Phát hiện súng thần công triều Nguyễn nằm sâu hơn 4 mét trên bãi biển Đà Nẵng

Súng đúc bằng đồng dài 1,5 m, còn nguyện vẹn họa tiết, được tìm thấy khi thi công bờ kè bãi biển Xuân Thiều (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng), theo thông tin trên báo VnExpress.
Sputnik

Chiều 24/5, Ban chỉ huy quân sự quận Liên Chiểu (Đà Nẵng) đồng ý cho Bảo tàng Đà Nẵng đưa khẩu súng thần công về trưng bày, bổ sung vào bộ sưu tập súng thần công để làm hồ sơ trình Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia.

Những thông tin bất ngờ vụ xới tung lăng mộ của vợ vua Triều Nguyễn

Trước đó chiều 22/4, khi thi công bờ kè khu vực biển Xuân Thiều (phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu), công nhân phát hiện khẩu thần công ở độ sâu gần 4,5 m. Súng dài 1,5 m, đường kính hơn 30 cm, còn nguyện vẹn họa tiết.

Trực tiếp tới nghiên cứu, ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng, nhận định đây là súng thần công triều Nguyễn trang bị cho các hệ thống phòng thủ ở cửa biển Đà Nẵng, được đúc bằng đồng thời Minh Mạng (1820-1840) hoặc Thiệu Trị (1841-1847).

"Phần tay đúc hình rồng nên chắc chắn dành cho quan chỉ huy sử dụng phát lệnh tấn công. Tên súng có chữ Hán nên chúng tôi đã nhờ chuyên gia về Hán - Nôm dịch", ông Thiện nói.

Theo Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng, có thể súng được sử dụng trong buổi đầu chống Pháp năm 1858-1860. Người dân Đà Nẵng đã tìm được rất nhiều súng thần công gắn với lịch sử kháng Pháp, nhưng đều đúc bằng gang. Đây là khẩu thần công đầu tiên được đúc bằng đồng.

Ban đầu, Ban chỉ huy quân sự quận Liên Chiểu muốn giữ lại hiện vật vì có yếu tố "vũ khí". Tuy nhiên, ngành văn hóa Đà Nẵng đã kiến nghị đưa về bảo tàng để có kế hoạch trưng bày, giới thiệu giá trị truyền thống đấu tranh của cha ông những ngày đầu kháng Pháp năm 1858.

Thảo luận