm việc khá căng thẳng, ví dụ, suốt dịp nghỉ hè tôi đã ngồi dịch toàn bộ danh mục và thuyết minh triển lãm từ tiếng Việt sang tiếng Nga. Một trong những điểm phức tạp nhất là lựa chọn bộ triển lãm từ hàng nghìn hiện vật của văn hóa Đông Sơn đã được tìm thấy trên lãnh thổ Việt Nam. Nhưng nỗ lực của tất cả những người tham gia tổ chức triển lãm, theo tôi, đã mang lại kết quả xuất sắc. Các bạn Việt Nam đánh giá cao cả thiết kế hình thức triển lãm và những công nghệ bảo tàng tiên tiến đang là đỉnh cao ở Hermitage, không ngẫu nhiên mà năm 2016 cơ sở này được công nhận là Viện Bảo tàng tốt nhất của Cựu Thế giới. Đối với các sinh viên nghiên cứu phương Đông, với cộng đồng khoa học và bảo tàng học của Saint-Peterburg nói riêng và Nga nói chung, triển lãm này chắc chắn rất hữu ích về mặt chuyên môn. Còn đối với các vị khách tham quan bình thường, tôi những muốn ví tác dụng của triển lãm với hiệu ứng của bom tấn, bởi cho biết rất nhiều kiến thức về lịch sử văn hóa cổ xưa và phong phú của đất nước Việt Nam, mà lớp người Nga thông thường hầu như không biết gì”.
Trong số những vị khách đầu tiên thăm Triển lãm chuyên đề trong Viện Bảo tàng lừng danh sẽ có Thủ tướng nước CHXHCN Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và các thành viên phái đoàn quy mô từ Việt Nam thăm Nga nay mai, cũng như những người tham dự Diễn đàn Doanh nghiệp Nga-Việt được tổ chức tại thành phố bên sông Neva.