Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, đã xác nhận như vậy.
Theo đó, văn bản do ông Đặng Hoàng An - Thứ trưởng Bộ Công thương ký, nêu rõ:
"Căn cứ kết quả cuộc họp ngày 18-4-2019, Bộ trưởng Bộ Công thương nghiêm khắc phê bình và yêu cầu ông Trần Hùng rút kinh nghiệm sâu sắc khi thi hành công vụ trong quá trình kiểm tra Công ty Cổ phần Con Cưng, không để xảy ra sơ suất khi giải quyết công việc".
Ông Trần Hữu Linh xác nhận thông tin trên và khẳng định thông tin Tổng cục Quản lý thị trường thu hồi cầu vai, thẻ của ông Trần Hùng là không đúng.
Với thông tin cho rằng ông Hùng không được phân công công việc nên "ngồi chơi xơi nước" trong quá trình đang xem xét, xử lý kỷ luật liên quan vụ Con Cưng, ông Linh cho biết là sau khi có kết luận xong vụ việc này, Bộ Công thương mới phân công công việc cụ thể.
Trả lời câu hỏi với văn bản phê bình ông Trần Hùng được Bộ Công thương đưa ra có phải là đã làm xong việc "xem xét kỷ luật" và đó có phải là kết luận cuối cùng về vụ việc, lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường cho biết "đây là văn bản cuối cùng".
Vụ việc liên quan đến Công ty Cổ phần Con Cưng diễn ra đến nay đã gần 1 năm, kể từ tháng 7-2018 khi một loạt các cửa hàng của Con Cưng bị lực lượng quản lý thị trường ở nhiều địa phương kiểm tra theo phản ánh, khiếu nại của khách hàng về nhãn mác, xuất xứ sản phẩm.
Tuy nhiên, sau đó Bộ Công thương đã ra kết luận về vụ việc, tiến hành kiểm tra 75 mẫu hàng hóa, sản phẩm cho thấy về cơ bản công ty đã chấp hành đúng quy định của pháp luật, sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ và hồ sơ nhập khẩu hợp lệ theo quy định.
Cũng theo kết luận, công ty này chỉ mắc một số lỗi như vi phạm hành chính về nhãn hàng hóa, vi phạm về khiếu nại, quy định thương mại điện tử... nộp phạt 250 triệu đồng.
Bộ Công thương cũng lập Tổ rà soát, đánh giá lại quy trình kiểm tra việc chấp hành pháp luật đối với Công ty Con Cưng của Cục Quản lý thị trường (cũ).
Theo đó kết luận: "trong quá trình kiểm tra các công chức lãnh đạo là ông Nguyễn Trọng Tín, Phó Cục trưởng và ông Trần Hùng, Phó Cục trưởng có dấu hiệu vi phạm quy định của pháp luật và của Bộ Công thương về phát ngôn, ảnh hưởng đến hoạt động quản lý nhà nước của Bộ Công thương, gây ra những hiệu ứng không tốt, hiểu sai, hiểu chưa đúng bản chất sự việc trong dư luận xã hội cũng như gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp".
Bộ này kiến nghị giao Ban cán sự Đảng Bộ Công thương báo cáo Đảng ủy về các dấu hiệu vi phạm của các đảng viên trong thi hành công vụ; giao Vụ Tổ chức cán bộ trình Lãnh đạo Bộ trình tự thủ tục xem xét xử lý cán bộ công chức có dấu hiệu vi phạm và rút kinh nghiệm.
Tuy nhiên, kể từ khi Bộ Công thương đưa ra kết vào ngày 4-10-2018, đến nay việc xem xét xử lý cán bộ có dấu hiệu vi phạm liên quan vẫn chưa được Bộ này chính thức đưa ra kết luận cuối cùng.
Trong nhiều lần trả lời tại họp báo Chính phủ, người phát ngôn của Bộ là ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công thương, cho rằng việc chậm trễ trong công bố kết quả là bởi đây là "vấn đề liên quan đến con người nên phải báo cáo các cấp có thẩm quyền, làm cẩn trọng từng bước".
Tuy nhiên, dù đã khẳng định sẽ cố gắng có kết quả xử lý "ngay trong năm 2018 và không để kéo dài sang năm sau" nhưng tại buổi họp báo thường kỳ Bộ Công thương ngày 5-4, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường cũng cho biết đã có báo cáo lần cuối và đầy đủ về diễn biến sự việc. Sau đó sẽ có kết luận cuối cùng và xem xét quyết định liên quan đến vấn đề nhân sự đối với cán bộ đang bị kỷ luật trong việc bổ nhiệm chức danh.