Theo đó, mức thuế chống bán phá giá tạm thời được áp dụng cho các doanh nghiệp xuất khẩu nhôm thanh đùn ép của Trung Quốc là từ 2,46% đến 35,58%.
17 công ty sản xuất nhôm của Trung Quốc sẽ bị điều tra liên quan đến vụ việc nêu trên. Biện pháp chống bán phá giá tạm thời sẽ có hiệu lực từ ngày 5/6/2019.
Bộ Công Thương cho biết, trải qua gần 5 tháng điều tra sơ bộ theo đúng quy định của Tổ chức Thương mại thế giới, Luật Quản lý ngoại thương và các quy định liên quan, Bộ Công Thương đã xem xét, đánh giá kỹ lưỡng thiệt hại của ngành sản xuất trong nước, mức độ bán phá giá của các doanh nghiệp sản xuất của Trung Quốc cũng như xem xét, tính toán tác động đối với các ngành sản xuất hạ nguồn và người tiêu dùng các sản phẩm nhôm thanh.
Kết quả thẩm tra, đánh giá cho thấy ngành sản xuất nhôm trong nước đã chịu thiệt hại nặng nề trong thời gian vừa qua, thể hiện ở các chỉ số như hầu hết các doanh nghiệp đều thua lỗ, nhiều dây chuyền sản xuất phải ngừng hoạt động và một số lượng lớn lao động đã phải nghỉ việc.
"Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là do nhôm Trung Quốc đang được bán phá giá, trong một số trường hợp giá bán còn thấp hơn cả chi phí sản xuất sau khi bị nhiều nước ngăn chặn bằng các rào cản thương mại, kể cả các biện pháp chống bán phá giá”, Bộ Công Thương cho hay.
Năm 2018, lượng nhôm thanh đùn ép nhập khẩu vào Việt Nam từ Trung Quốc lên tới 62 nghìn tấn, gần gấp đôi lượng nhập khẩu năm 2017.
Số liệu này chưa bao gồm lượng lớn nhôm nhập khẩu vào Việt Nam được đưa vào các khu chế xuất để sản xuất hàng xuất khẩu. Trong khi đó, lượng nhập khẩu từ các nước còn lại liên tục giảm qua các năm và đến 2018 chỉ còn chưa đến 5 nghìn tấn.
Cũng theo Bộ Công Thương, việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá tạm thời đối với một số sản phẩm nhôm thanh đùn ép sẽ giúp giảm bớt áp lực cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước và đồng thời góp phần ngăn chặn dòng hàng hóa “lẩn tránh” qua Việt Nam.
Trong thời gian tới, để đưa ra kết luận cuối cùng về vụ việc, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục làm việc với các bên liên quan, thẩm tra xác minh số liệu và tổ chức phiên tham vấn công khai để tất cả các bên có cơ hội bày tỏ ý kiến của mình, đồng thời đánh giá tác động toàn diện của vụ việc đến các bên liên quan, bao gồm cả người tiêu dùng cuối cùng. Dự kiến sẽ kết thúc điều tra vào Quý IV năm 2019.