Đây là câu hỏi được đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) nêu tại phiên thảo luận tổ về kinh tế - xã hội sáng 22/5 của Quốc hội.
Vụ việc của doanh nghiệp Nhật Cường (sau khi chuỗi cửa hàng bị khám xét ông chủ bỏ trốn, cơ quan công an ra quyết định truy nã - PV) được đại biểu Khánh đề cập trong nhận xét chung về sự hạn chế của dịch vụ công thiếu đồng bộ, thiếu kết nối.
"Tôi theo dõi nhiều năm có mấy điểm làm cho đại biểu rất băn khoăn, lúc nào cũng nói Chính phủ chỉ đạo quyết liệt nhưng cho đến nay cái xã hội cần, doanh nghiệp cần thì vẫn vướng. Như sự kết nối, liên thông, chia sẻ thông tin trong cải cách hành chính, đến giờ vẫn chưa có gì cả, rất chậm luôn", bà Khánh nhận xét.
Đại biểu Khánh cho biết vừa qua Hà Nội đã triển khai chính quyền điện tử trong khi toàn quốc chưa triển khai được nên đã bộc lộ khó khăn khi kết nối với cơ quan khác vì chưa có quy định về kết nối, chia sẻ thông tin.
Trong bối cảnh đó thì vừa rồi lại xảy ra vụ Nhật Cường, đến giờ đại biểu cũng chưa hiểu tại sao lại như thế, có ảnh hưởng gì đến tiến độ triển khai dịch vụ công của Hà Nội hay không?, bà Khánh băn khoăn.
Theo đại biểu Khánh thì cần làm rõ doanh nghiệp sai phạm gì, nói cho dân biết đằng sau có lợi ích nhóm hay không, có phải đụng chạm đến ai đó nên dằn mặt nhau hay không?
Đại biểu còn không biết thông tin thì dân biết thế nào, ít nhất đại biểu phải được thông sớm để còn giúp cho dân hiểu, bà Khánh nói.
Trước đó, trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, bí thư Thành uỷ Hà Nội Hoàng Trung Hải cho biết không chỉ có mình Nhật Cường cung cấp dịch vụ công cho Hà Nội, và Thành ủy đã giao cho UBND thành phố chỉ đạo rà soát để đảm bảo hoạt động bình thường cho hệ thống dịch vụ công của Hà Nội.
Điểm mới về định hướng kinh tế tư nhân
Báo cáo của Chính phủ trình bày tại phiên khai mạc kỳ họp này nêu giải pháp, phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; thúc đẩy hình thành những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, tiềm lực mạnh, có năng lực cạnh tranh khu vực, quốc tế.
Theo đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) thì việc thúc đẩy hình thành những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn từ trước đến nay ít được nói đến.
Để thực hiện đinh hướng này, đại biểu Cường nêu hai vấn đề cần quan tâm. Thứ nhất cần xem lại việc hình thành xuất phát từ đâu và dựa vào cái gì, bởi phần lớn các tập đoàn tư nhân lớn trong nước đang khai thác yếu tố lợi thế như đất đai, bất động sản, tài nguyên và thuơng mại. Mà con đường này thì các nước phát triển đã đi từ thế kỷ 15-16, đến nay người ta coi trọng việc sản xuất tạo ra chuỗi giá trị. Vì thế cần xem lại trong định hướng làm thế nào phát triển được tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh, ông Cường nêu quan điểm.
Vấn đề thứ hai được đại biểu Cường nhấn mạnh là các tập đoàn kinh tế tư nhân trong nước đang bị cạnh tranh bới khu vực đầu tư nước ngoài (FDI). Khi chiến tranh Mỹ - Trung đang được dự báo sẽ làm dịch chuyển dòng đầu tư từ Trung Quốc mà Việt Nam là luồng thu hút mạnh dòng đầu tư này.
Đại biểu Cường nêu con số từ Bộ Kế hoạch và đầu tư, 4 tháng đầu năm FDI của Trung Quốc vào Việt Nam tăng 241% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó ở Việt Nam doanh nghiệp ra đời nhiều nhưng doanh nghiệp quy mô vừa và lớn ngừng hoạt động cũng rất cao, 2017 lần lượt là 27% và 52%.
Điều này theo đại biểu Cường định hướng phát triển tập đoàn tư nhân sẽ khó khăn. Đại biểu Cường đề nghị cần có định hướng trong việc thu hút đầu tư nước ngoài, ưu tiên ở những lĩnh vực doanh nghiệp trong nước chưa phát triển được, những lĩnh vực chuyển giao công nghệ mới .