Kiểm toán nhà nước: 15 dự án BOT và BT có sai phạm

Đó là thông tin được Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc báo cáo trước Quốc hội chiều nay, 20-5. Trong số đó có 8 dự án đầu tư theo hình thức BOT (Xây dựng-Vận hành-Chuyển giao), và 7 dự án đầu tư theo hình thức BT (xây dựng – chuyển giao), báo Pháp luật TP.HCM cho biết.
Sputnik

Trình bày báo cáo kết quả kiểm toán năm 2018, Tổng kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc cho hay qua tổng hợp kết quả kiểm toán của 256 báo cáo kiểm toán trong năm 2018 đối với niên độ ngân sách năm 2017, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 92.499 tỉ đồng, trong đó tăng thu 19.858 tỉ đồng, giảm chi NSNN 23.722 tỉ đồng. 

Việt Nam: Xử lý trách nhiệm vụ sai phạm hơn 2.172 tỷ ở 6 dự án BOT, BT

Đặc biệt chuyển 5 vụ việc sang Cơ quan Cảnh sát điều tra kiến nghị điều tra làm rõ để xử lý về hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự, đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can 2 vụ. Đồng thời kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ, thay thế 160 văn bản không phù hợp với quy định pháp luật hoặc chưa phù hợp với thực tiễn nhằm bịt lỗ hổng về cơ chế, tránh thất thoát, lãng phí...

Đáng chú ý, theo KTNN, hiệu quả sử dụng các dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi chưa tương xứng với nguồn lực đầu tư, chất lượng công trình chưa cao, công nghệ chưa thực sự tiên tiến. Kết quả kiểm toán 9 chương trình, 23 dự án, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 21.725 tỷ đồng.

Ông Phớc cũng cho biết kết quả kiểm toán cho thấy các dự án đầu tư theo hình thức BT, BOT có vấn đề. Cụ thể, qua kiểm toán 7 dự án BT cho thấy việc giao đất chỉ định cho nhà đầu tư là trái với quy định của Luật Đất đai.

"Tôi nghi ngờ tính minh bạch của các trạm thu phí BOT"
Việc tạm tính tiền sử dụng đất để xác định giá trị đối ứng khi giao đất cho dự án BT tại thời điểm thực hiện dự án BT, đồng thời xác định giá đất theo phương pháp thặng dư cho phép tính chi phí dự phòng trong chi phí phát triển còn bất hợp lý, không sát hoặc phụ thuộc yếu tố chủ quan dẫn đến giá đất thấp, không sát giá thị trường làm thất thoát lớn tài sản, NSNN.

Bên cạnh đó, các dự án BT thực chất là sử dụng nguồn lực NSNN thuộc nhiệm vụ chi ngân sách của các cấp chính quyền nhưng không quy định phải là dự án cần thiết, thực sự cấp bách là chưa phù hợp với các quy định hiện hành; hầu hết các dự án chỉ định thầu làm giảm tính cạnh tranh; thiết kế dự toán không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt; các dự án BT thực hiện chủ yếu bằng vốn vay làm tăng chi phí đầu tư dự án, tiềm ẩn nhiều rủi ro trong quá trình thực hiện.

”Đây là lỗ hổng lớn nhất làm thất thoát tài sản, NSNN. Kết quả kiểm toán đã kiến nghị xử lý tài chính 2.938 tỷ đồng, trong đó có dự án tỷ lệ xử lý tài chính lên đến 29% giá trị được kiểm toán (Năm 2017 trở về trước, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 4.515 tỷ đồng tại 30 dự án)” – ông Phớc nhấn mạnh.

Gian lận thu phí BOT giao thông: "Ăn" tiền của dân, chiếm đoạt tài sản Nhà nước

Cũng theo ông Phớc, kết quả kiểm toán 8 dự án BOT trong năm 2018 cho thấy hầu hết các dự án thực hiện chỉ định Nhà đầu tư, chỉ định nhà thầu thi công; xác định sai khiến tăng tổng mức đầu tư; chưa quy định khung giá vé đối với dự án đầu tư của công trình giao thông; nghiệm thu, thanh toán sai...

Kiểm toán nhà nước đã kiến nghị giảm thời gian thu phí hoàn vốn của 07/08 dự án là 16,2 năm so với phương án tài chính ban đầu (Năm 2017 trở về trước, KTNN đã kiến nghị giảm 227,4 năm của 67 dự án). 

Thảo luận