Chỉ xét xử 3 bị cáo
Trong ngày khai tòa hôm qua (4/6), đại diện VKS công bố cáo trạng cho thấy: Từ ngày 1/7/2007, Công ty Âu Châu ký hợp đồng làm nhà nhập khẩu với Công ty BMW AG của Cộng hòa Liên bang Đức, để làm đại lý nhập khẩu và phân phối chính thức xe ô tô hiệu BMW, Mini Cooper và Moto rad tại thị trường Việt Nam. Công ty Âu Châu và Công ty BMW AG thống nhất, hai bên sẽ ký hợp đồng mua bán đối với từng lô hàng; Công ty BMW AG chuyển cho Công ty Âu Châu theo đường bưu điện 33 loại chứng từ bản chính gồm: Hợp đồng mua bán xe ô tô có chữ ký trực tiếp của đại diện Công ty BMW AG; Hóa đơn và Vận tải đơn, trong đó trên hóa đơn do Công ty BMW AG phát hành chỉ có tên người được ủy quyền ký, nhưng không có chữ ký.
Từ năm 2007 đến tháng 12/2016, Công ty Âu Châu ký 473 hợp đồng nhập khẩu 9.353 xe ô tô BMW, Mini Cooper và Moto rad (trong đó nhập khẩu 9.028 ô tô các loại và 325 xe mô tô) với tổng trị giá gần 5,5 ngàn tỷ đồng. Để tiến hành làm thủ tục nhập khẩu xe ô tô BMW, ngày 18/6/2007, Công ty Âu Châu và Công ty TNHH TM Dịch vụ giao nhận Việt Á (Công ty Việt Á) ký hợp đồng dịch vụ giao nhận, qua đó Công ty Việt Á làm dịch vụ khai báo Hải quan, thông quan, giao nhận hàng hóa cho Công ty Âu Châu.
Ông Trần Hải Đăng, Phó giám đốc Công ty Việt Á trực tiếp làm thủ tục hải quan, giao nhận hàng hóa cho Công ty Âu Châu theo hợp đồng đã ký. Nguyễn Thị Minh Yến là Trưởng phòng kinh doanh Công ty Âu Châu chịu trách nhiệm trong việc đặt hàng, nhận các tài liệu chứng từ do Công ty BMW AG cung cấp đối với từng lô hàng và báo cáo lãnh đạo Công ty Âu Châu để tiến hành làm thủ tục nhập khẩu.
Từ ngày 10/5/2013 đến ngày 24/6/2013, Công ty Âu Châu và Công ty BMW AG ký kết 9 hợp đồng mua bán tổng số 212 xe ô tô hiệu BMW với tổng trị giá 4.116.257 EUR. Sau khi nhận được 9 bản hợp đồng cùng 212 hóa đơn do Công ty BMW AG phát hành, Nguyễn Đăng Thảo, Nguyễn Thị Minh Yến lập lại 9 hợp đồng có sự điều chỉnh giảm giá của 91 xe trên tổng số 212 xe ô tô được phân bổ đồng đều, với giá trị trên hợp đồng thấp hơn giá trị trên hóa đơn do Công ty BMW phát hành với mục đích để thông quan lô hàng và nhằm giảm số thuế nhập khẩu.
Toàn bộ 91 xe ô tô bị làm giả về giá trị nêu trên đã được thông quan, bàn giao cho Công ty Âu Châu, sau đó công ty này bán toàn bộ 91 xe ô tô trên cho các khách hàng có địa chỉ tại 22 tỉnh thành trên toàn quốc. Khi bán 91 xe ô tô trên, Công ty Âu Châu đều xuất hóa đơn với tổng giá trị đã xuất bán là 206 tỷ đồng. “Phi vụ” 91 xe này mang về lợi bất chính cho Công ty Âu Châu 6,5 tỷ đồng và đây cũng chính là phần thiệt hại cho Nhà nước về thuế.
Cáo trạng truy tố Nguyễn Đăng Thảo, Trần Hải Đăng, Nguyễn Thị Minh Yến tội “Buôn lậu”, có khung hình phạt tù từ 12 năm đến 20 năm tù.
“Kiểm tra thủ công nên không phát hiện được chứng từ giả”
Theo cáo trạng của VKS, đối với các cán bộ Hải quan thuộc Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn Khu vực 3, Cơ quan điều tra không đề cập xem xét xử lý, dù rằng các công chức hải quan là Phan Thị Hoa, Nguyễn Thí Thức, Khưu Hữu Phước, Nguyễn Thị Thu Hiền, Hoàng Thế Vinh và Nguyễn Văn Thuyên là những người được phân công tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ và trực tiếp kiểm hóa đối với 91 xe ô tô do Công ty Âu Châu nhập khẩu từ ngày 19/7/2013 đến ngày 4/9/2013.
VKS dẫn tài liệu điều tra thể hiện, quá trình tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ được thực hiện thủ công nên không phát hiện các hóa đơn, chứng từ do Công ty Âu Châu làm giả để khai báo Hải quan. Việc kiểm hóa thực tế được thực hiện theo đúng quy định như kiểm tra tên hàng, mã số, số lượng, trọng lượng, chủng loại, chất lượng, nhãn hiệu, nhãn hàng hóa, ngày sản xuất và đối chiếu phù hợp giữa hàng hóa thực tế với hồ sơ hải quan điện tử. Trong ngày xét xử hôm qua, trả lời HĐXX, đại diện Hải quan tại phiên tòa nói rằng các công chức Hải quan trong vụ 91 xe này đã làm đúng quy định?!
Tuy nhiên, khi Toà hỏi: “Quy định là quy định nào?”. Đại diện Hải quan nói quy định liên quan của ngành, của Bộ GTVT. Chủ tọa tiếp tục truy: “Cụ thể trong 91 xe BMW này”. Nghe xong đại diện Hải quan vẫn khẳng định công chức Hải quan vụ này làm đúng quy định!(?).