Thưa Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, rốt cuộc tàu Cát Linh – Hà Đông bao giờ chạy thật?

Thưa Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, rốt cuộc tàu Cát Linh – Hà Đông bao giờ chạy thật? – Đây là câu hỏi mà không chỉ cử tri Hà Nội muốn Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) trả lời rõ ràng, báo Đấu Thầu đặt vấn đề.
Sputnik

Dự án “đôi ba lần lùi hạn chót” của Bộ trưởng Thể

Tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông liên tục vỡ tiến độ và đội vốn đã gây bức xúc cho không chỉ các cử tri Hà Nội trong nhiều năm qua. 

Cát Linh-Hà Đông lỗi hẹn: Lo đội chi phí, dân chịu

Từ khi nhậm chức Bộ trưởng GTVT ngày 26/10/2017 đến nay, ông Nguyễn Văn Thể đã nhiều lần đi thị sát công trình và chỉ đạo gấp rút hoàn thành dự án này. Tuy nhiên, vị tư lệnh đương nhiệm của ngành giao thông dường như cũng “bó tay” trước “di sản lịch sử” để lại về sự chầy bửa khó tin tại dự án này.

Từ mốc tiến độ nhà thầu Trung Quốc tuyên bố ban đầu: hoàn thành trong năm 2013, tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông sau đó bị hoãn tới năm 2015, rồi năm 2016 và đến thời điểm này vẫn chưa được hoàn tất.

Tháng 4/2018, sáu tháng sau khi ngồi ghế Bộ trưởng, ông Nguyễn Văn Thể khẳng định: “Thời điểm này, vốn của dự án đã đầy đủ, mặt bằng cơ bản không vướng mắc, việc lắp đặt thiết bị đang hoàn tất… Vì vậy, đến tháng 10 phải vận hành kỹ thuật tuyến đường sắt, tháng 12 phải vận hành thương mại”.

Ngày 12/5/2018, Bộ trưởng Thể đi thử và khen: “Đường sắt Cát Linh - Hà Đông êm hơn đường sắt quốc gia”, rồi cho biết: “Người dân Hà Nội sẽ có tuyến đường sắt "rất tốt và hiện đại".

"Từ nay đến thời điểm vận hành kỹ thuật và thương mại chỉ còn 4, 5 tháng, trong khi khối lượng công việc còn lại tương đối lớn. Để có thể đáp ứng được yêu cầu tiến độ, Bộ yêu cầu tăng thêm xe máy, nhân lực thi công ở các hạng mục có nguy cơ chậm, thậm chí phải thi công cả 3 ca để đáp ứng yêu cầu", Bộ trưởng Giao thông chỉ đạo.

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông chưa dùng đã xuống cấp: Chủ đầu tư lý giải
Mới đây, như đã đưa tin, ngày 15/3/2019, Bộ trưởng Thể lại đi kiểm tra tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông và yêu cầu nhà thầu, các đơn vị liên quan cần nỗ lực hơn nữa để dự án đi vào vận hành thương mại vào cuối tháng 4, nhân dịp cả nước kỷ niệm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

Thế nhưng lại thêm một lần nữa dự án chầy bửa, trơ lỳ.

Tiến độ lùi, tổng mức đầu tư tăng

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông được Bộ GTVT phê duyệt đầu tư vào năm 2008 với tổng mức đầu tư là 552,86 triệu USD (tương đương 8.769 tỷ đồng). Trong đó vốn vay Trung Quốc là 419 triệu USD và vốn đối ứng của Việt Nam là 198,42 triệu USD.

Ngày 23/2/2016, Bộ GTVT có Quyết định số 513 phê duyệt điều chỉnh dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông. Tại văn bản này, tổng mức đầu tư của dự án được điều chỉnh từ 552,86 triệu USD lên 868,04 triệu USD (tăng 315,18 triệu USD, tương đương 9.231 tỷ đồng).

Trong đó, phần vốn vay của Trung Quốc là 669,62 triệu USD (tăng 250,62 triệu USD), phần vốn đối ứng của Việt Nam là 198,42 triệu USD (tăng 64,56 triệu USD).

Dự án dùng vốn vay nước ngoài, Việt Nam thiệt nhiều?

Khởi công tháng 10/2011, như vậy đến nay đường sắt Cát Linh-Hà Đông đã trải qua gần một thập kỷ “xây dựng và trưởng thành” với “kỳ tích” 10 lần lùi tiến độ.  Dự án chậm đi vào khai thác ngày nào đội thêm lãi vay Trung Quốc ngày đó, lãng phí đầu tư công, bôi xấu bộ mặt đô thị Thủ đô và gây bức xúc dư luận nhân dân.  

Kỷ cương phép nước ở đâu? Ai phải chịu trách nhiệm cho điều này? Thưa Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể?

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông dài 13 km trên cao, điểm đầu tại ga Cát Linh, điểm cuối tại ga Yên Nghĩa (Hà Đông), toàn bộ 12 nhà ga trên cao và khu Depot dưới mặt đất, đường ray đôi khổ 1.435 mm. Dự án có 13 đoàn tàu, mỗi đoàn 4 toa. Thời gian khai thác 3-5 phút/chuyến, tương lai 2 phút/chuyến; tốc độ thiết kế tối đa 80 km/h, tốc độ khai thác bình quân là 35 km/giờ.

Thảo luận