Ba trong số các nhà khai thác viễn thông lớn nhất tại Trung Quốc đang triển khai mạng 5G: China Mobile, China Unicom và China Telecom. Cho đến cuối năm 2019, có kế hoạch xây dựng từ 30 đến 50 nghìn trạm phát 5G và đầu tư vào cơ sở hạ tầng 17,2 tỷ nhân dân tệ (2,5 tỷ USD). 20 nghìn trạm khác sẽ được China Unicom và China Telecom xây dựng.
Các nhà khai thác đã tiến hành thử nghiệm mạng thế hệ thứ năm tại các thành phố lớn. Việc cấp giấy phép sử dụng cho mục đích thương mại là bước cuối cùng, cho phép các nhà khai thác triển khai mạng 5G trên quy mô lớn, theo Thời báo Hoàn cầu.
5G là thế hệ công nghệ di động thứ năm truyền tải dữ liệu không dây với tốc độ cao. 5G là cơ sở cần thiết để các công nghệ hiện đại khác có thể phát triển. Internet vạn vật, ô tô tự lái, thành phố thông minh, - tất cả các công nghệ này hoạt động thông qua mạng Internet tốc độ cao dựa trên công nghệ 5G.
Hiện tại, Trung Quốc dẫn đầu thế giới về công nghệ và mức độ sẵn sàng của cơ sở hạ tầng mạng 5G. Công ty “Ernst & Young” trước đó dự đoán vào năm 2025 sẽ có hơn 576 triệu người dùng 5G ở Trung Quốc, chiếm hơn 40% tổng số trên toàn thế giới. Còn Thời báo Hoàn cầu, tham khảo từ các chuyên gia Trung Quốc, lưu ý công nghệ đầu cuối này sẽ cung cấp hàng chục ngàn việc làm mới và tạo ra giá trị gia tăng từ 130 đến 180 tỷ đô la. Theo nhiều cách, sự phát triển mạng 5G dựa trên công ty viễn thông Huawei - đã phát triển phần lớn các giải pháp công nghệ trong lĩnh vực này. Như IPlytics viết trong báo cáo tháng 4, Huawei đã đưa ra số lượng tiêu chuẩn kỹ thuật lớn nhất để đảm bảo hoạt động của mạng 5G và sở hữu hơn 1,5 nghìn bằng sáng chế trong lĩnh vực này.
Tuy nhiên, việc Bộ Thương mại Hoa Kỳ đưa Huawei vào danh sách đen có thể làm phức tạp hóa hoạt động kinh doanh của công ty, vì lệnh này trên thực tế, cấm cản các công ty Mỹ cung cấp linh kiện cho Huawei mà không có giấy phép đặc biệt từ chính quyền Mỹ. Công ty Trung Quốc khi sản xuất các thiết bị viễn thông, đã sử dụng nhiều thành phần quan trọng từ các nhà cung cấp Mỹ. Tuy nhiên, các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với công ty Trung Quốc dường như không thể phá vỡ kế hoạch triển khai mạng 5G, Zhou Nianli – từ Trung tâm Nghiên cứu WTO của Đại học Kinh tế và Thương mại Quốc tế Trung Quốc, nói với Sputnik.
“Quyết định của Bộ Thương mại Hoa Kỳ đưa Huawei vào danh sách đen, tất nhiên sẽ ảnh hưởng đến công ty, nhưng hiệu quả sẽ không quá mức tệ hại. Và thậm chí hơn thế, sẽ không có nhiều ảnh hưởng đến chiến lược phát triển mạng 5G ở Trung Quốc, đến phạm vi ứng dụng và phát triển các công nghệ này. Về vấn đề thương mại hóa, Trung Quốc đã xác định đầu năm nay ra mắt chính thức mạng 5G trong hoạt động thương mại. Ưu điểm của công nghệ là truyền tải dữ liệu tốc độ nhanh, sẽ là động lực cho sự phát triển của Internet trong mọi thời đại. Từ quan điểm kinh tế, công nghệ này sẽ đảm bảo sự phát triển đáng kể của các ngành dịch vụ. Vì vậy 5G ẩn chứa một tiềm năng thương mại khổng lồ và đối với nhiều người tiêu dùng, đó chỉ là một nguồn lợi ích kinh tế khác”.
Chúng ta có thể nói rằng lệnh trừng phạt của Mỹ đưa ra đối với Huawei đã muộn – Trung Quốc hầu như đã sẵn sàng mọi thứ cho việc ra mắt thương mại mạng di động thế hệ thứ năm. Ngoài ra, Huawei thấy trước khả năng leo thang xung đột với chính quyền Mỹ, đã dự trữ linh kiện cần thiết trước một năm. Do đó, công ty có thể hoạt động mà không có bất kỳ tổn thất nào trong ít nhất một năm nữa, ngay cả khi tất cả việc giao hàng chấm dứt ngay từ bây giờ. Ngoài ra, HiSilicon đã phát triển chip vi xử lý riêng của mình trong vài năm qua. Cho đến nay, chip này có thể không hiện đại về công nghệ như của Mỹ. Tuy nhiên, chúng có thể sử dụng thay thế trong điều kiện bất khả kháng.