Liên quan đến đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu lên 62 tuổi đối với nam và 60 tuổi đối với nữ trong Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung khẳng định:
“Nếu không điều chỉnh tuổi nghỉ hưu thì có nghĩa là truyền gánh nặng cho thế hệ sau.”
Bên lề Kỳ họp thứ bảy - Quốc hội khóa XIV, sáng 29/5 Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã có những trao đổi cụ thể với báo chí về vấn đề này.
- Việc đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu dựa được đưa ra dựa trên cơ sở nào, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Tại Việt Nam, quy định về tuổi nghỉ hưu đang được áp dụng hiện nay (60 tuổi với nam và 55 tuổi với nữ) đã có từ đầu những năm 1960s, tức là cách đây hơn sáu thập kỷ. Tại thời điểm đó, tuổi thọ trung bình của Việt Nam chỉ đạt hơn 45 tuổi. Trong khi đó, hiện nay, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam hiện nay là 76,6 tuổi. Việt Nam đã trở thành một trong những nước có tuổi thọ trung bình cao ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Bởi vậy, việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu là cần thiết. Việc này được thực hiện theo lộ trình, liên quan đến nhiều Luật và chính sách khác như Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức, Bảo hiểm xã hội, việc điều chỉnh thị trường lao động…
- Theo dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), những trường hợp nào được nghỉ hưu sớm hoặc muộn hơn so với quy định, thưa ông?
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Khi thiết kế chính sách, chúng tôi đã tính đến cả trường hợp người lao động nghỉ hưu ở tuổi 50. Thậm chí, với những công việc nặng nhọc, nguy hiểm, người lao động bị suy giảm sức khỏe, khả năng lao động thì còn có thể nghỉ hưu sớm hơn nữa. Ngoài ra, họ có thể nghỉ hưu khi đóng đủ bảo hiểm.
Bởi vậy, Luật được xây dựng theo hướng không bắt buộc người lao động cứ đủ tuổi lao động, đủ năm đóng bảo hiểm thì mới được nghỉ hưu. Chính phủ đang rà soát toàn bộ những ngành nghề, lĩnh vực, công việc nặng nhọc, nguy hiểm, độc hại để hoàn thiện danh sách ban hành kèm theo Bộ luật Lao động (sửa đổi) khi Bộ luật này được Quốc hội thông qua.
Chúng ta cần phân biệt rõ tuổi nghề và tuổi nghỉ hưu. Tuổi nghỉ hưu là những quy định về điều kiện để người lao động được hưởng chính sách của Nhà nước, hưởng bảo hiểm xã hội. Còn tuổi nghề là phạm trù khác. Tùy theo đặc trưng riêng, mỗi ngành nghề có thời gian làm nghề dài-ngắn khác nhau. Ví dụ, với những lĩnh vực như thể thao, xiếc, thời gian làm nghề thường ngắn. Trong khi đó, với lực lượng lao động trình độ cao, đặc biệt là ở các lĩnh vực đòi hỏi kinh nghiệm (như nghiên cứu khoa học, luật…) thì cần khuyến khích làm việc suốt đời.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 19/5/2018 của Ban chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XII) về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội chỉ rõ, điều chỉnh tuổi nghỉ hưu cần có tầm nhìn dài hạn và có lộ trình phù hợp với tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm, thất nghiệp; không gây tác động tiêu cực đến thị trường lao động; bảo đảm số lượng, chất lượng và cơ cấu dân số; bình đẳng giới; cân đối Quỹ bảo hiểm xã hội trong dài hạn; xu hướng già hoá dân số; tính chất, loại hình lao động và giữa các ngành nghề, lĩnh vực…
Khi điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, hai ưu tiên hàng đầu là tăng trưởng kinh tế và đảm bảo việc làm cho lao động trẻ. Phương án đề xuất đã tính đến việc cân đối việc làm cho cả lực lượng lao động trẻ và lực lượng lao động già.
Việc tăng tuổi nghỉ hưu là tính cho tương lai, cho thế hệ sau.
- Vậy việc tăng tuổi nghỉ hưu có tác động thế nào đến quỹ bảo hiểm xã hội không, thưa ông?
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Nhìn chung, hiện nay, ở Việt Nam, mức đóng bảo hiểm xã hội của cả nam và nữ còn thấp (đóng bình quân 20 năm) nhưng mức hưởng cao. Tại nhiều quốc gia khác trên thế giới, mức hưởng bảo hiểm xã hội dao động trong khoảng từ 30%-45%. Tuy nhiên, ở Việt Nam, mức hưởng trung bình là 70%, còn người hưởng cao nhất là 75%.
Nếu một người đóng bảo hiểm xã hội bình quân 28 năm thì đủ để chính người đó hưởng trong 10 năm; đối với 9,5 năm còn lại thì phải lấy đóng góp bảo hiểm xã hội của thế hệ sau chia sẻ cho thế hệ trước. Bởi vậy, để đảm bảo sự cân bằng, ổn định của quỹ bảo hiểm xã hội thì việc điều chỉnh tuổi hưu là cần thiết.
Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) đề xuất hai phương án tăng dần tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện làm việc bình thường từ năm 2021. Lộ trình này sẽ thực hiện dần dần, cho tới lúc nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi. Hai phương án trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến:
Phương án 1: Kể từ ngày 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi ba tháng đối với nam và đủ 55 tuổi bốn tháng đối với nữ. Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm ba tháng đối với nam và bốn tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.
Phương án 2: Kể từ ngày 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi bốn tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 6 tháng đối với nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm bốn tháng đối với nam và sáu tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.
Dự thảo Bộ luật cũng quy định quyền nghỉ hưu sớm hơn không quá năm tuổi đối với người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; và một số công việc, nghề nghiệp đặc biệt.
Trong khuôn khổ Kỳ họp thứ bảy - Quốc hội khóa XIV, sáng 29/5, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, trình bày Tờ trình về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi).
Chính phủ đề xuất lựa chọn phương án 1 vì đây là phương án có ưu điểm hơn, phòng tránh cao hơn các rủi ro khi điều chỉnh tuổi đối với thị trường lao động, tránh gây sốc thị trường lao động, giữ được ổn định xã hội và phù hợp với thông lệ quốc tế.