Thái Lan - Việt Nam: Ai sẽ bại trận?

Thái Lan đã làm bóng đá bài bản hơn từ khoảng chục năm nay nhưng Việt Nam lại có bước tiến thần tốc trong hơn 1 năm qua, theo baogiaothong.
Sputnik

Dù chỉ đụng nhau trong một trận giao hữu nhưng chắc chắn cả Thái Lan và Việt Nam đều không muốn thua, bởi kết quả cuộc đọ sức này còn ảnh hướng tới danh dự hai nền bóng đá.

Kẻ tám lạng, người nửa cân

19h45 tối nay (5/6), Việt Nam sẽ đối đầu Thái Lan trong trận ra quân tại King’s Cup 2019. Dù chỉ là trận đấu trong khuôn khổ một giải giao hữu nhưng chắc chắn không đội nào muốn nhận thất bại. Minh chứng cho nhận định này là việc cả Thái Lan lẫn Việt Nam đều triệu tập những quân bài mạnh nhất, từng chơi với nhau một thời gian dài. “Những chú voi chiến” hội quân từ ngày 30/5 trong khi “Những ngôi sao vàng” cũng lên đường sang Thái Lan sớm một ngày so với dự kiến, tất cả nhằm chuẩn bị tốt nhất cho cuộc gặp “thượng đỉnh” vào tối nay.

HLV Park Hang Seo: Tại sao phải sợ Thái Lan, tuyển Việt Nam chẳng ngại đối thủ nào

Trong lịch sử bóng đá Việt Nam kể từ khi hội nhập với khu vực, không nói ai cũng biết Thái Lan là cái tên gây ra cho đoàn quân áo đỏ sao vàng nhiều nỗi ám ảnh nhất. Ngoài thắng lợi ở chung kết AFF Cup 2008, các lứa tuyển Việt Nam đều yếm thế trong các lần đọ sức cùng người Thái. Theo bình luận viên Ngô Quang Tùng, thực tế có những thời điểm bóng đá Việt Nam tiệm cận hoặc ngang ngửa Thái Lan nhưng do yếu tố tâm lý nên thường nhận phần thua thiệt khi đối đầu.

Dẫu vậy, thời thế đã thay đổi, sau những thành công liên tiếp trong năm 2018, đầu năm 2019, bóng đá Việt Nam ngoài việc tạo được một chân đế chuyên môn vững chắc còn kích thích được tinh thần chiến đấu của các cầu thủ. Mới đây, đội tuyển U23 Việt Nam đã thắng tưng bừng U23 Thái Lan 4-0 tại vòng loại U23 châu Á 2020. Dù chỉ là cấp độ trẻ nhưng thắng lợi này cũng sẽ giúp bóng đá Việt Nam tự tin hơn khi đụng độ Thái Lan.

“Thái Lan đã làm bóng đá bài bản hơn từ khoảng chục năm nay nhưng Việt Nam lại có bước tiến thần tốc trong hơn 1 năm qua. Chúng ta có lứa cầu thủ tốt, hiểu nhau, ban huấn luyện ăn ý, triết lý bóng đá phù hợp. Còn về phần Thái Lan, không thể vì họ không vô địch AFF Cup 2018 hay thua Việt Nam ở vòng loại U23 châu Á mà chúng ta coi họ là đối thủ thích đá thế nào thì đá. Họ có nền tảng vững chắc là giải vô địch quốc gia Thai League. Theo tôi, thực lực hai nền bóng đá hiện tại cân bằng, cơ hội chia đều cho cả hai”, bình luận viên Quang Tùng chia sẻ.

Đồng quan điểm, cựu danh thủ Dương Hồng Sơn cũng cho rằng Thái Lan và Việt Nam đang ở thế cân bằng. Nhưng Quả bóng vàng 2008 nhấn mạnh, tuyển Việt Nam có lợi thế về tâm lý và tổ chức lối chơi: “Họ muốn thắng ta bằng mọi giá để khẳng định họ mới là đội bóng mạnh nhất Đông Nam Á, lấy lại niềm tin của người hâm mộ. Nói cách khác, họ nóng lòng đánh bại Việt Nam còn chúng ta đủng đỉnh. Về mặt lối chơi, Việt Nam cũng nhuyễn hơn Thái Lan khi duy trì được một lứa cầu thủ tài năng, bản lĩnh, ổn định, gắn kết”.

KING'S CUP 2019: HLV Thái Lan tuyên bố 'Thái Lan muốn làm số 1 Đông Nam Á'

Dùng tĩnh chế động, khi cần có thể biến hóa trên sân

Trước ngày tới Buriram chuẩn bị cho King’s Cup 2019, HLV Sirisak Yodyardthai cho biết, do sự vắng mặt của Chanathip Songkrasin (chấn thương), đội tuyển Thái Lan sẽ chuyển sang đá sơ đồ 5-3-2 hoặc 4-3-3 thay vì 3-4-3 giống như đội tuyển Việt Nam. Với hai sơ đồ này, khả năng phòng ngự của đội bóng xứ Chùa Vàng sẽ được gia tăng đáng kể vì quân số phòng ngự nhiều hơn. Cũng đồng nghĩa, hàng công Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận khung thành đối thủ.

Trả lời câu hỏi của Báo Giao thông về việc đội tuyển Việt Nam nên hay không thay đổi cách tiếp cận trận đấu so với thói quen? Cựu danh thủ Dương Hồng Sơn quả quyết: “Tôi cho rằng không nên. Lối chơi của chúng ta đang vận hành tốt, phù hợp thì nên dựa vào đó làm điểm tựa khi so tài với Thái Lan. Đặc biệt, hệ thống phòng ngự của tuyển Việt Nam dưới thời ông Park cực kỳ chắc chắn, ngay cả những đội bóng mạnh của châu Á cũng gặp nhiều khó khăn nên chẳng có lý do gì chúng ta phải thay đổi. Bên kia chiến tuyến, chúng ta chưa biết họ thay đổi cụ thể như nào và nên dùng tĩnh chế động, khi cần có thể biến hóa trên sân”.

Trong khi đó, bình luận viên Ngô Quang Tùng cũng dự đoán, tuyển Việt Nam vẫn sẽ nhập cuộc với cách chơi vốn thành thương hiệu bấy lâu nay là phòng ngự chặt, phản công nhanh.

Báo Thái Lan chỉ ra cái tên đáng lo ngại nhất của ĐT Việt Nam

Nhưng ông Tùng vẫn tin tưởng HLV Park Hang-seo có thể tạo ra những nhấn nhá khác nhau, gây bất ngờ cho đối thủ: “Ông Park vốn rất khó lường, ông ấy luôn biết cách tạo ra món mới, sáng tạo trong cách vận dụng. Vẫn những con người đấy, bài vở đấy nhưng ở từng thời điểm cụ thể, sử dụng con người cụ thể ra sao thì ông Park làm cực tốt, cực hiệu quả”.

Mở rộng vấn đề, bình luận viên Quang Tùng phân tích, mục tiêu của tuyển Việt Nam ở trận gặp Thái Lan hay cả giải đấu ở xứ Chùa Vàng không đơn giản là có kết quả tốt. “Thày trò ông Park Hang-seo phải cân bằng được giữa kết quả và nhịp điệu của cả tập thể. Giành chức vô địch đương nhiên tốt bởi nó là sự thị uy với bóng đá khu vực nhưng quan trọng hơn, đội tuyển Việt Nam cần giữ được trạng thái tốt, phát huy hệ thống của mình, để làm sao những cầu thủ khi lắp ghép vào đều chơi hiệu quả. Hay những cá nhân dự phòng có thể bắt nhịp ngay lập tức vào lối chơi. Tôi ví dụ trường hợp Tuấn Anh, nếu cậu ấy chơi tốt, hợp lý thì còn đáng vui hơn một chiến thắng trước Thái Lan bởi khi đó chúng ta sẽ được củng cố thêm về mặt nhân sự cho mục tiêu quan trọng là vòng loại World Cup 2022 khởi tranh vào tháng 9”, ông Tùng nhận định.

Thảo luận