“Thực chất không phải trí tuệ nhân tạo mà chúng ta sẽ tạo ra trong 20 năm tới là cái gì đáng sợ. Đôi khi, chính con người sợ hãi cả cách anh ta sử dụng công nghệ tạo ra”, - GS Wallach nhận xét trong cuộc phỏng vấn của Sputnik bên lề Diễn đàn về trí tuệ nhân tạo do Trung tâm phân tích “Taihe” tổ chức.
Ông lưu ý rằng các công nghệ có thể trở nên nguy hiểm nếu ai đó muốn sử dụng chúng để thao túng hành vi và cảm xúc của mọi người.
"Hãy thử nghĩ xem cái gì sẽ xảy ra nếu chúng ta có các cảm biến biết rõ khi nào bạn sợ hãi hoặc dễ bị tổn thương ... Đối với tôi, điều đáng ngại là việc sử dụng trí tuệ nhân tạo vào mục đích giám sát theo dõi. Thêm nữa, điều gì sẽ xảy ra nếu trí tuệ nhân tạo kiểm soát điều khiển những vũ khí sát thương. Như vậy rất đáng sợ, nhưng chúng ta không cần làm tất cả những thứ đó”, - GS Wallach nói.
Đồng thời, ông tỏ ra hoài nghi việc các nhà khoa học có thể nhanh chóng tạo ra thứ gì đó tương tự như bộ não con người, ở đây các vấn đề đạo đức cũng có thể là rào cản.
"Tôi nghĩ rằng hiện thời chúng ta còn rất xa mới đạt tới tạo ra thứ gì tương tự như bộ não người, còn xa lắm. Điều đó có nghĩa là gì? 20 năm, 50, 100 năm, tôi không biết. Một vài đồng nghiệp của tôi cho rằng trong vòng 20 năm tới, nhưng tôi không nghĩ thế. Tôi giả thiết rằng chúng ta còn phải vấp ngã thất bại nhiều hơn là ta tưởng. Tôi hơi nghi ngờ hơn số đông, bởi tôi đã suy nghĩ rất nhiều về vấn đề đạo đức và nhận thức được rằng tất cả không hề giản đơn”, - ông Wallach cho biết.
Tuy nhiên, chuyên gia Wallach vẫn cho rằng trong tương lai các công nghệ sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn là tiềm ẩn đe dọa, sự phức tạp là làm sao giảm thiểu hậu quả không mong muốn đối với cộng đồng xã hội.