Chính phủ Trung Quốc đang xem xét khả năng tăng cường việc kiểm soát xuất khẩu và thành lập một cơ chế đánh giá, theo dõi toàn bộ quá trình xuất khẩu đất hiếm. Ngày 4 tháng 6, Ủy ban cải cách và phát triển quốc gia Trung Quốc (NDRC) đã cho biết về điều đó. Đồng thời, Trung Quốc có thể áp dụng những biện pháp bổ sung để hạn chế việc khai thác trái phép và buôn lậu khoáng sản quan trọng, góp phần đưa ngành công nghiệp đất hiếm Trung Quốc vào chuỗi giá trị.
Tuyên bố của Ủy ban cải cách và phát triển Trung Quốc đã củng cố ý kiến của những người cho rằng, Trung Quốc có thể sử dụng vị thế gần như độc quyền của mình trên thị trường kim loại đất hiếm để gây áp lực lên Mỹ trong cuộc đàm phán thương mại. Điều đó gây sự lo ngại của Mỹ và họ tiếp tục xây dựng “hệ thống phòng thủ”. Hôm thứ ba, chính quyền của Tổng thống Hoa Kỳ đề xuất đơn giản hóa các quy tắc khai thác và thăm dò kim loại đất hiếm trên lãnh thổ Mỹ và thậm chí trên thềm lục địa. Chính quyền tìm cách bảo vệ nước Mỹ để Hoa Kỳ "không bao giờ trở thành con tin của cường quốc nước ngoài vì tài nguyên thiên nhiên rất quan trọng đối với an ninh quốc gia và tăng trưởng kinh tế". Bộ trưởng Nội vụ Hoa Kỳ David Bernhardt đã tuyên bố như vậy. Đến lượt mình, Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Wilbur Ross nhận xét rằng, không thể đánh giá thấp tầm quan trọng của kim loại đất hiếm, mà nếu không có đất hiếm thì chỉ đơn giản không thể có cuộc sống hiện đại.
“Nếu Trung Quốc hoặc Nga ngừng cung cấp đất hiếm cho Mỹ hoặc cho các đồng minh trong một thời gian dài, tương tự như lệnh cấm vận của Trung Quốc vào năm 2010, thì biện pháp này sẽ là một cú đấm mạnh vào các chuỗi cung ứng khoáng sản quan trọng này ở Mỹ và nước ngoài", - ông Ross nói.
Trong khi đó, các đối thủ của Trump trong Đảng Dân chủ đã lên tiếng phản đối việc khái thác đất hiếm trên các khu đất thuộc chính phủ liên bang.
Kế hoạch của chính quyền Hoa Kỳ giải quyết vấn đề với đất hiếm Trung Quốc bằng cách này có thể gây ra một vòng đối đầu mới giữa Đảng Dân chủ và Trump. Rất có thể một trong những mục tiêu trong cuộc chiến này sẽ là thỏa thuận gần đây với tập đoàn Lynas của Malaysia và Úc đã công bố kế hoạch liên doanh với Blue Line Mining có trụ sở tại Texas để thành lập một nhà máy sản xuất đất hiếm ở Mỹ. Tuy nhiên, vị trí của tập đoàn xuyên quốc gia Lynas ngày nay khá bấp bênh. Công ty đang làm việc tại Malaysia, mà trong những tháng gần đây ở nước này đã tổ chức rất nhiều cuộc biểu tình phản đối tập đoàn gây hại cho môi trường trong quá trình sản xuất. Phía Malaysia đe dọa sẽ thu hồi giấy phép kinh doanh của Lynas.
Ngoài ra, tại Hoa Kỳ, rõ ràng, không có những công nghệ đã được chứng minh trong lĩnh vực này. Quặng khai thác tại mỏ Mountain Pass ở California, mỏ duy nhất của Hoa Kỳ, phải được gửi đến Trung Quốc để xử lý. Công ty Mountain Pass Materials phụ trách về điều này. Đối tác của công ty tại Trung Quốc là Shenghe Resources Holding, nhà sản xuất đất hiếm có trụ sở ở Thành Đô, đang sở hữu gần 10% cổ phần tại Mountain Pass Materials. Vì thế, trong lĩnh vực chế biến quặng, các công ty Mỹ chưa có phương án thay thế nào ngoại trừ các đối tác Trung Quốc.
Trung Quốc muốn tăng cường kiểm soát quá trình sản xuất kim loại đất hiếm để đáp ứng nhu cầu của "nền kinh tế xanh". Đồng thời, Trung Quốc có quyền sử dụng biện pháp này để đối phó Hoa Kỳ trong cuộc chiến thương mại, - chuyên gia Jiang Yuechun, giám đốc Trung tâm Kinh tế và Phát triển Thế giới thuộc Học viện Quốc tế của Trung Quốc, cho biết trong cuộc phỏng vấn của Sputnik.
“Kim loại đất hiếm là tài nguyên chiến lược của đất nước, vì vậy Trung Quốc có quyền kiểm soát hợp lý và hiệu quả lĩnh vực này. Đặc biệt trong những năm gần đây, khi chính phủ Trung Quốc nhấn mạnh tầm quan trọng của mô hình phát triển xanh, nhiệm vụ kiểm soát hiệu quả lĩnh vực kim loại đất hiếm ngày càng trở nên cấp thiết. Việc khai thác đất hiếm tác động tiêu cực đến môi trường mà Trung Quốc là một nước nông nghiệp lớn. Có chú ý đến nhu cầu phát triển nông nghiệp và các vấn đề môi trường, dễ hiểu tại sao Chính phủ Trung Quốc muốn tăng cường các biện pháp kiểm soát hiệu quả lĩnh vực kim loại đất hiếm.
Hoa Kỳ đang gây áp lực rất lớn lên Trung Quốc, đặc biệt lên các doanh nghiệp công nghệ cao, ví dụ như tập đoàn Huawei. Trong điều kiện này, Trung Quốc phải áp dụng các biện pháp đối phó. Một trong những biện pháp có thể là việc kiểm soát xuất khẩu đất hiếm".
Chuyên gia Alexander Salitsky từ Viện Kinh tế Thế giới và Quan hệ Quốc tế (IMEMO) cho rằng, ngay cả sau khi thắt chặt kiểm soát xuất khẩu đất hiếm, Trung Quốc sẽ không áp đặt lệnh cấm vận xuất khẩu nguyên liệu này:
“Những biện pháp như vậy vượt ra ngoài khuôn khổ các quy tắc hiện hành của WTO, mà Trung Quốc không muốn rời khỏi lĩnh vực luật pháp quốc tế trong quan hệ với Hoa Kỳ. Bây giờ Bắc Kinh nhận được sự ủng hộ khá rộng rãi trên khắp thế giới trong cuộc xung đột với Hoa Kỳ, ở một số nơi đây là sự ủng hộ lặng lẽ, những nơi khác - sự ủng hộ công khai. Và tại Hoa Kỳ cũng có những ý kiến rất khác nhau về cuộc chiến thương mại. Dư luận đang dần thay đổi có lợi cho Trung Quốc. Không loại trừ rằng, sau cuộc gặp song phương có thể có tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Nhật Bản, hai bên sẽ nối lại cuộc đàm phán thương mại đã bị gián đoạn, và sẽ đạt “thỏa thuận ngừng bắn”. Diễn biến của cuộc xung đột này không thể dự đoán được, lập trường của chính quyền Mỹ đặc biệt khó lường. Nhưng, phía Trung Quốc muốn chấm dứt cuộc chiến này. Khả năng sử dụng đất hiếm để gây áp lực lên Hoa Kỳ nên được xem xét như mối đe dọa mang tính biểu tượng, chứ không phải như một công cụ sẽ thực sự được đưa vào hoạt động”.