Theo Channel NewsAsia, thông tin trên được Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen đưa ra sau cuộc làm việc với người đồng cấp Trung Quốc hôm 29/5, trước thềm Đối thoại Shangri-La diễn ra cuối tuần này.
"Chúng tôi đã có cuộc thảo luận toàn diện về một loạt vấn đề, trong đó có Biển Đông. Đối với các nguyên tắc và chi tiết cụ thể là cơ sở cho COC (Bộ quy tắc ứng xử của các bên tại Biển Đông), Tướng Ngụy tái khẳng định cam kết của Trung Quốc không chỉ duy trì hòa bình khu vực, mà còn tránh đối đầu, dù cố ý hay không, với Mỹ", Bộ trưởng Ng Eng Hen cho biết.
Thượng tướng Ngụy Phượng Hòa đang có mặt tại Singapore để chuẩn bị tham dự Đối thoại Shangri-La, diễn đàn hàng đầu châu Á về an ninh quốc phòng. Đây là lần đầu tiên Bắc Kinh cử bộ trưởng quốc phòng tham dự sự kiện sau 8 năm.
"Việc ông ấy ở đây cho thấy Trung Quốc và quân đội của họ sẵn sàng tham gia nhiều hơn đối với khu vực và thế giới", Bộ trưởng Ng cho biết.
Trong bối cảnh chiến tranh thương mại leo thang giữa Washington và Bắc Kinh, Bộ trưởng Ng cho rằng cơ quan an ninh các nước cần bảo đảm tránh làm tăng nguy cơ tính toán sai, phản ứng không phù hợp, có thể dẫn tới xung đột.
Khi được hỏi Singapore sẽ làm gì khi phải lựa chọn giữa Mỹ và Trung Quốc, Bộ trưởng Ng khẳng định cả Washington và Bắc Kinh cần chấp nhận rằng việc "chọn phe" là lựa chọn không cần thiết đối với mọi quốc gia.
"(Việc không chọn phe) Không chỉ là một lựa chọn sáng suốt, nó cho thấy chúng ta đang không sống trong trật tự thế giới đơn cực hay đa cực. Chúng ta đang có những chuỗi cung ứng xuyên biên giới, nền kinh tế phụ thuộc lẫn nhau, dù đó có là về thương mại hay chứng khoán", ông Ng cho biết.
Tháng 8/2018, các quốc gia ASEAN và Trung Quốc đã thống nhất dự thảo văn kiện sẽ được sử dụng làm cơ sở cho các cuộc đàm phán trong tương lai về COC trên Biển Đông. Tháng 11/2018, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tuyên bố hy vọng quá trình tham vấn lẫn nhau về COC có thể kết thúc trong 3 năm.
COC được kỳ vọng sẽ là văn kiện có tính ràng buộc pháp lý, thực chất, hiệu quả, giúp giảm nguy cơ xung đột giữa các bên trên Biển Đông, duy trì môi trường hòa bình, ổn định cho khu vực Đông Nam Á, trên cơ sở các bên tôn trọng hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước LHQ về Luật Biển 1982.