Việt Nam – Liên bang Nga: Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện đặc biệt

“Không thể dùng giá trị tiền tệ để đánh giá mức độ gắn kết của quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt – Nga, khi nó đã phát triển đến mức đối tác chiến lược toàn diện đặc biệt hay còn cao hơn mức đó”, - Đại tá Nguyễn Minh Tâm phát biểu với Sputnik, khi đánh giá kết quả chuyến thăm chính thức Liên bang Nga vừa qua của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Sputnik

Chỉ trong vòng hơn một tuần ngay sau chuyến thăm chính thức Liên bang Nga của thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc (20-23/5) và khai mạc Năm Chéo Việt – Nga hàng loạt sự kiện mang tính hợp tác toàn diện đã diễn ra ở hai nước. Đó là Triển lãm sơn mài ở Moskva, Hội nghị hiệu trưởng các trường đại học Nga và Việt Nam lần thứ nhất ở Hà Nội, Diễn đàn doanh nghiệp Nga-Việt tại Xanh Peterburg và những hoạt động khác. Với hơn 120 sự kiện đã và sẽ được tổ chức tại hai quốc gia trong khuôn khổ Năm Chéo Việt-Nga, hy vọng rằng, tinh thần và kết quả quan trọng của chuyến thăm Nga của Thủ tướng Việt Nam vừa qua sẽ được phát huy trên thực tế đầy đủ và hiệu quả nhất.

Nga và Việt Nam hợp tác với nhau trên cơ sở bình đẳng

Sputnik đã có cuộc trao đổi với chuyên gia về các vấn đề chính trị và quân sự quốc tế, Đại tá Nguyễn Minh Tâm về kết quả chuyến thăm Nga của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và ý nghĩa của các văn kiện được ký kết.

Sputnik: Nhìn tổng quát thì chúng ta có thể đánh giá như thế nào về chuyến thăm Nga vừa qua của thủ tướng Nguyễ Xuân Phúc, thưa ông?

Đại tá Nguyễn Minh Tâm, Chuyên gia về các vấn đề chính trị và quân sự quốc tế

Chuyến đi thăm Liên bang Nga lần này của Thủ tướng Việt Nam đã khẳng định quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Liên bang Nga có cơ sở vững chắc từ quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống Việt Nam – Liên bang Xô Viết đang có những bước phát triển mới rất tích cực, có sức lan tỏa rộng rãi và dần đi vào chiều sâu. Có tất cả 14 văn kiện hợp tác đã được ký kết giữa hai bên về hợp tác trong nhiều lĩnh vực, như năng lượng hạt nhân, xây dựng, tài nguyên môi trường, du lịch, điện, thông tin viễn thông, an ninh mạng, ... Có ba thỏa thuận trong lĩnh vực quốc phòng, công nghiệp quốc phòng và an ninh không công bố theo nghị định hợp tác song phương về bảo vệ bí mật quốc gia Việt – Nga.

Năm chéo mang đến động lực mới trong quan hệ Nga-Việt

Sputnik: Ý kiến của ông về mức độ quan trọng của các thỏa thuận?

Đại tá Nguyễn Minh Tâm, Chuyên gia về các vấn đề chính trị và quân sự quốc tế

Các thỏa thuận ở các lĩnh vực quân sự, quốc phòng và an ninh đều thuộc diện bảo mật nhưng chắc chắn đó là các thỏa thuận đặc biệt quan trọng.

Các thỏa thuận khác có mức độ từ rất quan trọng đến đặc biệt quan trọng gồm:  Bộ Khoa học và Công nghệ và Tập đoàn Rosatom ký Bản ghi nhớ triển khai dự án xây dựng Trung tâm khoa học và Công nghệ hạt nhân tại Việt Nam. Thỏa thuận này giúp đẩy mạnh hợp tác Việt Nga về năng lượng hạt nhân theo một hướng mới, sử dụng công nghệ hoàn toàn mới; Biên bản ghi nhớ về hợp tác giữa Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) và các công ty Nga Kaspersky, FORS và Rostelecom (Văn kiện này thuộc loại đặc biệt quan trọng). Đây là lần đầu tiên, hai nước có thỏa thuận hợp tác cấp doanh nghiệp nhà nước về lĩnh vực đặc biệt quan trọng, có liên quan trực tiếp đến an ninh quốc gia này; Tổng Công ty bưu chính viễn thông Việt Nam ký Thỏa thuận hợp tác với Rostelecom và Công ty Altarkis về các giải pháp công nghệ thông tin - viễn thông. Đây cũng là văn kiện đặc biệt quan trọng giúp hiện đại hóa cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin Việt Nam, giảm bớt sự phụ thuộc quá đáng vào các phần mềm công nghệ thông tin của Mỹ; Thỏa thuận đầu tư sản xuất điện năng lượng tái tạo và điện khí giữa Tập đoàn T&T và Tập đoàn Dầu khí Zarubezhneft. Văn kiện thuộc loại rất quan trọng. Đây là lần đầu tiên, doanh nghiệp lớn của hai nước triển khai đầu tư lớn về năng lượng tái tạo. Đây là lĩnh vực hợp tác hoàn toàn mới giữa hai nước, có ý nghĩa rất quan trọng đối với Việt Nam vốn đang bị ô nhiễm môi trường gia tăng.

Tổng thống Putin: Nga và Việt Nam mở rộng hợp tác trong lĩnh vực kinh tế và chính trị

Sputnik: Đánh giá của ông về ý  nghĩa chính trị của gặp gỡ cấp cao Việt-Nga lần này?

Đại tá Nguyễn Minh Tâm, Chuyên gia về các vấn đề chính trị và quân sự quốc tế

Trong khi đàm phán, trao đổi, cả hai bên đều dùng từ “đồng chí” để nói chuyện với nhau. Điều này cho thấy hai bên có mức độ tin cậy chính trị cao nhất trong quan hệ hữu nghị và hợp tác. Các nhà kinh tế học theo khuynh hướng tư bản tài phiệt thường quy tất cả mọi thứ ra tiền. Và họ cũng hay dùng tổng mức trao đổi thương mại giữa các đối tác tính ra dollar Mỹ để đánh giá mức độ mật thiết trong quan hệ đối ngoại. Nhưng với quan hệ giữa Việt Nam và Liên bang Nga thì không thể dùng tiền để đánh giá được. Mặc dù hai bên còn đang rất phải cố gắng để tăng kim ngạch trao đổi lên 10 tỷ USD vào năm 2020. Nhưng ngay cả những năm trước đây, khi kim ngạch trao đổi thương mại Việt – Nga chỉ tính bằng trăm triệu USD, thì hiệu quả của sự trao đổi ấy đã lớn hơn nhiều tỷ dollar Mỹ khi xét về giá trị thực tế của khoản tiền đó. Vì vậy, không thể dùng giá trị tiền tệ để đánh giá mức độ gắn kết của quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt – Nga, khi nó đã phát triển đến mức đối tác chiến lược toàn diện đặc biệt hay còn cao hơn mức đó. Vấn đề là ở chỗ thực chất mối quan hệ đặc biệt  ấy không chỉ tính bằng tiền, mà còn phải tính bằng mức độ tin cậy chính trị ở cấp rất cao, gần tương đương với mức độ tin cậy chính trị giữa các nước xã hội chủ nghĩa trước năm 1990.

Nga và Việt Nam đã ký hơn mười văn kiện hợp tác trong nền kinh tế

Điểm thứ ba đáng chú ý là trong lúc phần lớn các nước trên thế giới, đặc biệt là các nước EU đang có thái độ đối địch và kỳ thị với Nga, thì Việt Nam vẫn có thể vừa giữ vững quan hệ truyền thống với Liên bang Nga, vừa phát triển quan hệ toàn diện với EU, lại vừa duy trì quan hệ toàn diện với Mỹ và cũng duy trì mức độ quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc mà không làm mếch lòng nước này hay nước khia. Theo tôi, không có nhiều quốc gia làm được điều này. Cuối cùng, Việt Nam là nước Đông Nam Á duy nhất có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Nga. Tôi luôn cho rằng, và khẳng định lại một lần nữa rằng, Việt Nam sẽ là một cầu nối đặc biệt tin cậy để Liên bang Nga có thể mở rộng quan hệ với từng nước ASEAN nói riêng và toàn khối ASEAN nói chung trong tương lai rất gần. Điều đó chắc chắn sẽ được thực hiện mà không cần đến bất cứ một căn cứ quân sự nào của Nga ở Việt Nam.

Sputnik: Chân thành cảm ơn ông Nguyễn Minh Tâm đã dành thời gian cho Sputnik. Hy vọng Năm Chéo Việt-Nga sẽ hiệu quả, như Thủ tướng Dmitry Medvedev đã phát biểu tại Lễ khai mạc Năm Chéo hôm 22/5 tại Moskva  “Tôi tin chắc rằng,  những năm “Chéo” sắp tới sẽ trở thành một trang sáng mới trong lịch sử quan hệ Nga-Việt Nam, sẽ tăng cường quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước chúng ta”.

Thảo luận