“Chúng tôi xác định Nga là thị trường trọng điểm, đặc biệt từ khi Việt Nam ký kết và triển khai Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á- Âu thì thương mại của Việt Nam với các nước Liên minh tăng mạnh. Hiện nay, chúng tôi xác định ưu tiên xúc tiến thương mại tại thị trường Nga”, - ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương phát biểu với Sputnik.
Diễn đàn Doanh nghiệp Việt-Nga được tổ chức với sự phối hợp giữa Cục Xúc tiến thương mại – Bộ Công thương Việt Nam và Phòng Công nghiệp và Thương mại Saint-Petersburg. Mục đích của Diễn đàn - hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tận dụng cơ hội và đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường Liên bang Nga, cũng như tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Nga tìm kiếm đối tác tiềm năng đến từ Việt Nam trong hoạt động xuất-nhập khẩu.
“Hợp tác kinh tế giữa hai nước đang tăng trưởng mạnh. Việt Nam là thị trường tiềm năng, nhiều doanh nghiệp Nga tại thành phố Saint-Petersburg muốn ký kết hợp tác với Việt Nam và thúc đẩy trao đổi thương mại. Bên cạnh đó, thành phố Saint-Petersburg là điểm đến du lịch hấp dẫn được thế giới biết đến, mong rằng doanh nghiệp hai nước hợp tác để phát triển các sản phẩm du lịch chung nhằm thu hút khách du lịch lẫn nhau”, - bà Elena Zheltukhina, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Saint-Petersburg phát biểu tại Diễn đàn.
“Chính quyền hai thành phố Saint-Petersburg và Hồ Chí Minh luôn coi trọng mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa nhân dân hai nước, quan hệ giữa hai thành phố đã và đang phát triển mạnh mẽ và còn nhiều tiềm năng hợp tác. Trong những năm gần đây, phía Saint-Petersburg rất chú trọng đến hoạt động kinh tế đối ngoại, đặc biệt trong việc hợp tác thúc đẩy sự phát triển các doanh nghiệp của mình trên thị trường Việt Nam”, - Ông Vyacheslav Kalganov Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ TP Saint Petersburg khẳng định tại Diễn đàn.
Tại Diễn đàn, ông Dương Hoàng Minh, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Nga đã trình bày tham luận “Những cơ hội đầu tư vào Việt Nam”. Năm 2018, Việt Nam có tốc độ tăng trưởng GDP đạt 7,08% cao nhất kể từ năm 2008, thuộc nhóm các nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao nhất khu vực và thế giới. Hiện nay, Việt Nam đang định hướng thu hút đầu tư vào các dự án có giá trị gia tăng cao, sử dụng các công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường; chuyển đổi các dự án công nghiệp từ gia công sang sản xuất, dự án phát triển cơ sở hạ tầng, dịch vụ hiện đại, công nghệ thông tin và dự án hỗ trợ ngành công nghiệp kỹ thuật điện, dệt may, tự động hóa.
“Hiện nay tỉnh Bình Định đang mong muốn thu hút được các doanh nghiệp Nga vào khu kinh tế Nhơn Hội, nơi có những ưu đãi đầu tư tốt nhất Việt Nam. Trong khu kinh tế, chúng tôi tập trung vào những lĩnh vực như kinh tế biển, năng lượng, dệt may, vận tải - logistic, khu đô thị thông minh, khu độ thị khoa học. Trong chuyến đi Nga lần này chúng tôi muốn kêu gọi các nhà đầu tư, các doanh nghiệp Nga và khách du lịch đến với Bình Định”, - Ông Phan Cao Thắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định chia sẻ với Sputnik.
Điểm nhấn của Diễn đàn Doanh nghiệp Việt-Nga lần này là đàm thoại về hợp tác kinh doanh giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Nga tại Saint-Petersburg. Các doanh nghiệp đã trao đổi trực tiếp với nhau, giới thiệu cụ thể về những mặt hàng, dịch vụ của mình, trao đổi thông tin liên lạc để tiến tới ký kết hợp đồng hợp tác.
“Tại Diễn đàn này, 18 doanh nghiệp Việt Nam thuộc nhiều lĩnh vực như cơ khí, điện tử, công nghệ thông tin, thành phố thông minh, dệt may, y tế, giáo dục... đã gặp gỡ với gần 100 doanh nghiệp Nga thuộc những lĩnh vực này. Tôi hy vọng hai bên sẽ đạt được những thỏa thuận và ký kết nhất định sau Diễn đàn”, - ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương nói với Sputnik.
Hiện nay, với chính sách ngoại giao hướng Đông, Nga xem Việt Nam là đối tác quan trọng trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Và Việt Nam cũng đặt ưu tiên hàng đầu trong việc mở rộng hợp tác toàn diện với Liên bang Nga. Kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước tăng liên tục trong thời gian qua. Theo thống kê sơ bộ, kim ngạch thương mại của Việt Nam và LB Nga trong quý I năm 2019 đạt 1,14 tỷ đô la Mỹ và tăng 12,4% so với quý I năm 2018.